Nhọc nhằn nghề lính cứu nạn, cứu hộ trên sông

Thứ Năm, 29/02/2024, 21:51

Gặp Thượng úy Lê Văn Linh, ấn tượng đầu tiên với tôi là nụ cười hiền lành. Nhìn Linh chẳng ai nghĩ anh lại là một người lính kì cựu của Đội cứu nạn cứu hộ trên sông, từng vượt qua bao hiểm nguy và khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong chương trình "Ánh dương trong màn đêm" tuyên dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ năm 2023, Thượng úy Lê Văn Linh là một trong số những cá nhân xuất sắc được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an.

Tôi luyện bản lĩnh

Đam mê nghề chữa cháy từ nhỏ nên Linh lựa chọn trường Trung cấp Cảnh sát PCCC&CNCH ngay sau khi rời ghế trường cấp 3. Tốt nghiệp năm 2013, Linh về nhận nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Cầu Giấy (Hà Nội). Năm 2015 anh được luân chuyển về Phòng CNCH, thuộc Cảnh sát PCCC&CNCH khi đó. Năm 2018, theo mô hình tổ chức bộ máy mới, anh trở thành "lính chiến" của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông Công an TP Hà Nội. Công việc của anh và đồng đội là tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ các vụ tai nạn, sự cố trên sông. Đó có thể là các tình huống cháy nổ, các vụ nhảy cầu, đuối nước hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm tang vật vụ án.

ảnh 1.jpg -0
Thượng úy Lê Văn Linh chuẩn bị lặn xuống sông tìm tang vật một vụ án.

32 năm tuổi đời, 12 năm tuổi quân, Thượng úy Lê Văn Linh chẳng nhớ mình đã cứu được bao nhiêu người gặp nạn trên sông, vớt được bao xác nạn nhân, tìm được bao nhiêu tang vật vụ án, nhưng mỗi vụ việc đều để lại những ấn tượng khó phai và giúp anh tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm cho bản thân.

Nhớ lại kỉ niệm đầu tiên khi xuống sông nhận nhiệm vụ dò tìm tang vật vụ án giết người phi tang vào năm 2015, anh vẫn không quên được cảm giác hồi hộp khó tả. Thứ anh và đồng đội phải tìm kiếm là cánh tay nạn nhân. Dù đã được học, được rèn luyện thường xuyên, nhưng lần đầu tiên xuống dưới đáy sông mù mịt, tối tăm, anh mới thấy hết được sự khó khăn, vất vả của cái nghề mình chọn. Từ lý thuyết đến thực hành khác xa nhau nhiều lắm. Có những ngày tìm kiếm, mò mẫm trong vô vọng, chẳng khác gì mò kim đáy bể. Mãi về sau, đối tượng phạm tội mới khai nhận không hề phi tang xác nạn nhân dưới sông.

Trong mỗi vụ án truy tìm tang vật, nếu nghi can khai chính xác vị trí phi tang hung khí gây án, những người lính dễ dàng để tìm ra. Điển hình như vụ việc Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đề nghị Đội Cảnh sát PCCC & CNCH trên sông hỗ trợ tìm kiếm tang vật nhiều năm về trước. Chỉ 30 phút sau khi xác định đúng vị trí, những thợ lặn "siêu đẳng" như Thượng úy Lê Văn Linh đã tìm được khẩu súng dưới đáy sông Hồng để bàn giao cho cơ quan điều tra.

Nhớ lại lần đầu tiên vớt xác nạn nhân dưới đáy sông sâu, anh thấy tim đập, chân run khi chạm vào xác nạn nhân. Nhưng lâu dần thành quen, nghề đã tôi luyện tinh thần thép cho những người lính như anh. Sau này mỗi lần nhận nhiệm vụ vớt xác nạn nhân dưới đáy sông, anh và các đồng đội đều lẩm nhẩm khẩn cầu người bị nạn phù hộ cho các anh nhanh tìm được thi thể để đưa họ trở về với gia đình.

Gần đây nhất, anh và đồng đội cũng kịp thời cứu một nạn nhân nhảy cầu tự vẫn, để lại xe máy trên cầu Long Biên. Chỉ vì mâu thuẫn với mẹ mà cô gái sinh năm 1990 đã lựa chọn cái chết để giải thoát cho mình. Thế nhưng may mắn hôm ấy nước sông không dâng cao, nạn nhân bám được vào chân cầu Long Biên. Nhận được tin báo của người dân, lực lượng CNCH, trong đó có Thượng úy Lê Văn Linh đã đưa ca nô ra kịp thời đưa nạn nhân lên ca nô. Hôm ấy trời lạnh, nạn nhân có tâm lý bất ổn, nên vừa sơ cứu, các anh vừa động viên tinh thần, khai thác thông tin gia đình để liên hệ đưa nạn nhân về nhà. Sau lần thoát chết may mắn ấy, nạn nhân cũng đã dần hiểu ra được ý nghĩa của cuộc sống và hứa không để chuyện dại dột này xảy ra lần nữa.

