Thừa Thiên-Huế kích cầu phát triển du lịch

Thứ Hai, 18/10/2021, 08:22

Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cho phép nhiều dịch vụ hoạt động trở lại nên lượng du khách nội địa đến Huế tăng cao hơn trước. Trong đó, chính quyền địa phương và ngành Du lịch tiếp tục chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để kích cầu, khôi phục, phát triển du lịch; nhất là vùng đầm phá, ven biển…

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để đảm bảo hoạt động an toàn, đòi hỏi các sản phẩm du lịch kết nối xác định được 5 tiêu chí “xanh”, gồm thẻ thông hành xanh (du khách), doanh nghiệp xanh (kể cả người lao động), hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh. Ở đây, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng, nên cần có sự giám sát, kiểm tra, đánh giá và tìm được một quy trình tối ưu. Dựa trên những tiêu chí an toàn mới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa phát động chương trình khôi phục du lịch nội địa lần thứ 4 với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, ngành Du lịch Thừa Thiên-Huế hiện đã sẵn sàng cho việc đón khách trở lại.

Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh này cho biết, để phục hồi du lịch, phục vụ khách an toàn, việc tiêm vaccine cho lao động trong ngành rất quan trọng và cần đẩy nhanh hơn nữa. Cần chuẩn bị trang thiết bị y tế, nhất là kit test nhanh cho nhân viên trong các doanh nghiệp du lịch để test nhanh du khách. Đẩy nhanh việc thiết lập mã QR code quốc gia theo hệ thống ngành du lịch để các điểm đến, đơn vị du lịch và du khách tra cứu nhanh, chính xác những diễn biến dịch bệnh và khai báo lịch trình kịp thời…

DU_LICH_TTH-1634520239873.jpg
Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Huế kiểm tra thực địa rừng ngập mặn Rú Chá tìm hướng khai thác dịch vụ du lịch.

Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế cho rằng, Huế là địa phương sớm nhất trong cả nước tiêm vaccine cho người lao động trong ngành du lịch. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 90% người lao động du lịch đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Về nhân lực phục vụ, Huế đã sẵn sàng cho việc đón khách trở lại. Lãnh đạo ngành du lịch cho biết, lâu nay, điểm đến Huế cơ bản đảm bảo đầy đủ các biện pháp an toàn để phòng, chống COVID-19. Cũng theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Cố đô, Thừa Thiên-Huế có đủ các điều kiện về y tế đảm bảo xử lý nhanh chóng, chuyên nghiệp những trường hợp có các ca nhiễm F0, các ổ dịch với hệ thống y tế chuyên sâu, đồng bộ và hiện đại. Huế cũng là địa phương có kinh nghiệm trong phục vụ khách cách ly… Tất cả có thể khẳng định Huế có đủ nhân lực, vật lực, điều kiện và sẵn sàng kết nối với các địa phương trong cả nước để khai thác du lịch trở lại.

Bên cạnh việc sẵn sàng đón khách nội địa, trong tháng 12/2021, chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến) từ Hàn Quốc sẽ đưa các nhà đầu tư sang Huế. Lãnh đạo ngành Du lịch cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch Cố đô Huế sau gần 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều này khẳng định du lịch Cố đô Huế đã sẵn sàng, có đủ khả năng và điều kiện để đón khách quốc tế với những tour tuyến, sản phẩm phù hợp trong trạng thái bình thường mới. Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, quy trình an toàn là vấn đề quan trọng nhất khi đón khách quốc tế trở lại. Hiện nay quy trình tổ chức đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc đã được thống nhất. Dựa trên quy trình thí điểm này, Huế có thể áp dụng và có những kết hợp, điều chỉnh linh hoạt hơn, mục tiêu là đảm bảo an toàn tối đa cho du khách.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đối với đoàn khách charter dự kiến đến Huế trong tháng 12 và lưu trú tại Laguna Lăng Cô cơ bản đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về an toàn cho du khách như: lao động đã tiêm đủ 2 liều vaccine, khu nghỉ dưỡng nằm tách biệt, đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch... Được biết, ngành Du lịch Thừa Thiên-Huế đang gấp rút xây dựng quy trình đón khách quốc tế. Theo đại diện Laguna Lăng Cô, nơi sẽ thí điểm đón khách quốc tế trở lại của Huế, trong tháng 12 thời tiết ở Huế sẽ không phù hợp để tắm biển, nên khu nghỉ dưỡng sẽ đẩy mạnh các sản phẩm đang là thế mạnh của du khách Hàn Quốc như: đánh golf, chăm sóc sức khỏe, giới thiệu ẩm thực, đặc sản, hàng lưu niệm, biểu diễn các chương trình nghệ thuật truyền thống lẫn đương đại để phục vụ khách trong thời gian lưu trú tại đây…

