Bà Nguyễn Minh Hồng, con gái út nhà thơ Tố Hữu: "Mẹ tôi từng nhiều lần khóc vì ba tôi..."

Chủ Nhật, 01/09/2019, 08:40

Tôi tình cờ biết đến bà Nguyễn Minh Hồng, con gái út nhà thơ Tố Hữu vào đúng thời điểm mà bà cùng các anh chị của mình đang dốc sức xây dựng một bảo tàng cho cha mình, dự kiến sẽ chính thức khánh thành vào tháng 10 năm sau - nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tố Hữu. 

"Chạm vào mỗi kỷ vật là chạm vào một kỷ niệm, trong đó có những kỷ niệm mà giờ nghĩ lại mới thấy chính mình ngày xưa cũng chưa hiểu hết về ba. Những người ở bên ngoài gia đình càng không hiểu hết..." - bà Hồng chia sẻ. 

Và cuộc đối thoại của chúng tôi cứ thế diễn ra trong bầu không khí xúc động bởi những kỷ niệm, những suy ngẫm và cả những tiết lộ bất ngờ của một người con gái về người cha thi sĩ của mình.

- Nhà báo Phan Đăng: Kể từ ngày nhà thơ Tố Hữu nằm xuống, khai thác các nguồn tư liệu mà ông để lại, không biết gia đình bà có chợt phát hiện ra một điều bất ngờ nào đó hay không?

- Bà Nguyễn Minh Hồng: Trong suốt một năm sau khi ba tôi mất, không một ai trong gia đình nghĩ đến việc tập hợp, nghiên cứu các bản thảo mà ông để lại cả vì lúc đó tâm lý chung của chúng tôi vẫn đầy chống chếnh. Mãi sau đó, khi cảm giác chống chếnh dần nguôi đi, chúng tôi mới nghĩ đến chuyện đụng vào kho bản thảo và bất ngờ phát hiện ra bản chép tay bài thơ Tạm biệt của ông. 

Thật ra sau khi ông mất, các cô chú trong nhà đã nói đến bài thơ này rồi nhưng là nói theo trí nhớ của mình, thành ra câu chữ của mỗi người mỗi khác. Lúc này, tìm được bản chép tay của ông thì mới có được văn bản chính xác nhất. Và căn cứ vào bản chép này mới biết hóa ra bài đó, ông viết từ hơn 10 năm trước khi qua đời.

- "Tạm biệt đời ta yêu quý nhất/ Còn mấy dòng thơ một nắm tro/ Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất/ Sống là cho, chết cũng là cho..." - có thể gọi đấy là những dòng thơ dự cảm về cái chết của chính mình. Phải nói thật là đọc thơ Tố Hữu và tìm hiểu về cuộc đời cách mạng của Tố Hữu, một kẻ hậu sinh như tôi rất tò mò là trong đời thường, ông có bao giờ nói về cái chết không?

- Thực ra, có 2 lần ba tôi bệnh rất nặng nhưng bác sĩ không thể chẩn đoán chính xác là bệnh gì. Chính vì không thể chẩn đoán chính xác nên đã có những giả thiết rất nặng nề, chẳng hạn giả thiết ông bị máu trắng. Tôi nhớ là cả 2 lần đó ông đều được đưa sang Liên Xô.

Năm 1969, thời điểm Bác mất, ba tôi không gặp được Bác bởi lúc đó cũng đang nằm viện. Lúc tim Bác ngừng đập rồi thì mọi người mới báo và ông chạy thẳng từ bệnh viện tới chỗ Bác nằm. Sau đó, ông phải vào bệnh viện lại. Chính vì thế bài Theo chân Bác ông viết thời gian này có một cái nghĩa đen mà rất ít người để ý, đó là ông nghĩ đến việc mình cũng chuẩn bị theo chân Bác về thế giới bên kia. Tôi nghĩ, đấy là lúc ông dự cảm về cái chết của mình.

