Nhà Vật lý, dịch giả Phạm Văn Thiều: Ai bảo khoa học không lãng mạn?

Thứ Sáu, 02/03/2018, 07:20
Nhà vật lý, dịch giả Phạm Văn Thiều là người tiên phong đưa những cuốn sách phổ biến kiến thức khoa học tinh hoa từ nước ngoài về Việt Nam, và những cuốn sách dù là vật lý, toán học hay thiên văn học... qua bàn tay dịch thuật của ông đều có một sự mượt mà, hấp dẫn đến mức nhiều lúc đọc chúng, tôi tự hỏi là mình đang đọc sách khoa học hay đọc một cuốn tiểu thuyết đầy tính văn chương? 

Có lẽ chính vì thế mà ông đã tạo nên một hiện tượng không dễ lặp lại trong đời sống dịch thuật Việt Nam, khi những cuốn sách khoa học mà ông dịch đã được tái bản nhiều lần, trong đó cuốn "Lược sử thời gian" của Steven Hawking đến lúc này đã được tái bản tới lần thứ 16. 

Ngày đầu năm, ngồi đối thoại với dịch giả tài ba này, được ông cuốn đi từ hết những "chân trời thiên văn" này tới những "chân trời toán học", "chân trời vật lý" khác, phải nói thật là tình yêu tri thức và cái khát vọng không ngừng đọc, không ngừng học, không ngừng tìm kiếm tri thức trong tôi bỗng được hâm nóng lên rất nhiều.

- Nhà báo Phan Đăng: Xin được bắt đầu từ cuốn "Lược sử thời gian", cuốn sách viết về vũ trụ mà cá nhân tôi mê đắm nhất. Ông biết không, khi có được cuốn sách này tôi đã thức trọn đêm đọc một mạch, cứ như thể bị một ma lực chữ nghĩa nào đó cuốn mình đi. Ngay từ lúc đó tôi đã tự hỏi cơ duyên nào đã khiến hai tác giả Cao Chi - Phạm Văn Thiều bắt gặp quyển sách tuyệt diệu này?

+ Nhà vật lý, dịch giả Phạm Văn Thiều: Quyển sách ấy, riêng NXB Trẻ đã tái bản tới 16 lần rồi, và nếu tôi nhớ không nhầm thì chỉ quý 1 năm 2017 họ đã in tới 5.000 bản.

Hồi ấy tôi nghe nói có một nhà vật lý mang một bản photocopy cuốn Lược sử thời gian từ Mỹ về Việt Nam, lại nghe đồn anh Cao Chi đang giữ, nên tôi tìm gặp anh Cao Chi, thiết tha xin mượn đọc. Là bản photo thôi, nhưng đẹp lắm, và nội dung thì tuyệt hay. Vậy nên đọc xong thì tôi nảy ra ý định rủ anh Cao Chi cùng dịch. Xác định trước là dịch vì đam mê thôi, chứ chắc chắn không có tiền vì sách khoa học ở Việt Nam chắc bán chẳng mấy ai mua. 

Xác định như thế nhưng vẫn ngại ngần lắm và khi có một hội thảo vật lý quốc tế ở Hà Nội, gặp một nhà vật lý người Anh, tôi chia sẻ sự ngại ngần này. Khi ấy, vị học giả này bảo tôi: "Ông nhầm đấy. Mẹ tôi chẳng biết gì về vật lý, thế mà quyển sách này lại trở thành sách gối đầu giường của bà". Nghe thế, tôi yên tâm lắm.

Lúc ấy nhà cũ của tôi ở ngõ Văn Chương đang đập đi xây lại, tôi xuống nhà cậu em ở và dịch trong 3 tháng là xong. Khi đưa bản thảo cho NXB Khoa học & Kĩ thuật thì họ bảo đây là loại sách cao cấp, không bán được. Mãi sau tôi thuyết phục được một đơn vị in và xuất bản, không ngờ cuối cùng cuốn sách lại có tiếng vang đến thế.

