Từng bước hình thành kỹ năng phòng cháy, chữa cháy trong cộng đồng

Thứ Hai, 18/12/2023, 08:25

Thời gian qua, phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (ANTQ) trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư. Nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay, công việc tốt... được người dân phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) thành lập, duy trì hoạt động. Qua đó từng bước hình thành, nâng cao kỹ năng, thói quen PCCC trong cộng đồng dân cư.

Để từng bước nâng cao ý thức, hình thành kỹ năng của người dân trong công tác PCCC, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Hà Nam luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống cháy, nổ. Phối hợp chặt chẽ với Công an các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan thông tin, truyền thông từ tỉnh đến cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH với nhiều nội dung thiết thực, hình thức đa dạng, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng.

Từng bước hình thành kỹ năng phòng cháy, chữa cháy trong cộng đồng -0
Lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh Hà Nam phối hợp hướng dẫn các kỹ năng PCCC cho học sinh Trường Chuyên Biên Hoà.

Cùng đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng chú trọng công tác tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho các tầng lớp nhân dân. Trong năm, đã tổ chức 758 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho 276.678/276.678 người là thành viên các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên toàn tỉnh (đạt tỷ lệ 100%). Bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ gia đình được tiếp cận với nội dung, tài liệu, khuyến cáo, tờ rơi... hướng dẫn về an toàn PCCC; đã tổ chức ký 189.043 bản cam kết đảm bảo an toàn về PCCC đối với hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với Công an cấp huyện hướng dẫn 100% cơ sở thuộc diện quản lý thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả đội PCCC cơ sở, chuyên ngành theo quy định. Củng cố và kiện toàn 686 đội dân phòng với trên 7.000 đội viên (đảm bảo 100% số thôn, tổ dân phố có đội dân phòng). Tổ chức: 147 lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho 6.000 đội viên đội PCCC cơ sở, chuyên ngành.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, công tác triển khai, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về thực hiện PCCC cũng là một trong những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao kiến thức, hình thành kỹ năng PCCC trong cộng đồng.

Theo đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp Công an các đơn vị, địa phương triển khai xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động 6 mô hình về PCCC trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện đã thành lập và duy trì hiệu quả 686 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”; 70 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”; 2 điểm “Cửa hàng xăng dầu kiểu mẫu an toàn về PCCC”; 14 mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC”; 1 mô hình “Nhà cao tầng an toàn về PCCC”; 1 mô hình “Chợ đạt chuẩn an toàn về PCCC”. Đến nay, đã vận động 465/465 tổng số nhà từ 2 tầng trở lên chưa có lối thoát nạn thứ 2 mở lối thoát nạn thứ 2 (đạt tỷ lệ 100%) và 201.993/276.678 hộ trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ và có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn (đạt tỷ lệ 73,01%).

Trong đó, 4 địa phương hoàn thành chỉ tiêu trang bị 100% bình chữa cháy cho các hộ gia đình, đó là: phường Minh Khai, TP Phủ Lý; xã Thanh Phong, Liêm Sơn và Thanh Tâm (huyện Thanh Liêm). Giám đốc Công an tỉnh công nhận 63 đơn vị đạt danh hiệu điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC năm 2023.

Để phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong lĩnh vực PCCC tiếp tục phát huy được hiệu quả, lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, góp phần từng bước hình thành kỹ năng PCCC trong cộng đồng, Thiếu tá Trương Vũ Minh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Hà Nam cho biết: lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tiếp tục tham mưu cho Công an tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh và quyết liệt thực hiện công tác hướng dẫn và thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, kỹ lưỡng, thường xuyên những kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng về PCCC, thoát nạn cho nhân dân, đặc biệt là đối tượng học sinh mẫu giáo, học sinh phổ thông.

Tiếp tục phối hợp các đơn vị chức năng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng phong trào toàn dân PCCC gắn với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, hướng tới mục tiêu xã hội hóa công tác PCCC.

Duy trì, thực hiện hiệu quả các mô hình hiện đang triển khai thực hiện, tổ chức đánh giá lựa chọn, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về PCCC, phổ biến cách làm hay, sáng tạo, gương người tốt, việc tốt để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, thông qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo đảm ANTT, an toàn PCCC và việc xây dựng, duy trì các mô hình phong trào toàn dân PCCC, mô hình “Dân vận khéo” đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCCC và CNCH; nâng cao nhận thức, vai trò của các cấp chính quyền, người đứng đầu cơ sở. Đồng thời nâng cao ý thức, từng bước hình thành, nâng cao kỹ năng PCCC trong quần chúng nhân dân, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa trên địa bàn tỉnh, củng cố niềm tin, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân đối với lực lượng CAND nói chung, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nói riêng.

Lê Phượng
.
.
.