- Năm 2002, khi từ giã cuộc sống này thì chính xác, nhà thơ Tố Hữu bị bệnh gì?

- Ông bị bệnh viêm phế quản tắc nghẽn. Ngày đấy Bộ trưởng Bộ Y tế có đề nghị đưa ông đi Singapore nhưng ông không đi nên ở nhà điều trị tại Bệnh viện 108. 8 tháng cuối cùng, tôi là người gắn bó với ông. Kể cả 4 tháng cuối, khi ông mở khí quản và không nói được thì qua khẩu hình của ông, tôi vẫn hiểu được ông muốn nói gì. 

Có những lúc ông bảo ông muốn về nhà hay muốn nhờ mọi người dịch cái cây ở nhà từ chỗ này sang chỗ kia. Ông nói nhiều đến cái cây vì ông sợ cả nhà đi vắng thì nó chết mất. Và, ông có dặn là cái cây này sau này phải gửi bác Mân (Đại tướng Chu Huy Mân - PV), người mà ngày nào cũng vào thăm ông trong suốt những tháng ông nằm viện. 

Đến khoảng 3 ngày cuối cùng thì tôi cảm nhận là ông rất đau. Ông bảo sống mà đau đớn như thế này thì không phải là sống nữa. Có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi, có thể coi là kỷ niệm cuối cùng về ông. 

Ngày mồng 7 tháng 11 là ngày sinh nhật mẹ tôi, chúng tôi quây quần bên ông, mợ tôi cầm bông hồng đưa vào tay ông và gọi: “Anh ơi, anh tặng chị đi” thì ông tự nhiên mở mắt. Tôi nghĩ là lúc đó ông cũng cảm nhận được phần nào.

- Khi tiếp xúc với các nhà thơ, nhà văn, thật lòng nhiều khi tôi nhận ra mối quan hệ vợ chồng của họ không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái như những gì người ngoài vẫn tưởng hoặc như những gì mà sách báo vẫn viết ra. Cá nhân tôi nghĩ đó là một cái gì rất con người thôi vì các nhà thơ/nhà văn thường rất dễ rung động và là bạn đời của những người dễ rung động không bao giờ là điều đơn giản cả.

- Hồi ba tôi còn đương chức thì chính mẹ tôi lại là người thường xuyên mang những thông tin thật nhất đến với ông. Ngoài tình vợ chồng, ông bà còn có tình đồng chí đúng nghĩa với nhau và ông vẫn hay nói đùa rằng bà là giáo sư triết học Mác - Lê của ông. 

Bởi vì bà dạy về chủ nghĩa Mác và sau này làm Phó Trưởng Ban Tuyên huấn (giờ chuyển thành Ban Tuyên giáo - PV). Tôi nhớ là có những lần bà đi họp giao ban về, kể lại với ông việc mọi người nhận xét về nghị quyết này, nghị quyết kia có những điểm này điểm kia... thì ông thường ngồi im lặng lắng nghe. 

Nhưng thi thoảng ông lại tỏ ra bực mình. Lúc đó mẹ tôi thường nói: “Anh nên nhớ, em luôn là người duy nhất nói những thông tin thật nhất cho anh đấy".

- Với những người lãnh đạo, được nghe những lời "nói thật" là một may mắn rất lớn, bởi không phải lúc nào họ cũng có thể nghe những lời nói thật. Nhưng có bao giờ bà thấy mẹ mình "thật" đến mức phải tranh luận gay gắt với "nhà lãnh đạo" Tố Hữu hay không (cười...)?

- Có chứ, căng lắm. Mẹ tôi cũng quyết liệt lắm. Nhiều lần tôi thấy bà tranh luận với ông về các nghị quyết. Không khí tranh luận phải nói là 50/50. Có những khi bà còn tranh luận với ông cả về thơ ca và cho rằng bài thơ ông viết tặng mình không hay bằng bài viết tặng người khác.

- Cụ thể ạ?

