Thượng tá, nhạc sĩ An Hiếu - "Cái duyên" với nhiều ca khúc hay về người chiến sĩ Công an
Mấy năm trở lại đây, Thượng tá, nhạc sĩ An Hiếu, Phó Trưởng Khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội là gương mặt quen thuộc với cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an qua nhiều sự kiện văn hóa văn nghệ, bởi anh là một trong những nhạc sĩ có nhiều sáng tác thành công về lực lượng CAND.
Dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ nêu Sáu điều dạy CAND, anh đã có cuộc chia sẻ cởi mở với chúng tôi quanh hành trình gắn bó với lực lượng CAND cũng như các tác phẩm thành công về mảng đề tài này.
PV: Là một cán bộ của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nhưng anh có nhiều tác phẩm về lực lượng CAND. Điều gì khiến anh gắn bó với đề tài về CAND?
Nhạc sĩ An Hiếu: Tôi đến với lực lượng CAND, sáng tác về lực lượng CAND cũng là một cái duyên. Vào năm 2014, tại một hội diễn của lực lượng CAND, cha tôi (cố Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên – PV) được mời làm chương trình cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, giao cho tôi viết một bài dành cho tốp ca, đông người biểu diễn để làm phần kết chương trình và một bài song ca. Lúc đầu tôi rất băn khoăn vì chưa từng tiếp cận với đề tài này. May mắn là Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cung cấp nhiều tài liệu, giúp tôi tìm hiểu thực tế. Tôi viết bài đầu tiên là “Tình yêu lính Công an”. Sau này, ca khúc đoạt giải A cuộc thi sáng tác dịp kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng CAND. Bài thứ 2 là “Tự hào người chiến sĩ Công an”. Khoảng 2 năm trở lại đây, tôi thấy CBCS nhiều đơn vị rất thích bài đó, họ hay sử dụng bài hát đó để mở hoặc kết chương trình. Có lẽ vì bài hát có tiết tấu khá trẻ trung, vui nhộn.
PV: Anh có nhớ mình đã có bao nhiêu tác phẩm về lực lượng CAND và có ngại lặp lại mình khi sáng tác về đề tài này?
Nhạc sĩ An Hiếu: Tôi đã viết khoảng 8 ca khúc về đề tài CAND. Đối với một nhạc sĩ, viết về một đề tài như thế là khá nhiều. Khi chỉ viết về một đề tài, về hình tượng người chiến sĩ Công an, mà phải đa dạng, phong phú, tránh lặp lại mình là một thách thức. Tuy nhiên, có những thời điểm tôi bắt được cái tứ hay và có những ca khúc được nhiều người đón nhận.
PV: Chắc hẳn là anh có nhiều kỷ niệm với các ca khúc như thế?
Nhạc sĩ An Hiếu: Một trong những ca khúc mới nhất của tôi là “Ngược chiều bình an”, viết về lực lượng Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, vào thời điểm 3 chiến sĩ Công an hy sinh khi làm nhiệm vụ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tôi cũng là người lính nên có sự đồng cảm rất nhiều với CBCS Công an, với sự hy sinh gian khổ của các anh. Bị thôi thúc rằng mình phải có một bài hát nhanh nhất để tri ân những người lính Phòng cháy chữa cháy và giới thiệu đến công chúng nên tôi chỉ mất 3 ngày, kể từ khi đặt bút viết cho đến khi hoàn thành phối khí và hòa âm. Đối với tôi, đấy là một kỷ lục.
“Ngược chiều bình an” không phải là bản hùng ca về người lính. Với tôi, đó là bản tình ca về người lính Phòng cháy chữa cháy. Sau đó, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức một chương trình truyền hình trực tiếp tuyên dương những gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt. Trong chương trình, cùng với phần thể hiện ca khúc của ca sĩ Đông Hùng và vũ đoàn, ê kíp thực hiện đã phát bài hát đó, xen nhiều hình ảnh về người thân, gia đình của 3 chiến sĩ đã hy sinh. Người xem vô cùng xúc động. Tôi cũng thế.
Thực tế, tôi cũng giống một số nhạc sĩ khác, khi viết xong, ít khi thuộc lời tác phẩm của mình. Nhưng có lẽ đây là trường hợp cá biệt. Đến nay, đây vẫn là bài hát hiếm hoi mà tôi thuộc lời. Mỗi lúc lái xe, rảnh rỗi, tôi vẫn ngân nga giai điệu của “Ngược chiều bình an”.
Tôi đang làm 1 video thật đẹp, sẽ cố gắng ra mắt tác phẩm này cùng với 1 ca khúc khác viết về lực lượng CAND nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ nêu Sáu điều dạy CAND. Ca khúc có tựa đề “Mãi khắc ghi lời Bác”, mang hơi hướng của nhạc thính phòng. Hy vọng với sự thể hiện của ca sĩ Tiến Hưng, Sao Mai, mọi người sẽ yêu thích tác phẩm, cảm nhận được lời Bác dạy đối với CAND hết sức thiết thực, nhẹ nhàng, tình cảm, thiết tha, đi vào đời sống CBCS trong lực lượng CAND.