- Suốt 3 tháng chìm vào cái thế giới vũ trụ mênh mông trong những trang sách của Steven Hawking, điều gì khiến một dịch giả như ông tâm đắc nhất?

+ Tâm đắc vì cuốn sách trình bày những vấn đề khoa học vật lý hiện đại nhất lúc ấy. Nó đi sâu vào những câu hỏi cực kỳ thú vị như: Vũ trụ hữu hạn hay vô hạn? Thời gian cần được nhận thức như thế nào? Và đằng sau những câu hỏi như thế rõ ràng đều ẩn giấu những triết lý vô cùng sâu sắc. Mà đâu chỉ lúc ấy, đến tận bây giờ nó vẫn nổi tiếng, có sức lấn át tất cả những cuốn sách khác cùng thể loại. 

Ngoài ra cách diễn đạt của Steven cũng rất hay, có thể nói ông ấy có khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ mượt mà, trong sáng những ý tưởng trừu tượng nhất, cao cấp nhất. Vậy nên người ta không chỉ coi ông như một nhà vật lý đơn thuần, mà còn là một nhà văn. Thậm chí, một nhà văn lớn.

- Steven Haking là một người tàn tật, một người phải ngồi trên xe lăn, một người chỉ có thể phát âm nhờ một chiếc máy tính chuyên dụng dành riêng cho mình. Tự nhiên tôi muốn hỏi ông một câu bên lề rằng, theo ông vì sao một người gặp nhiều trắc trở như thế lại có thể tạo nên một cuộc đời, một sự nghiệp vĩ đại đến như thế? Và cuộc đời của nhà khoa học vĩ đại ấy, quả thật đã để lại quá nhiều bài học ý nghĩa cho chúng ta, phải không ạ?

+ Vì bộ óc của ông ấy vĩ đại. Có một cuốn sách tên là Cuộc chiến lỗ đen của một giáo sư, một nhà vật lý xuất sắc người Mỹ đã dành nhiều trang chiêm nghiệm về cuộc đời của Steven. 

Cuốn sách ấy kể rằng có lần đứng trước một cái dốc cao, Steven đề nghị người ta bỏ tay khỏi chiếc xe lăn của mình, để nó cứ thế trôi xuống. Ông ấy liều kinh người. Rồi có khi gặp ông ấy trong quán ăn, có người đã ngưỡng mộ tới mức quỳ xuống trước ông ấy như quỳ trước đức Chúa trời để xin được ban phước. Đặc biệt, người ta mô tả đôi mắt của ông ấy là một đôi mắt đầy ma lực, đầy sức hút. Một con người như vậy rõ ràng chứa đựng quá nhiều điều thú vị.

- Trở lại với con đường dịch thuật những cuốn sách khoa học, ông vốn là một nhà vật lý lý thuyết, vậy từ khi nào ông lại nảy ra ý tưởng dịch sách, để rồi bây giờ đã đóng đinh tên tuổi mình ở lĩnh vực thứ hai, lĩnh vực có thể nói là "đi sau về trước" này?

+ Nguồn gốc sâu xa khiến tôi vào con đường dịch thuật bắt đầu từ năm 1982, lúc tôi 36 tuổi. Lúc đó trời cho một chuyến thực tập, kéo dài 1,5 năm tại Pháp. Phải nói thật là sang Pháp, tôi chẳng có tham vọng gì to tát cả, bởi nói như một nhà toán học người Anh thì với một nhà khoa học, trước 36 tuổi mà không có đóng góp gì lớn thì cũng coi như chìm nghỉm, và chỉ có thể đứng trong một dàn nhạc thôi, chứ không thể trở thành một soliste được. 

Lúc đó tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là học tập hết sức, nghiên cứu hết sức để xem rốt cuộc mình đang ở đâu so với bạn bè ở nước ngoài. Thời gian ở Pháp, thường phải 10 giờ đêm hằng ngày tôi mới rời phòng thí nghiệm về nhà, có nghĩa là cũng đã nỗ lực hết sức, và cũng in được 3 bài báo trên các tạp chí uy tín quốc tế.