- Năm 19 tuổi, ba tôi từng sáng tác bài Có một buổi mai nào dành cho mối tình đầu của ông. Nhưng rồi ông đột ngột đi tù và khi ra tù thì "mối tình đầu" đi lấy chồng. Mẹ tôi biết rõ mối tình này và từng có lúc bà bảo bài thơ mà ba tôi viết cho mối tình này hay hơn bài Sợ mà ông viết cho bà. Thế là bà giận luôn. (cười...).

- Tôi có biết bài thơ "Sợ" và biết luôn cả hoàn cảnh ra đời của nó nữa. Nghe đâu lần ấy Tố Hữu đi bộ cả ngày đường từ Thái Nguyên về Phú Thọ thăm vợ, hai vợ chồng chỉ có một đêm gặp gỡ duy nhất ở một cái chòi giữa đồi sim và thế là những câu thơ tự nó ra đời: "Đêm lạnh lều rơm không liếp cửa/ Hai đứa mình ôm nhau trên sàn nứa/ Nằm bên em nghe má ấm trong tay/ Sợ tiếng gà gáy sáng hết đêm nay" - những câu thơ thật là rạo rực.

- (Cười...). Nhiều người cũng nói là bài thơ chỉ có 4 câu nhưng rất dễ thương. Ấy thế nhưng mẹ tôi vẫn cho rằng bài ấy không hay bằng những bài ông tặng những người con gái khác. Biết làm sao được. Tôi nghĩ đấy là cái quyền được ích kỷ của phụ nữ.

- Đọc những tài liệu về bà Vũ Thị Thanh - vợ nhà thơ Tố Hữu thì tôi có cảm giác rằng bà là một người phụ nữ cực kỳ lý tính. Lý tính đến độ khi Tố Hữu tỏ tình, bà còn hỏi lại: "Đứng trên lập trường Mác-xít, anh phải nói thật, anh đã có ai chưa?". Nhưng, đúng là trong chuyện tình cảm vợ chồng, lại là vợ/chồng của một thi sĩ thì chẳng thể nói trước điều gì cả. Khi ấy người lý tính nhất rất có thể lại là người mềm yếu nhất. Mà phải như thế mới là tình yêu đích thực chăng?

- Trong ký ức của tôi thì những khi bà giận ông, bà không xưng là "em" như bình thường mà quay sang xưng là "tôi". Hồi đó ông bà ở Hà Nội cùng anh trai tôi, còn tôi thì ở thành phố Hồ Chí Minh. 

Và tôi nhớ là cứ mỗi lần nhận được điện thoại ba tôi gọi vào: "Hồng ơi, ra với ba" thì tôi hiểu ngay là mình phải ra để làm sứ giả dàn hòa cho hai ông bà (cười...). 

Để dàn hòa cho những cuộc như vậy, tôi thường bắt đầu bằng những câu chuyện trên trời dưới biển rồi sau đó tạo một chủ đề có điểm chung để cả bà và ông cùng tham gia được. Chỉ cần thế là những giận dỗi lại được quên ngay. 

- Ồ! Tức là những trạng thái cảm xúc rất phụ nữ mà bà dành cho ông không chỉ diễn ra khi hai ông bà còn trẻ mà còn diễn ra cả khi về già nữa? 

- (Gật đầu...). Có thể nói rằng, bà có một mối tình đặc biệt với ông. Thực sự cả cuộc đời bà chỉ sống về ông và vì ông. Khi ông mất rồi, bà thường tìm những bản thảo liên quan tới ông và khi đọc bản thảo mà thấy một bóng hình nào đó trong những câu thơ của ông là bà lại đau khổ, dù ông đã mất, còn  bà lúc ấy cũng hơn 80 rồi. 

À, còn một điều này nữa, đó là bà thuộc lòng tất cả những bức thư ông viết cho bà, kể từ hồi ông bà mới cưới nhau năm 1947, lúc ông ở Việt Bắc, bà ở Thái Nguyên. Chúng tôi cũng đã vài lần đọc trộm những bức thư này. 