PV: Đầu năm 2023, ca khúc “Luôn xứng đáng là thanh bảo kiếm” của anh đoạt giải B cuộc vận động sáng tác về lực lượng Cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Cuộc thi không có giải A. Vì sao anh thường chọn viết ca khúc mà không phải là hình thức khác?
Nhạc sĩ An Hiếu: Tôi cũng muốn viết một tác phẩm lớn dưới hình thức giao hưởng, hợp xướng nhưng thời gian không cho phép vì còn bận rộn công việc giảng dạy, sáng tác, đạo diễn các chương trình nghệ thuật. Tôi chọn hình thức ca khúc, thứ nhất là phù hợp với khả năng của mình. Thứ hai là vì sự lan tỏa đối với CBCS. Với một bài hát, mọi người dễ thuộc, dễ phổ biến. Cũng phải nói thêm là tham gia cuộc vận động này, chúng tôi được cung cấp tài liệu, được quan tâm, tạo điều kiện rất nhiều. Tôi rất xúc động và trân trọng tình cảm của CBCS nên càng cố gắng viết, gửi gắm tình cảm của mình vào tác phẩm. Ca khúc có khí thế hào hùng, có sức trẻ, có sự mới mẻ nhất định, cũng là ngợi ca người lính nhưng không khô cứng.
PV: Nhiều năm trở lại đây, Bộ Công an và các đơn vị Công an thường tổ chức trại sáng tác. Mới đây nhất, tại Trại sáng tác về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” năm 2022, có lẽ anh là một trong những thành viên gặt hái được nhiều thành công nhất. Anh có thể chia sẻ “bí quyết” để có những thành công này?
Nhạc sĩ An Hiếu: Tôi dự trại sáng tác đầu tiên của Bộ Công an vào năm 2015. Nếu không tham gia các trại sáng tác, tiếp cận với đề tài về CAND thì đến hôm nay tôi không thể có những tác phẩm hay về người chiến sĩ Công an. Trong những năm qua, với vai trò là đơn vị thường trực, Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an đã tổ chức nhiều trại sáng tác rất hiệu quả. Ở trại sáng tác, các tác giả được cung cấp nhiều tài liệu, tiếp cận người chiến sĩ Công an dưới nhiều góc độ. Các nhạc sĩ mang đến những tác phẩm để cùng trao đổi, gọt giũa cho nhau, là cơ hội để tác phẩm hay hơn.
Tôi tin chắc là trong mỗi trại sáng tác sẽ có không dưới 20 tác phẩm bước ra cuộc sống. Đây là con số không hẳn nhiều nhưng cũng không phải là ít. Sau mỗi trại sáng tác, tác phẩm lại được chọn, dàn dựng trong nhiều chương trình, tham gia liên hoan, hội diễn, trong đó có chương trình “Giai điệu bình yên” của Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị phối hợp với Cục Truyền thông CAND tổ chức, tạo dấu ấn với khán giả, các CBCS. Đây cũng là động lực để nhạc sĩ sáng tác. Về trại sáng tác năm 2022, tôi là một trong số ít nhạc sĩ được tham gia ở cả phía Nam và phía Bắc. Sau trại sáng tác này, tôi nộp 4 ca khúc, trong đó tác phẩm “Người chiến sĩ của lòng dân” được trao giải A và được dàn dựng biểu diễn trong chương trình “Giai điệu bình yên” ngay sau đó.
Thực tế, khi viết về đề tài CAND, tôi cố gắng khai thác dưới góc nhìn riêng của mình, đưa những điều mới mẻ, lồng vào đó cảm xúc chân thật nhất của người viết với mong muốn chạm đến cảm xúc, trái tim của người nghe. Tôi hay chọn viết về tình yêu đôi lứa. Trại sáng tác vừa rồi, tôi viết “Chào anh chàng đẹp trai”. Tác phẩm kể về một Công an xã, khi mới về địa phương, các cô thôn nữ thấy anh đẹp trai nhưng cũng sợ vì sắc mặt nghiêm, lúc nào cũng quân phục chỉnh tề. Tuy nhiên, khi gắn bó với xóm làng, có mặt ở rất nhiều sự kiện, giúp cuộc sống bình yên, anh được người dân, các thiếu nữ yêu quý.
Tôi kể những câu chuyện nhẹ nhàng như thế để xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an trong thời bình. Khi viết về người lính, tôi thường cố gắng cân bằng được yếu tố chính trị, học thuật và tình cảm. Đến nay, không chỉ về lực lượng CAND mà với người lính ở trong quân đội, tôi cũng có những thành công nhất định khi mềm hóa các ca khúc về lực lượng vũ trang. Đừng nghĩ đề tài người lính khô cứng. Nếu chúng ta viết hay, viết có cảm xúc thì rất dễ lan tỏa.
PV: Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!