Nhưng điều thú vị nhất là trong quãng thời gian ở Pháp tôi bắt đầu phát hiện ra những cuốn sách khoa học tinh hoa do những nhà khoa học hàng đầu phương Tây viết ra.

Họ giỏi về khoa học đã đành, nhưng để viết những cuốn sách như thế họ còn phải giỏi cả về văn học, nhiều người trong số họ thậm chí còn có cả những cố vấn văn học, cố vấn hình họa, nên sách khoa học viết ra không hề khô cứng, mà tạo được những rung cảm hệt như sách văn học vậy.

- Lúc đó người Việt Nam chưa từng nhìn thấy những cuốn sách như vậy?

- Những cuốn sách kiểu ấy ở Việt Nam đúng là chưa từng có. Ở Việt Nam thời ấy thường chỉ dịch các cuốn sách phổ biến khoa học của Nga, nhưng nó thường chỉ là sách tiểu sử những nhà toán học, những nhà vật lý..., chứ chưa bao giờ tiếp cận đến những đỉnh cao kiến thức nhân loại như phương Tây cả. 

Mà trong quá trình đọc những cuốn sách, rồi những tạp chí khoa học ấy thì tôi thấy xuất hiện ông Trịnh Xuân Thuận - một nhà vật lý người Mỹ gốc Việt vô cùng xuất sắc, nhưng ông ấy lại ở Mỹ, chứ không ở Pháp, nên tôi cũng chưa tiếp cận được. Và vì thế câu chuyện lại bắt đầu từ Steven Hawking, chứ không phải từ Trịnh Xuân Thuận.

- Ông vừa nói là mình vừa có "một chuyến thực tế trời cho". Nghe có cái gì là lạ. Sao lại là "trời cho" nhỉ?

+ À, thì tôi nghĩ lúc người ta chọn mình đi Pháp thì người ta cũng muốn an ủi mình ít nhiều thôi. Lúc ấy thường chỉ đi các nước xã hội chủ nghĩa, chứ rất khó đi một nước tư bản như Pháp. 

Thường phải là con cái của một gia đình gia thế mới được chọn đi các nước tư bản, mà tôi lại không thuộc dạng này. Tôi là con một gia đình nông dân chính gốc. Thế nên khi tôi sang đến Pháp rồi, có người còn bảo chắc tôi phải có nhiều mưu mẹo lắm thì mới đi được, chứ con nông dân thì làm gì có suất.

- Rốt cuộc thì "mưu mẹo" cụ thể nào đã giúp ông sang Pháp... (cười)?

+ (Cũng cười...). Thật ra thì lúc đó có con rể ông Lê Duẩn là người hiểu được năng lực của tôi, và trân trọng tôi, nên anh ấy có tác động. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy chuyến đi ấy đổi đời tôi. Nếu không đi chắc tôi sẽ xin về Nam Định - nơi vợ con mình ở, và chắc sẽ yên phận với vị trí một ông giáo làng. Nếu thế toàn bộ vốn liếng ngoại ngữ trước đó coi như bỏ đi hết, chẳng dùng để làm gì.

- Cuộc đời một con người đôi khi lại có những quyết định trời cho mang tính bước ngoặt như ông vừa nói. Nhưng tôi nghĩ để có những bước ngoặt thật sự thành công thì bên cạnh yếu tố "trời cho" còn là những yếu tố nội lực căn bản nữa. Đơn cử như sách khoa học trên thế giới bây giờ thì nhiều vô kể, nhưng những cuốn ông chọn dịch đều rất đặc biệt, và đều được tái bản nhiều lần, hình như ông cũng có một "con mắt xanh" trong việc lựa chọn các đầu sách?

+ Việc chọn lựa thì nói thật mang tính trực giác thôi.

- Và may mắn?

+ Đúng! Trực giác và may mắn.