Chính vì thế, mỗi khi bà giận dỗi hay đau khổ, tôi thường nói với bà: Cuộc sống vợ chồng mà có được những bức thư tình cảm như thế này là quá tuyệt vời rồi. Nếu có điều gì đó với nhau thì chỉ cần nhìn vào những bức thư này là có thể nguôi ngoai hết.

- Những lúc giận ông và ghen với những hình bóng trong thơ ông, chắc là một người bên ngoài mạnh mẽ - bên trong đa cảm như bà Vũ Thị Thanh sẽ khóc nhiều lắm?

- Khóc nhiều! Chính vì thế tôi rất thương bà. Đã có những lúc tôi nói với bà rằng: "Có thể mẹ không hiểu ba nhưng ba cực kỳ hiểu mẹ và yêu mẹ". Bà thì bảo các con không ở trong hoàn cảnh của bà nên không thể hiểu bà. 

Thật ra sau khi ba tôi mất rồi, bản thân mẹ tôi cũng nghĩ lại và có những lúc ân hận vì cho rằng mình đã làm khổ ông. Tuy nhiên, tôi là người ở gần ba mẹ, rất hiểu ba mẹ và tôi nghĩ rằng trong những câu chuyện tình cảm vợ chồng như thế này thì không bao giờ có chuyện đúng - sai cả.

- Nếu tôi nhớ không nhầm thì sau khi nhà thơ Tố Hữu mất, bà Vũ Thị Thanh đã viết cuốn hồi ký "Ký ức người ở lại" để bày tỏ tất cả tình cảm của mình với chồng, phải không ạ?

- Đúng rồi! Những khoảnh khắc cuối cùng ở cõi đời này, điều duy nhất mẹ tôi nghĩ đến vẫn luôn là ba tôi. Tôi nhớ là khi ở trong bệnh viện, lúc đã yếu lắm rồi, có một lãnh đạo vào thăm thì mẹ tôi bày tỏ nguyện vọng cuối cùng là một ngày nào đó sẽ có một con đường mang tên Tố Hữu. 

Thật ra mẹ tôi muốn được nhìn thấy một con đường mang tên chồng mình khi bà còn sống nhưng đã không kịp. Mẹ tôi mất năm 2012 thì đúng 1 năm sau - 2013, Hà Nội có con đường mang tên Tố Hữu.

- Tôi có may mắn tiếp xúc với khá nhiều gia đình chính khách ở Việt Nam và tôi thấy rằng có những gia đình mà ở đó người cha - chính khách thật sự trở thành một hình tượng vĩ đại trong lòng con cái nhưng cũng có những gia đình mà người cha - chính khách luôn hiện lên một cách giản dị, gần gũi trong lòng con cái. Nhà thơ Tố Hữu đã có lúc đảm nhiệm cương vị rất cao trong Chính phủ, bây giờ nghĩ lại không biết là con cái của nhà thơ - chính khách Tố Hữu thấy cha mình là một người như thế nào?

- Tôi nhớ là gia đình tôi ngày xưa có đi sơ tán cùng gia đình bác Nguyễn Chí Thanh. Hồi ấy ba tôi đã tự tay nướng bánh quy rồi gửi cho chúng tôi. Ông nặn bột hình con thỏ, con mèo, tạo nên những chiếc bánh rất đẹp, rất khác những chiếc bánh chỉ là những cục bột khô cứng. 

Thế rồi tự tay ông cắt tóc cho con. Khi mẹ tôi đan áo, ông luôn là người chọn từng cái cúc áo để xem màu nào hợp nhất. Có những điều mà ở gia đình khác, mẹ sẽ là người dạy dỗ thì ở gia đình tôi, ông lại là người dạy dỗ. 

