Công việc lặng thầm nơi trại giam Đồng Sơn

Thứ Năm, 11/04/2019, 08:36
Tuy đóng trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình nhưng Trại giam Đồng Sơn (Cục C10, Bộ Công an) còn heo hút, hoang sơ. Dù điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn nhưng Ban giám thị, cán bộ, chiến sĩ của trại đã nỗ lực với những công việc lặng thầm, vất vả, phức tạp để hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Bề dày hơn 40 năm

Để hiểu hơn về Trại giam Đồng Sơn, chúng tôi vào thăm và đọc tài liệu trong Nhà truyền thống, được xây dựng giữa một chiếc hồ lớn gần cổng trại. Tìm hiểu, được biết Trại giam Đồng Sơn được thành lập vào tháng 7-1976, tiền thân là Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Trị Thiên, với tên gọi là Trại cải tạo Đồng Sơn. Đến năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên lại tách thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Trại cải tạo Đồng Sơn được chuyển cho Công an tỉnh Quảng Bình quản lý. Trong hơn 4 năm hoạt động, thực hiện Pháp lệnh thi hành án phạt tù năm 1993, Trại cải tạo Đồng Sơn được đổi tên thành Trại giam Đồng Sơn, với quy mô giam giữ lớn hơn, chuyên nghiệp hơn. Các ngành, nghề gắn với công tác giáo dục, cải tạo và hướng nghiệp lao động cho phạm nhân vẫn là sản xuất gạch, ngói, trồng trọt, chăn nuôi... để vừa phục vụ cho việc xây dựng nhà giam giữ, trụ sở đơn vị, dần tự cung tự cấp thực phẩm cho toàn trại và một phần xuất bán.

Trung tá Nguyễn Văn Thắng - Giám thị Trại giam Đồng Sơn phát biểu trước các nhà văn đi thực tế tại Trại giam Đồng Sơn.

Năm 2016, trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, Trại giam Đồng Sơn đã vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Đến nay, với bề dày hơn 40 năm, Trại giam Đồng Sơn tiếp tục có nhiều thành tích trong thực thi nhiệm vụ, đổi mới trong công tác dạy nghề, hướng nghiệp, gắn với những nghề thiết thực xã hội đang cần.

Đại tá Hoàng Quốc Trị - nguyên Giám thị Trại giam Đồng Sơn cho hay: "Việc quản lý, giam giữ phạm nhân được kết hợp chặt chẽ với công tác giáo dục, cải tạo và hướng nghiệp dạy nghề. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đã có bước trưởng thành đáng kể về số lượng, chất lượng. Những năm trước đây, Trại đã cử nhiều lượt cán bộ chiến sĩ tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Trong nhiều năm liền, đơn vị Chi bộ Trại giam Đồng Sơn được công nhận trong sạch, vững mạnh; đơn vị được công nhận danh hiệu tiên tiến, quyết thắng, nhiều lượt cá nhân được khen thưởng".

Hiện nay, Trại giam Đồng Sơn đang giam giữ, giáo dục cải tạo các phạm nhân đã thành án. Chia sẻ về nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Văn Thắng - Giám thị Trại giam Đồng Sơn cho biết: "Công việc của chúng tôi đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh, nghiệp vụ, năng động, tháo vát trong công việc. Bởi trong số những phạm nhân đang cải tạo, có nhiều người nhiễm HIV, nhiều người sử dụng ma túy và từng sử dụng những chất gây rối loạn hành vi, dễ gây thương tích cho bản thân và người khác. Nhiều người ở bên ngoài chẳng phải làm gì. Vào đây chúng tôi phải cầm tay chỉ việc, lao động, cày cuốc…Nếu không cẩn thận, cán bộ chiến sĩ rất dễ phơi nhiễm HIV".

Phải khẳng định, việc giam giữ, giáo dục, cải hóa phạm nhân là công việc khiến mỗi người làm nhiệm vụ phải "căng như dây đàn". Bởi ở nhiều doanh nghiệp bình thường bên ngoài, việc quản lý nhân viên lao động bình thường thôi đã nhiều chuyện phức tạp. Đằng này, Ban giám thị, các cán bộ chiến sĩ phải quản lý nhiều thành phần cộm cán, khét tiếng du côn ở bên ngoài, từng có nhiều tiền án, tiền sự.

Trung tá Nguyễn Văn Thắng thổ lộ: "Để cải tạo và giáo dục tốt các phạm nhân, chúng tôi tăng cường túc trực, kể cả ngày lễ và ngày Tết cũng phải bảo đảm 70% con số trực để có thể phát hiện và xử lý kịp thời những việc phát sinh trong đời sống phạm nhân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ để kịp thời tháo gỡ".

Những công việc lặng thầm

Một trong những công việc quan trọng của người cán bộ quản giáo là phải giúp phạm nhân định thần, nhận ra những sai phạm từ bên ngoài và xác định tư tưởng phấn đấu cải tạo tốt. Song, không phải phạm nhân nào vào trại cũng nhận ra điều đó. Không ít người quậy phá, quấy rối, tư tưởng thất thường.