- Ở thuở đầu đời, khi chọn lựa đi theo vật lý lý thuyết thì đấy có phải cũng là một chọn lựa của trực giác không?

- Lúc đầu tôi và nhiều người như tôi chọn theo ngành toán, chứ chưa phải ngành vật lý ngay đâu, vì nói thật là cũng chưa thực sự hiểu vật lý là cái quái gì cả. Nhưng khi chúng tôi thi vào khoa toán trường Tổng hợp thì người ta lại chọn một số người có điểm toán cao sang vật lý, như tôi, như anh Vũ Công Lập (Tiến sĩ khoa học, chuyên gia bình luận bóng đá Vũ Công Lập - PV).

Nhà vật lý, dịch giả Phạm Văn Thiều (bên phải) trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

- À, như vậy ban đầu lại là người "bị" chọn?

- "Bị" chọn! Nhưng thế lại hay, vì sau này đi theo vật lý lý thuyết thì tình yêu toán của mình vẫn được đảm bảo, mà lại có thêm được những trải nghiệm mới. Vật lý khác toán học ở chỗ, toán học chỉ cần đảm bảo tính logic, nhưng với vật lý, ngay cả khi nghĩ ra được một định lý rất hay, đảm bảo tính logic rất cao, nhưng chưa được chứng minh bằng thực nghiệm thì vẫn cứ nằm đấy, chưa được chấp thuận ngay. Và đấy cũng là lý do mà ngay cả Steven Hawking - người mà chúng ta đã nói đến suốt từ nãy cũng chưa từng đạt được giải Nobel, dù tính logic trong các vấn đề của ông thì không ai phản bác được. Ngoài ra vật lý còn gắn rất nhiều đến triết học và cả tôn giáo nữa, vì nó đi vào truy tìm các vấn đề gốc gác của con người và vũ trụ.

- Đọc một số cuốn sách dịch về thiên văn học của ông, tôi cảm nhận rất rõ là vật lý còn gắn bó với thiên văn học nữa...

- Thiên văn bây giờ không phải là thiên văn cổ điển theo kiểu chĩa cái ống thiên văn lên trời để quan sát, đo góc nọ góc kia, để biết lúc nào nhật thực, lúc nào nguyệt thực nữa... , mà phải đưa cả vật lý vào để giải thích. 

Để đưa ra được một lịch sử của vũ trụ thì phải cần đến vật lý. Mà giữa vật lý vô cùng bé trong nguyên tử với vật lý vô cùng lớn của vũ trụ có những mối liên hệ sâu sắc lắm. 

Ở thời điểm khởi đầu của vũ trụ thì cái vô cùng bé và vô cùng lớn ấy nó hòa nhập làm một. Lúc ấy 4 lực cơ bản là lực hấp dẫn, lực hạt nhân mạnh và yếu, lực điện từ chỉ là một thôi. Sau này dần dần vũ trụ nguội đi, mất đối xứng đi thì nó mới tách ra. Cho nên không có vật lý vô cùng bé thì không có vật lý vô cùng lớn, không có lịch sử của cả một vũ trụ.

- Cũng từ những cuốn sách của ông, tôi còn nghĩ, một nhà vật lý còn phải có một tâm hồn lãng mạn, chứ không hề quá khô cứng như những gì người ta vẫn nghĩ. 

+ Lãng mạn và giàu trí tưởng tượng anh ạ. Giàu trí tưởng tượng ở chỗ, từ một lý thuyết này bế tắc người ta lại tưởng tượng ra ngay những lý thuyết khác, rồi tìm cách chứng minh, kiểm nghiệm nó. Ví dụ đầu tiên người ta bảo nguyên tử là cái hạt cuối cùng của vật chất, đúng không? 

Nhưng sau khi một số sự kiện thực nghiệm không thể giải thích được bằng thuyết nguyên tử, người ta hình dung ra ngay nguyên tử cũng có cấu trúc gồm các electron và hạt nhân. Nhưng vẫn chưa xong, người ta lại tưởng tượng và chứng minh rằng hạt nhân cũng có cấu trúc gồm các proton và nơtron. 