Chẳng hạn như về việc phải ăn uống như thế nào cho tế nhị, chén bát phải chuẩn bị thế nào cho sạch sẽ, rồi cái cán thìa trên bát canh phải để như thế nào để không được quay vào bất cứ người nào trên mâm. Bị ảnh hưởng từ nhỏ như vậy nên bây giờ khi ngồi ăn mà thấy cái cán thìa quay vào một người nào đó trong bàn ăn là tôi cảm thấy rất khó chịu.

- Hồi làm quan chức Chính phủ, ông vẫn ăn cơm nhà thường xuyên chứ ạ?

- Ăn hằng ngày chứ. Ngày xưa, chẳng bao giờ đi ăn ở ngoài đâu, thế hệ lãnh đạo thời đó ai cũng như vậy cả. Mà tôi còn nhớ rõ là bữa ăn của ông có thể thiếu bất cứ cái gì nhưng nhất định không được thiếu ớt. Ông ăn rất cay và rất mặn. Bát nước mắm cho ông luôn phải nguyên chất, không bao giờ pha thêm cái gì. Có lần bị quên ớt, thế là ông bức xúc vì không có ớt là ông không ăn cơm được.

- Những lúc bức xúc, phản ứng của ông thế nào?

- À, ông chuyển ngay sang giọng Huế (cười...). Bất cứ khi nào ông chuyển sang giọng Huế thì mọi người trong nhà đều biết hoặc ông đang rất mệt, hoặc ông đang rất giận. Đấy là với những người trong gia đình, còn khi gặp những bạn, người đồng hương ở quê ra thì đương nhiên ông cũng không nói tiếng Bắc mà nói tiếng Huế.

- Đã bao giờ ông giận quá mà vừa nói tiếng Huế vừa đánh con cái mình chưa?

- Tôi nhớ là có 2 lần ba tôi dắt anh Phương, anh trai tôi vào Vĩnh Linh - Quảng Bình trong những chuyến công tác đặc biệt. Một trong 2 lần ấy, khi hai ba con về Hà Nội rồi, anh Phương đã âm thầm trốn ba để chui vào một chiếc xe khác trong đội xe của Ban Tuyên huấn ở 67 Nguyễn Cảnh Chân. Chiếc xe này lại đi vào Quảng Bình và không hiểu thế nào mà đi một quãng đường khá xa Hà Nội, mọi người mới phát hiện ở trên xe có con Tố Hữu. 

Ở Hà Nội, cả nhà tôi tỏa đi tìm anh Phương và khi nhận được thông tin anh Phương đã quay lại Quảng Bình thì ba tôi giận lắm. Sau đó anh Phương về nhà bị ba tôi cho vài cái bạt tai.

- Trở lại với những bữa cơm và những buổi tối trong gia đình, trong những bữa cơm như thế, Tố Hữu thường nói với con cái những câu chuyện gì?

- Ông thường kể lại những câu chuyện thời hoạt động bí mật, trong đó chúng tôi nhớ nhất chuyện ông phải giả làm con gái. Cỡ năm 1939, 1942 gì đó, sau khi ra tù là ông phải đóng giả làm một cô gái đi bán cau. Khi ông về nhà, phần lớn các thành viên trong nhà đều không nhận ra. Duy có cô con của bác thứ nhất cứ quan sát một hồi rồi bảo: Cô gái bán cau này sao lại có cái hầu ở cổ to vậy nhỉ? Thấy không ổn, sợ để liên lụy đến gia đình, ông lại bỏ đi ngay. Mà phải nói là ông có khả năng giả giọng rất tốt. Không chỉ là giả giọng con gái mà cả giả giọng Nghệ, giọng Quảng nữa. 

Những buổi tối ngồi nghe ông kể chuyện dí dỏm, giả giọng người nọ người kia, cả nhà vui lắm. Một lần, ông kể tới đoạn phải bám vào cái dây của một cây đa để bay qua cái vực lớn, chúng tôi cứ há hốc mồm nghe và tưởng tượng như được nhìn thấy một đoạn phim hành động vậy. Anh Phương liền hỏi: "Ba ơi, đu dây như thế, ba có chết không?" - thế là cả nhà lại cười ồ lên.

