Thêm một địa chỉ đỏ về nguồn ở Nam Trung bộ

Thứ Sáu, 24/03/2023, 08:22

Trong nắng cuối tháng ba, chúng tôi về xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chứng kiến hình ảnh từng nhóm thợ xây dựng đang tất bật thi công hoàn thiện dự án Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn để đảm bảo tiến độ hoàn thành vào dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn (20/4/1953 - 20/4/2023).

Ngược dòng lịch sử 70 năm về trước, vào mùa xuân năm 1953, Quân đội Nhân dân Việt Nam chiến thắng trên nhiều chiến trường, tác động người dân ở những vùng địch tạm thời kiểm soát nổi dậy phá thế kìm kẹp. Tại huyện Ninh Hòa - nay là thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), các đồn Tân Phong, Nhỉ Sự, Ninh Ích, Cầu Lớn bị quân ta đánh phá khiến cho binh lính địch ở các tháp canh, bót gác đều lâm vào tình trạng hoang mang lo sợ…

vuongon1.jpg -0
Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn đang thi công hoàn thiện.

Sau đó, chỉ huy người Pháp cùng sĩ quan ngụy ở khu Nam Trung bộ huy động lực lượng (hơn 4.000 sĩ quan, binh lính Pháp, Âu, Phi và quân ngụy với sự hỗ trợ của phi cơ, pháo binh tham chiến) tấn công một số căn cứ cách mạng, trong đó có căn cứ Đá Bàn.

Từ trận địa Xuân Sơn, địch bắn pháo mở đường cho ba cánh quân tấn công căn cứ Đá Bàn, nhưng phía địch không thể ngờ được rằng trước đó Quân khu 5 đã điều Tiểu đoàn 59 vào chiến trường Khánh Hòa và đã có mặt tại căn cứ Đá Bàn, phối hợp lực lượng địa phương triển khai phương án đánh địch từ xa, cài mìn, cắm chông để "đón" địch.

Dưới sự chỉ huy của đồng chí Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu, Tiểu đoàn 59 bí mật hành quân qua Eo Gió phục kích trên đoạn đường Cầu Gỗ, Suối Sâu trong Vườn Gòn, cách Bến Ghe nửa cây số để chặn đường rút quân của địch. Sáng 20/4/1953, địch huy động máy bay ném bom, giội pháo vào khu rừng phía Tây căn cứ Đá Bàn để bộ binh tiến vào nhưng đã dính phải mìn, chông và bị du kích đánh chặn, khiến nhiều binh lính địch thương vong. Địch chỉ dò dẫm vào rừng khoảng 50-70m, đồng thời đốt phá nhà dân, lán trại sản xuất - chăn nuôi… Đến 11h trưa cùng ngày, được máy bay L-19 dẫn đường, toàn bộ địch rút quân.

Khi cánh quân thứ ba của địch trên đường rút lui đã lọt vào trận địa phục kích, Tiểu đoàn 59 đồng loạt sử dụng hỏa lực tấn công khiến địch không kịp trở tay, những binh lính sống sót lao xuống Suối Sâu cũng bị tiêu diệt bởi mìn và lựu đạn. Sau trận chiến khoảng 20 phút, hơn một đại đội Âu, Phi do Pháp huy động đã bị tiêu diệt, 1 khẩu đại liên và hơn 100 khẩu súng các loại cùng nhiều quân trang khác bị thu giữ. Phía Tiểu đoàn 59 có 14 chiến sĩ bị thương và hy sinh. Đến 14h chiều cùng ngày hôm đó, máy bay địch ập đến dội pháo, ném bom vùng ven trận địa để trực thăng chở binh lính địch thương vong về Nha Trang.

Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn trở thành cơn ác mộng đối với Pháp và quân ngụy ở Ninh Hòa, từ đó cho đến khi Hiệp định Genève ký kết tháng 7/1954 không có cuộc hành quân càn quét nào của địch vượt qua Cầu Gỗ, Suối Sâu, Vườn Gòn, Đá Bàn. Trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn mãi âm vang chiến công hào hùng trên quê hương Ninh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Để tưởng niệm và tri ân những chiến sĩ cách mạng năm xưa, Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn được đầu tư xây dựng trên diện tích hơn 1ha, tọa lạc bên đường Tỉnh lộ 7, gần hồ Đá Bàn và Khu di tích căn cứ kháng chiến Đá Bàn. Với tổng kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng, công trình được khởi công từ tháng 2/2023 với các hạng mục Đài tưởng niệm Chiến thắng, Nhà lưu niệm, Công viên, Không gian ghi công những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn năm xưa...

Điểm nhấn của Đài tưởng niệm Chiến thắng được thiết kế xây dựng với ý tưởng phần gốc bám rễ, ăn sâu vào lòng đất, dựa vào sức mạnh lòng dân, đỉnh tháp vươn cao là ngôi sao vàng năm cánh tỏa sáng thể hiện chiến công của các chiến sĩ cách mạng luôn lấp lánh tự hào. Kiến trúc đỉnh đài với hình ngôi sao năm cánh là biểu tượng chiến thắng hào hùng với nghệ thuật điêu khắc tạo hình ảnh ngôi sao chuyển động, luôn hướng về phía trước thể hiện ý chí, tinh thần quyết chiến và quyết thắng của người chiến sĩ cách mạng. Trong Nhà lưu niệm sẽ được trưng bày, lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử, hiện vật, hình ảnh về những chiến công của Tiểu đoàn 59. Bên cạnh đó, tên tuổi 14 anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn ngày 20/4/1953 sẽ được khắc ghi trong khu lưu niệm.

Trong chuyến công tác tại Khánh Hòa giữa tháng 11/2022, đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao cùng lãnh đạo Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đến thăm Khu di tích căn cứ kháng chiến Đá Bàn, khảo sát địa điểm và đánh giá cao chủ trương xây dựng Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn.

Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, dự án Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn không chỉ có ý nghĩa ghi dấu chiến công của Tiểu đoàn 59 anh dũng, mưu trí đánh địch, góp phần mở rộng vùng kháng chiến, lan tỏa ý chí kiên trung và tinh thần quyết thắng của quân và dân địa phương trong kháng chiến chống Pháp; mà khu lưu niệm này còn là một địa chỉ đỏ về nguồn để giáo dục truyền thống cách mạng kiên cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Hữu Toàn
.
.
.