Lửa thử vàng

Với người lính CNCH, thể lực và kinh nghiệm là rất quan trọng, bởi thế mà hàng ngày Thượng úy Lê Văn Linh cùng đồng đội phải luyện tập rất vất vả, dù nắng hay mưa, dù đông hay hè. Những kỹ thuật lặn cơ bản, kỹ thuật sơ cấp cứu, bài tập thể lực tăng cường, tập trên cạn, tập dưới sông, triển khai đội hình phao cứu hộ trên sông… thường xuyên được các anh luyện tập để lúc nào cũng có thể thực hành thành thạo.

ảnh 3.jpg -1
Cảnh sát cứu nạn cứu hộ kịp thời cứu một người nhảy sông tự tử.

Theo Thượng úy Lê Văn Linh, CNCH trên sông vất vả hơn nhiều so với trên cạn. Môi trường sông nước nguy hiểm, khi xuống đến đáy, tất cả đều tối tăm, mù mịt. Bởi thế các anh sẽ phải phụ thuộc vào một sợi dây mà anh em lính cứu hộ hay tếu táo gọi là sợi dây sinh tử và một cục sắt rất nặng làm định vị. Một đầu dây buộc vào người, đầu còn lại sẽ buộc vào cục sắt. Cục sắt được thả xuống vừa là điểm giữ người lính xuống sâu dưới đáy, vừa là điểm định hướng để người lính xuất phát rồi quay trở lại, giúp đồng đội ở phía trên xác định được đường đi bên dưới của các anh, sẵn sàng công tác ứng cứu nếu có bất trắc.

Sông hồ nhiều vật cản, có những đoạn nước sông chảy xiết, nhiều hố sâu, người lính cứu hộ phải dò theo hướng dây, tay chân mò mẫm bám theo sợi dây sinh tử ấy để tìm đường đi và đường về. Việc mò mẫm dưới đáy sông sâu mù mịt khiến những người lính CNCH không ít lần rơi vào hố sâu hay giẫm vào thủy tinh, gai nhọn, móc câu... Nếu không giữ được bình tĩnh, sẽ dễ vùng vẫy, tuột mặt nạ dưỡng khí thì khi đó nguy hiểm càng cận kề, nhất là khi áp suất dưới đáy sông là rất lớn. Và sau mỗi buổi lặn cứu hộ, anh và đồng đội lại được nghỉ ngơi một ngày để lấy lại cân bằng, giảm áp suất cho đôi tai.

Ngoài nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trên sông, Thượng úy Lê Văn Linh còn có nhiều sáng kiến trong công tác tham mưu. Anh đã tham mưu tổ chức điều tra cơ bản về ao, hồ, sông, suối, về lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ dưới nước của các Đội Cảnh sát PCCC&CNCH thuộc Công an các quận, huyện, thị xã và các lực lượng khác (như cơ sở, phương tiện hoạt động trên sông và ven sông, cư dân thuyền chài…) để chủ động tham mưu cấp trên huy động lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu; tham mưu tổ chức các phương án diễn tập cứu nạn, cứu hộ trên sông quy mô lớn…

Ở Đội CNCH trên sông, Thượng úy Lê Văn Linh là lính thiện chiến, được đào tạo bài bản, đã tham gia nhiều khóa tập huấn của Nhật Bản về cứu nạn. Bản thân anh cũng là báo cáo viên đi tuyên truyền tại các đơn vị về công tác cứu nạn đồng thời là tuyên truyền viên tích cực cho bà con thuyền chài ven sông giữ an toàn mùa mưa lũ hay vận động trẻ em mặc áo phao khi ra sông hồ tập bơi…

Từ năm 2018 đến nay, Thượng úy Lê Văn Linh và các đồng đội đã tiếp nhận, tham gia 160 vụ cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, trực tiếp đến hiện trường tổ chức cứu nạn, cứu hộ là 154 sự cố, tai nạn. Kết quả đã cứu được 20 người mắc kẹt dưới sông, hồ, ao lên bờ an toàn, tìm thấy 53 thi thể, 1 tang vật vụ án bàn giao cho các lực lượng chức năng giải quyết.

Những ngày đầu năm mới, khi nhiều gia đình quây quần sum vầy bên mâm cơm ngày Tết, tận hưởng không khí đón xuân vui vẻ thì những người lính PCCC&CNCH vẫn phải thay nhau trực chiến và luyện tập để đề phòng những bất trắc xảy ra. Việc thường xuyên không có mặt ở gia đình những ngày lễ Tết với các anh dường như đã quá quen thuộc. Biết rằng sau mỗi chiến công là sự đóng góp của cả một tập thể, thế nhưng nếu không có lòng yêu nghề, nhiệt huyết tuổi trẻ của những cá nhân như Thượng úy Lê Văn Linh, thì chắc hẳn không thể có một đội lính CNCH trên sông thiện chiến như hôm nay.

Ngọc Trâm
.
.
.