Thống nhất mô hình quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam

Thứ Sáu, 04/03/2022, 08:41

Ông Trịnh Ngọc Chung, quyền Trưởng Ban quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, sau một thời gian "không biết đi đâu về đâu", Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được UBND TP Hà Nội và Bộ Văn hoá, Du lịch và Thể thao (VHDLTT) thống nhất để Làng tiếp tục trực thuộc Bộ VHDLTT.

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam được "gọi vui" là làng lớn nhất Việt Nam, có tổng diện tích lên đến 1.544ha. Theo quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Làng nằm trong danh mục các địa điểm có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Theo quy định ban đầu, Làng trực thuộc Bộ VHDLTT. Tuy nhiên, sau nhiều năm vận hành, hoạt động của Làng bị phản ánh là chưa hiệu quả, gây lãng phí.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, giao UBND TP Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ VHDLTT xây dựng Đề án chuyển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ Bộ VHDLTT về TP Hà Nội. Tuy nhiên, sau đó, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội khó có đủ tầm quản lý, vận hành Làng theo đúng mục tiêu ban đầu. Cuộc chuyển đổi này không khéo lại uổng phí hơn 1.500 tỷ đồng nhà nước đầu tư cho Làng. Bởi lẽ, Làng không đơn thuần là Trung tâm du lịch cộng đồng mà là sự đầu tư, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về văn hoá và đại đoàn kết các dân tộc.

Theo ông Trịnh Ngọc Chung, việc đầu tư và tổ chức các hoạt động của Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam không như đơn vị phát triển kinh tế hay đơn vị sự nghiệp thông thường mà nhằm bảo tồn, giữ giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ VHDLTT, Làng có nhiều tiến bộ, đặc biệt là tổ chức các sự kiện, tái hiện các phong tục, lễ hội.

Bộ VHDLTT cũng đã làm việc với Hà Nội và Hà Nội đã có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất về mô hình quản lý, tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhằm đảm bảo thực hiện đồng bộ, xuyên suốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của 54 dân tộc.

Theo đó, Ban quản lý Làng tiếp tục trực thuộc Bộ VHDLTT, tiếp tục là cơ quan tương đương cấp Tổng cục. Như thế, Làng mới có điều kiện hoàn thành mục tiêu đầu tư công. Đây là điều kiện quan trọng, vì nếu không tiếp tục được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, các công trình đầu tư dở dang nhiều năm sẽ dẫn đến xuống cấp, khó khăn cho các hoạt động của Làng. Hiện tại, Ban quản lý Làng đang làm việc với các Bộ, Ban, ngành nhằm đẩy mạnh đầu tư công cho Làng.

Ông Trịnh Ngọc Chung cũng nhấn mạnh: Sau khi hoàn thành đầu tư công, hoàn thiện các hạng mục, Làng sẽ đi vào hoạt động đồng bộ và hiệu quả, thật sự là Trung tâm bảo tồn phát huy giá trị văn hoá, tạo sự gắn kết giữa cộng đồng các dân tộc, trang bị cho đồng bào kiến thức về du lịch cộng đồng, trồng trọt, chăn nuôi, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước… Hiện tại, Làng đã tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục đầu tư. Làng ký chương trình hợp tác với Học viện Nông nghiệp, Hội Di sản Văn hoá, Hội Ẩm thực Việt Nam… nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, đa dạng hoạt động phát huy các giá trị văn hoá, trải nghiệm, cảnh quan môi trường, thu hút du khách.

N.Nguyễn
.
.
.