Rồi cũng vẫn chưa xong, lại phải nghĩ, phải chứng minh tiếp rằng proton và nơtron cũng có cấu trúc. Lý thuyết đối xứng của toán học chỉ ra như vậy. Sẽ phải có những hạt khác nữa, đó chính là những hạt quark.

Mà anh biết tại sao các nhà vật lý lại gọi một hạt vật chất chưa biết là "quark" không? Nó được lấy cảm hứng từ một tác phẩm rất khó đọc nhưng cũng rất nổi tiếng của (nhà) tiểu thuyết gia nổi tiếng người Ireland, sống ở cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, James Joyce.

- Và đấy lại là một minh chứng nữa cho mối liên hệ giữa vật lý và văn học. Nó cũng nói với chúng ta rằng những nhà vật lý lỗi lạc rất yêu văn chương, chứ không hề xa lánh (với) văn chương?

+ Không những yêu đâu, mà còn phải hiểu và thấm nữa. Chúng ta đều biết James Joyce là một nhà tiểu thuyết theo dòng ý thức, từng viết những tác phẩm dài hàng chục trang mà không có nổi một dấu chấm dấu phảy. Cứ thế miên man nghĩ và miên man viết. Tôi nhớ là phải đến tận những năm 80, người Nga mới dịch được cuốn sách này ra tiếng Nga, in trên tạp chí Văn học nước ngoài của Nga. 

Khi những cuốn tạp chí này được chuyển về Việt Nam thì tôi thấy tác phẩm của James Joyce được in nhiều kỳ, trong đó số trang của phần chú thích không kém phần chính văn là bao. Nói thế để thấy tác phẩm của James Joyce khó tiếp nhận kinh khủng, nhưng các nhà vật lý hàng đầu phương Tây vẫn có thể đọc và hiểu nó.

 Còn một câu chuyện khác nữa chứng minh năng lực văn chương của các nhà vật lý phương Tây mà tôi biết, đó là một nhà vật lý nổi tiếng người Anh đã từng nói với một nhà vật lý người Nga rằng: "Trong cuốn Tội ác và trừng phạt, Dostoievski đã cho mặt trời mọc đến 2 lần trong một ngày phải không?". Ông người Nga trả lời rằng ông ấy không đủ dũng cảm để đọc và kiểm tra lại, vì đọc nó nặng lắm.

- Tiến sĩ vật lý, nhà báo thể thao Vũ Công Lập, một người bạn rất thân của ông cũng từng viết chân dung ông trên một tờ báo, và tôi nhớ mãi nhan đề của bài báo ấy: "Phạm Văn Thiều - hồn văn của lý". Sau này khi đọc các cuốn sách dịch của ông - một lối dịch thuật phải nói là rất mượt mà, hấp dẫn, tôi càng tin vào nhận định của ông Vũ Công Lập. Không biết là cái hồn văn trong con người vật lý - con người toán học của ông xuất hiện từ khi nào vậy?

+ (Cười...) Hồi lớp 5, 6 tôi phải đi bộ chân đất khoảng 6-7 km đến trường. Và trong tốp cùng đi bộ chân đất ấy có một cậu bạn bí mật nói với tôi rằng sau thời kỳ 1954 - "thời kỳ đốt sách", ông bố cậu ấy vẫn liều gan giữ trên nóc nhà một kho sách, và thế là cậu ấy bí mật cho tôi mượn những quyển sách mà lúc đó là sách cấm như Phong Thần, Tam Quốc Diễn Nghĩa... 

Những cuốn sách đầu tiên ấy đẩy tôi đến gần với văn chương. Sau này thì ông hàng xóm nhà tôi hay mua tạp chí Văn nghệ quân đội và qua đó lại đọc được nhiều hơn. Đến năm lớp 9, tôi bất ngờ được thông báo là đoạt giải thưởng thơ, được lên ty văn hóa nhận giải. Hồi nhận giải, tôi cũng được một số nhà văn nhà thơ đàn anh chăm sóc lắm, nhưng tôi bảo rằng tôi chọn con đường toán học.