Sau này khi chúng tôi lớn lên, những câu chuyện như thế này không còn hấp dẫn chúng tôi nữa thì ông lại quay sang nói chuyện thơ. Ông đọc một bài thơ mới làm và thế là cả nhà lại góp ý. Mẹ và anh em chúng tôi góp ý thẳng là câu này, câu kia không hay, thế là ông lại giải thích. Rồi ông nói về việc người ta chế thơ ông hoặc in nhầm thơ ông nhưng luôn nói một cách hài hước chứ không giận dỗi gì cả. 

Chẳng hạn, ông nhiều lần nói về câu: "Hương Giang ơi dòng sông êm/ Qua tim ta vẫn ngày đêm tự tình" thì hai chữ "qua tim" nhiều lần đã bị đọc nhầm hoặc in nhầm thành "quả tim". Ông nói nguyên văn: "Quả tim này là quả tim lợn à?".

Ảnh trong bài: Nhà thơ Tố Hữu và các thành viên trong gia đình. Ảnh do nhân vật cung cấp.

- Tôi tò mò hỏi những điều rất cụ thể này là vì tôi luôn nghĩ ngôn ngữ trong một bữa ăn, trong một gia đình ảnh hưởng tối quan trọng đến việc hình thành suy nghĩ của một đứa trẻ. Nếu trong mỗi gia đình, mỗi đứa trẻ luôn được nghe những câu chuyện đẹp thì cơ hội để chúng có một tâm hồn đẹp là rất lớn. Ngược lại, nếu chúng luôn nghe những câu chuyện đầy tính thực dụng theo kiểu ăn - thua chính trường hay thành bại thương trường thì cơ hội để chúng có một tâm hồn đẹp là rất thấp. Bây giờ thì tôi lại muốn hỏi là sau này, khi các con lớn lên và trưởng thành thì sao? Nhà thơ - quan chức Tố Hữu có kỳ vọng hay áp đặt một điều gì đó vào con cái mình không?

- Có lẽ ba tôi cũng hy vọng một trong 3 đứa con của mình sau này cũng biết làm thơ thì phải. Ba tôi có dạy chị cả tôi làm thơ và hình như chị ấy cũng có làm thơ. Nhưng về cơ bản là không có tài thơ nên sau này chẳng ai thành nhà thơ như ba cả (cười...). Còn trong cuộc sống, từ chuyện công ăn việc làm đến việc chồng con của chúng tôi, ba mẹ tôi không áp đặt gì cả.

- Không bắt con mình vào Đảng chứ? (cười...).

- Không! Cho đến lúc này tôi cũng không phải đảng viên. Chị gái tôi cũng không phải đảng viên. Chỉ có anh trai tôi, có một thời gian làm nhà nước thì là đảng viên thôi. Ngay cả khi chúng tôi có yêu những người mà ba mẹ tôi không thích thì cả hai ông bà cũng không bao giờ ép chúng tôi phải thế nọ thế kia. 

Ông bà thường chỉ nói theo kiểu: "Người này khi nói chuyện không nhìn vào mặt người đối diện, có vẻ không ổn lắm", rồi sau đó để tự chúng tôi quyết định. Trong công việc cũng thế, ba tôi không bao giờ ép chúng tôi phải làm trong bộ máy nhà nước và kỳ vọng chúng tôi có thể đạt được một vị trí nào đó trong bộ máy. Không bao giờ cả. 

Điều mà ông đau đáu nhất là chúng tôi phải có một cái nghề và phải đứng vững trên đôi chân của chính mình, bằng đúng cái nghề ấy. Ba tôi nói đi nói lại rằng nếu không làm được như thế sẽ trở thành người thừa cho xã hội.

- Xin chân thành cảm ơn bà!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.
.