Để phục vụ khách du lịch nội địa cũng như quốc tế, Huế đang gấp rút xây dựng đề án phố đi bộ Hoàng thành (từ đường 23 tháng 8 đến đường Lê Huân, TP Huế). Đây là điểm nhấn về đêm và dự kiến đưa vào tổ chức đầu năm 2022. Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế, Trung tâm BTDT và UBND TP Huế đang phối hợp xây dựng đề án tổ chức phố đi bộ Hoàng thành thật đặc sắc. Ở đây, du khách có thể cảm nhận một không gian Huế xưa, trải nghiệm trò chơi dân gian, nghề truyền thống, ẩm thực, thưởng thức các loại hình diễn xướng… Trên nền tảng chất liệu nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế hiện đã xây dựng chương trình nghệ thuật gồm các loại hình: ca Huế, tuồng, múa hát cung đình phục vụ cộng đồng và khách du lịch trong và ngoài nước.

Đối với việc phát triển du lịch vùng đầm phá, một trong những địa điểm thu hút du khách là đầm Chuồn ở xã Phú An (huyện Phú Vang) thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Khi đến đây, du khách được ngắm vẻ đẹp hoang sơ của đầm phá và thưởng thức những món ăn “đặc sản” rất đỗi dân dã do chính tay người dân địa phương làm nên.

Chị Nguyễn Thị Hiền đến từ TP Hội An (Quảng Nam) cho biết: “Gia đình tôi đã nhiều lần ghé đến Huế nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi về đầm Chuồn. Được về đây và nhìn ngắn phong cảnh đầm phá với các nò sáo, cảnh người dân thu hoạch hải sản dưới ánh hoàng hôn thật tuyệt vời. Trước cảnh đẹp thiên nhiên, tôi đã ghi lại nhiều hình ảnh ấn tượng để làm kỷ niệm và chia sẻ cùng bạn bè”.

Nằm cách đầm Chuồn không xa là cánh rừng ngập mặn Rú Chá nguyên sinh ở thôn Thuận Hòa (xã Hương Phong, TP Huế). Vào mùa thu, khi cánh rừng này thay lá tạo nên vẻ đẹp kỳ diệu, bình quân mỗi ngày có hàng trăm lượt khách trong và ngoài địa phương đến đây tham quan, khám phá. Cạnh đó, Cồn Tè là vùng đất ngập mặn nằm đối diện cửa biển Thuận An, thuộc địa phận xã Hương Phong. Từ ngày công trình cầu, đập Thảo Long đưa vào sử dụng, nơi đây cũng trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút rất nhiều du khách đến tham quan.

Tuy nhiên, theo ông Trần Viết Chức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, do chưa được đầu tư và định hướng phát triển nên lâu nay, rừng ngập mặn Rú Chá và Cồn Tè chưa thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng nên chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh du lịch vốn có. Mới đây, qua kiểm tra thực địa, lãnh đạo TP Huế đề nghị xã Hương Phong tiếp tục phát triển hơn nữa diện tích rừng ngập mặn Rú Chá và Cồn Tè, bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản, đồng thời duy trì và phát huy thế mạnh các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng, trong đó lấy người dân là chủ thể, đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

Tại xã Hải Dương và thị trấn Thuận An là 2 địa phương ven biển có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch biển vừa sáp nhập vào TP Huế từ ngày 1/7/2021, để tăng cường thu hút du khách, phát triển du lịch, dịch vụ biển, hiện các địa phương này đang chủ động quy hoạch bờ biển, nhất là các bãi tắm công cộng và tập trung nâng cấp, mở rộng những tuyến đường dẫn ra biển, thực hiện đầu tư chỉnh trang bãi biển, phát triển dịch vụ lưu trú trong cộng đồng như homestay, các dịch vụ ăn uống, cắm trại. Nhằm kích cầu du lịch và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, mới đây, HĐND TP Huế đã thông qua Nghị quyết thống nhất bổ sung dự kiến danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giao UBND TP Huế phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án.

Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế cho hay, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án trọng điểm, đồng thời triển khai các giải pháp kích cầu du lịch, tăng cường việc đào tạo, nâng cao tay nghề đối với đội ngũ người lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ để phát triển du lịch trong tình hình mới.

Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế, cho rằng, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, TP Huế đang tiến hành các quy hoạch tổng thể cho phát triển du lịch, dịch vụ vùng đầm phá và ven biển của thành phố. Trong đó sẽ triển khai nghiên cứu để hình thành các tour, tuyến du lịch mới đặc sắc ở Hải Dương - Rú Chá - Cồn Tè - Thuận An. Từ đây hình thành nên các chuỗi dịch vụ, du lịch khép kín, kết hợp với thế mạnh vốn có của ngành Du lịch thành phố là du lịch di sản văn hóa với du lịch khám phá, nghỉ dưỡng. Qua đó nhằm tăng cường thu hút du khách đến với Cố đô Huế trong điều kiện mới khi công tác phòng, chống dịch bệnh chuyển sang trạng thái bình thường mới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

Hải Lan - Anh Khoa
.
.
.