- Càng nghe ông nói chuyện tôi càng thấy rằng vật lý nói riêng và khoa học tự nhiên nói chung không khô khan như những gì mà chúng ta vẫn mặc định về nó.

+ Đúng! Người ta cứ mặc định là nó khô khan thôi, chứ anh nghĩ xem, một công thức toán học cũng có những vẻ đẹp riêng của nó chứ. Anh nhớ công thức Pytago chứ?

- Trong một tam giác vuông, bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông...

+ Đấy, nếu ai thấy nó không không đẹp là do chưa đủ lãng mạn thôi. Anh nghĩ xem, một cái tam giác thường, thì nó cồng kềnh, nhưng một tam giác vuông thì lại nhịp nhàng, và cho ra được một công thức về mối liên hệ giữa các cạnh cân đối như vậy - đẹp quá đi chứ! 

- Bây giờ thì tôi đã thực sự hiểu vì sao những cuốn sách khoa học tưởng chừng khô khan qua sự chuyển ngữ của ông lại đẹp và rung động người đọc đến như thế rồi.

+ Sách khoa học về cơ bản là khó tiếp nhận. Nếu mình dùng ngôn ngữ rắc rối quá thì chẳng ai đọc. Cho nên tôi phải luyện một thứ ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu. Ví dụ khi tôi đọc cuốn Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ của ông Trịnh Xuân Thuận thì tôi đã cảm nhận rất rõ là ông ấy đã viết một cuốn sách vật lý đầy chất thơ. 

Thế nên trong bức thư đầu tiên gửi cho ông ấy, tôi nói rõ là tôi hiểu chất thơ ấy, và sẽ cố gắng giữ đúng tinh thần của nó khi dịch sang tiếng Việt.

Ông ấy vui lắm, và bảo: "Đây sẽ là người dịch sách của tôi". Nếu tinh ý, đọc cuốn sách này bạn sẽ thấy nó giống như một cuốn tiểu thuyết, mà nhân vật chính là vũ trụ.

- Chính từ cuốn vật lý đầy chất thơ này mà ông Thuận được thế giới ngưỡng mộ vô cùng.

+ Tiếp xúc với ông ấy tôi thấy ông ấy là biểu hiện điển hình của một chính nhân quân tử. Ngay từ bé, khi học trong nhà trường Pháp, ông ấy đã giỏi đều cả vật lý, toán học đến văn học, triết học. Nhiều học giả người Pháp bảo với tôi rằng: "Thuận là một thiên tài". 

Anh cứ tưởng tượng thế này, ông ấy được giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, giải thưởng chỉ trao cho các nhà khoa học và các nhà văn hóa nổi tiếng, trị giá tới 350 ngàn Euro, có nghĩa là đã được xếp ngang hàng với những nhà văn, những nhà khoa học lớn trên thế giới.

- Bây giờ thì tôi thắc mắc: Bao giờ người Việt Nam có thể tạo ra những cuốn sách như thế, những cuốn sách do chính những nhà khoa học Việt Nam viết ra, chứ không phải là được dịch lại từ nước ngoài?

+ Phải hội tụ mấy yếu tố, thứ nhất về mặt chất lượng khoa học, tôi nghĩ cũng có những nhà khoa học Việt Nam đáp ứng được. Nhưng về mặt  văn chương thì lại rất thiếu hụt. Có những nhà vật lý và toán học Việt Nam, tôi biết là cả đời chẳng đọc văn học bao giờ. 

Nói đến một bài thơ, họ nguẩy đi, không thèm nghe cũng nên. Mà như tôi đã nói ở trên, nếu thiếu đi chất văn chương, thì những cuốn sách khoa học sẽ rất khô khan, không đến được với công chúng.