Các cán bộ trại giam Đồng Sơn xác định nhiệm vụ cảm hóa phạm nhân không chỉ là việc làm ngày một ngày hai, mà là quá trình lâu dài. Qua những công việc không tên, bằng tình thương, lương tâm và trách nhiệm, những cán bộ quản giáo đã đánh thức mầm thiện trong những con người tưởng chừng không thể cải tạo.

Một trong những công việc rất sáng tạo là phối hợp với các đơn vị bên ngoài dạy thiền cho một số phạm nhân, được tiến hành từ năm 2015. Đây là việc không chỉ giúp phạm nhân nâng cao sức khỏe, ổn định tinh thần, mà còn giúp phạm nhân có động lực để sám hối, ăn năn và cải hóa, khao khát thành người có ích. Tuy thế, cán bộ Trại giam Đồng Sơn không ép buộc, mà để các phạm nhân tự nguyện hợp tác tập thiền. Khi phạm nhân chịu hợp tác trong thiền thì tư duy của họ cũng sẽ hướng đến những điều tích cực. Phạm nhân Mai Viết Nam (người Quảng Bình) mang hai tiền án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Cán bộ quản giáo Trại giam Đồng Sơn hướng dẫn phạm nhân học nghề.

Khi nhập trại, Nam luôn tỏ ra chống đối cán bộ quản giáo. Các cán bộ quản giáo đã nhiều lần nói chuyện, dùng biện pháp cảm hóa nhưng anh ta vẫn không hợp tác. Bằng sự đồng cảm, kiên trì và trách nhiệm, Thượng úy Trần Văn Nam đã khiến cho phạm nhân này thay đổi bằng phương pháp tập thiền. Từ đó phạm nhân này đã tích cực trong học tập, cải tạo, hai lần được khen thưởng trước toàn trại, được tín nhiệm bầu vào ban tự quản phạm nhân.

Nói về tác dụng của tập thiền, phạm nhân Nguyễn Hữu Thành (ở Đống Đa, Hà Nội), người có mức án tử hình được giảm xuống mức án chung thân, cho hay: "Tiếp cận với thiền giúp tôi nghĩ tích cực hơn. Tôi không trách đời, trách người. Tôi biết vợ con tôi bên ngoài cũng khổ cực lắm, nên tôi không đòi hỏi gì. Nếu có điều kiện thì vào thăm tôi. Phần tôi luôn ăn năn vì những việc mình đã làm và tôi vẫn đang tích cực học nghề, cải tạo theo sự phân công của cán bộ trại giam".

Việc thứ hai là phải đào tạo nghề, giúp phạm nhân có cơ hội được học việc, làm việc, quên đi phiền muộn, chán nản và tích cực cải tạo để được giảm án, đặc xá, có cơ hội làm lại cuộc đời. Trong 10 năm qua, trại đã tổ chức 130 lớp với hơn 7.900 phạm nhân sắp ra trại tham gia chương trình tái hòa nhập cộng đồng.

Chỉ riêng năm 2018, trại đã phối hợp với Trường cao đẳng nghề Quảng Bình tổ chức 7 lớp dạy nghề về xây dựng, may công nghiệp và trồng rau an toàn cho 210 phạm nhân. Đại úy Nguyễn Hữu Thành, Phó đội trưởng Đội Kế hoạch, hướng nghiệp, dạy nghề và xây dựng giới thiệu: "Hiện ở trại đang có nghề xây dựng, may mặc, làm mi giả, bóc long nhãn, làm hạt mành-một công đoạn làm ghế và chiếu công nghiệp. Nhiều người có năng khiếu, làm ra các mặt hàng rất đẹp. Ai không biết thì được dạy, thậm chí phạm nhân giỏi hơn sẽ hướng dẫn cho phạm nhân chưa thạo. Sản phẩm được xuất bán sẽ trích ký quỹ cho các phạm nhân, khi họ mãn hạn tù thì nhận lại để có chút vốn tái hòa nhập cộng đồng".

Ở trong trại, Nguyễn Thành Duy (quê Nghi Lộc, Nghệ An) là một trong những tấm gương cải tạo tốt. Duy sinh năm 1996, bị kết án 6 năm 6 tháng tù giam vì tội cố ý gây thương tích. Khi mới vào trại, Duy bị sốc nặng, lầm lì, ít nói, khi được sự cảm hóa, động viên của cán bộ trại giam, cậu đã tích cực tham gia học nghề xây dựng. Sau hai năm, Duy đã là một phạm nhân giỏi nghề, có khát vọng cho ngày mai, bởi theo cậu nói "em còn rất trẻ".

Nhằm tiếp tục phấn đấu làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được cấp trên giao phó, lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Trại giam Đồng Sơn cũng chú trọng rèn luyện những quy tắc đời sống xã hội và phẩm chất đạo đức, có ý thức học tập, cải tạo tốt cho phạm nhân. Các cán bộ, chiến sĩ nghiêm túc thực hiện các chế độ, chính sách cho phạm nhân về ăn ở, sinh hoạt, thăm gặp... Nhiệm vụ giúp những con người có quá khứ lỗi lầm có tinh thần và nỗ lực hướng thiện, khao khát hoàn lương là nhiệm vụ khó khăn, cao cả.

Diên Khánh
.
.
.