Thứ nữa là một quyển sách như thế phải mất vài năm, nhưng ở Việt Nam, ai dám ngừng lại tất cả các sinh kế, bỏ ra 1-2 năm chỉ để viết sách? Ở bên Mỹ chẳng hạn, cứ dạy học 7 năm thì được nghỉ 1 năm. 1 năm ấy muốn làm gì thì làm gì, đi đâu thì đi, nhưng vẫn được trả lương. Theo quan sát của tôi thì các nhà khoa học thường tận dụng thời gian này để viết sách.

Cái khó khăn cuối cùng nằm ở vấn đề tư liệu. Một cuốn sách khoa học phương Tây, danh mục sách tham khảo phải tới hàng trăm, và có những quyển sách thậm chí phải tra cứu cả những mật mã cổ điển thời Hy Lạp. Không biết đến bao giờ chúng ta mới có được một kho tư liệu khổng lồ như thế.

- Vậy chẳng nhẽ chúng ta mịt mờ hy vọng trong lĩnh vực này sao?

+ Việt Nam mình trước đây cũng có một người, đó là Đặng Mộng Lân - tác giả của cuốn Câu chuyện các hằng số vật lý. Sau này Đàm Thanh Sơn thừa nhận rằng nó là một trong hai cuốn khiến Đàm Thanh Sơn phải chuyển từ toán học sang vật lý. Nhưng tôi mới chỉ thấy duy nhất Đặng Mộng Lân, ngoài ra chưa thấy bất cứ ai nữa cả.

- Vậy còn trong lĩnh vực dịch thuật thì sao? Sau một người tiên phong như ông có gương mặt kế cận khả dĩ nào không ạ?

+ Tôi cũng đang huấn luyện mấy người, nhưng hiện tại chưa thật nhiều hy vọng vì không biết họ có đủ đam mê để đi đến cùng hay không. Anh Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý cũ từng bảo tôi, những cuốn sách kiểu này, các anh ấy cũng có thể đọc được bằng tiếng Anh, bản gốc, nhưng đọc bản dịch bằng tiếng Việt anh ấy vẫn thấy thích thú hơn. Vì bản dịch còn truyền tải cả tình cảm của người dịch vào đó nữa, ví dụ khi dịch một cuốn sách về toán, cả một thời tuổi trẻ của chúng tôi sống dậy.

- Câu hỏi cuối cùng, trắc trở và hạnh phúc lớn nhất của những dịch giả như ông là gì?

+ Trắc trở lớn nhất là những thuật ngữ mới mà mình buộc phải chuyển hóa sang tiếng Việt. Rồi có những tác giả trích dẫn quá nhiều tới những vấn đề văn hóa cổ đại, thế là lại phải tra cứu, tìm tòi rất công phu.

Còn hạnh phúc nhất là khi ra hiệu sách, nhìn thấy người ta tìm mua sách của mình. Có lần tôi và một người bạn ra Nguyễn Xí (phố bán sách nổi tiếng ở Hà Nội - PV), thấy một ông đội mũ lá, mặc áo bông cứ nhấc lên nhấc xuống quyển Giai điệu dây của bản giao hưởng vũ trụ do tôi dịch - một quyển phải nói là rất khó. 

Khi bạn tôi ra hỏi vì sao cứ ngắm nghía quyển này thì được nghe trả lời: "Sách của ông Thiều, quyển nào tôi cũng mua!". Những phút như thế, anh không thể hình dung được niềm hạnh phúc nó lớn khủng khiếp đến như thế nào. Không có được nguồn hạnh phúc ấy thì có lẽ không làm việc được.

- Ngày đầu năm, được ngồi hầu chuyện ông cũng thật hạnh phúc và thú vị. Hy vọng là sẽ có nhiều bạn trẻ chia sẻ với chúng ta cuộc nói chuyện này, và từ đó hy vọng là tình yêu sách vở - tình yêu tri thức cũng được nhen nhóm lên phần nào. Xin chân thành cảm ơn ông!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.
.