Số hóa lưu giữ hàng nghìn trang tư liệu Hán - Nôm quý giá

Thứ Năm, 28/10/2021, 09:34

Thời gian qua, Thư viện Tổng hợp (TVTH) Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với các đơn vị chức năng và chính quyền nhiều địa phương tổ chức thực hiện số hóa hàng nghìn trang tư liệu Hán – Nôm quý giá. Đây là những sắc phong, chế phong, gia phả… có từ thời Lê đến thời Nguyễn đã và đang được các dòng họ, tư gia gìn giữ. Việc số hóa nhằm phục vụ công tác bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị các tư liệu quý này…

Mới đây nhất, ngày 22/10, đoàn công tác của TVTH Thừa Thiên-Huế về thôn Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện số hóa các tư liệu Hán - Nôm đang được người dân gìn giữ, bảo quản. Tại đây, đoàn chuyên gia của TVTH Thừa Thiên-Huế đã mở hòm bộ sắc phong chứa nhiều tài liệu Hán - Nôm quý của 7 dòng họ ở thôn Bao La để số hóa.

Ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, có khoảng 1.000 trang tài liệu, tư liệu Hán - Nôm quý gồm các sắc phong, văn bản địa chính, hương ước, văn tế được các dòng hộ ở thôn Bao La gìn giữ từ đời này sang đời khác. Trải qua thời gian dài, dù được các dòng họ bảo quản, cất giữ kỹ lưỡng song vẫn không thể tránh được việc hư hỏng, mối mọt, mục nát. Vì thế, việc số hóa những tư liệu này là hết sức cần thiết nhằm gìn giữ về lâu dài và phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn.

HAN_NOM_2-1635388540341.jpg

Trước đó, tư liệu Hán - Nôm tại các dòng họ, tư gia ở thôn Hạ Lang, Hà Cảng của xã Quảng Phú cũng được số hóa và đoàn công tác TVTH Thừa Thiên-Huế sẽ tiếp tục triển khai số hóa nguồn tư liệu quý này tại các thôn Xuân Tùy, Bác Vọng Đông, Nghĩa Lộ, Nam Phù, Nho Lâm…

Tìm hiểu được biết, tỉnh Thừa Thiên-Huế là nơi còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán - Nôm quý giá có từ thời Lê đến thời Nguyễn. Phần lớn các tư liệu này được lưu giữ trong các thôn, họ tộc, tư gia của các gia đình hoàng tộc triều Nguyễn. Ngoài một số thất lạc, hư hỏng do chiến tranh, thiên tai, có không ít tư liệu Hán - Nôm quý bị mối mọt hủy hoại do không có điều kiện bảo quản. Xác định tầm quan trọng, ý nghĩa của các nguồn tài liệu quý và tính cấp thiết phải thực hiện sưu tầm, số hóa tư liệu Hán - Nôm tại các làng, dòng họ, tư gia nên từ năm 2009, TVTH Thừa Thiên-Huế đã hợp tác với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh để sưu tầm, số hóa tài liệu Hán - Nôm. Sau hơn 12 năm triển khai, đến nay công tác sưu tầm, số hóa được thực hiện tại 14 phủ đệ, 164 làng, đền thờ, nhà vườn và hơn 610 họ tộc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trong đó đã sưu tầm, số hóa trên 300.000 trang tài liệu Hán - Nôm có giá trị, ý nghĩa lịch sử.

Theo các cán bộ TVTH Thừa Thiên-Huế, thời gian qua, do ảnh hưởng của thời tiết mưa bão, dịch bệnh COVID-19 nên công tác sưu tầm, số hóa tài liệu Hán - Nôm gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế còn khoảng 150 làng chưa triển khai khảo sát, sưu tầm, số hóa.

Ông Phạm Xuân Phượng, chuyên gia sưu tầm, số hóa di sản Hán - Nôm cho hay, tài liệu được sưu tầm, số hóa bảo đảm yêu cầu cao về nội dung, được lựa chọn, sao chụp trực tiếp từ văn bản gốc lưu trữ tại các làng, các họ tộc có niên đại từ đời Lê, các chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và các triều đại nhà Nguyễn. Chất liệu chủ yếu là giấy long đằng, giấy sắc vàng, giấy dó phản ánh đặc trưng các loại tài liệu Hán - Nôm đã hình thành, tồn tại trong lịch sử ngôn ngữ, chữ viết dân tộc.

Tuy nhiên theo ông Phượng, do chất liệu chủ yếu là giấy nên các loại tài liệu, tư liệu Hán - Nôm hư hỏng, xuống cấp khá nghiêm trọng. Nhiều loại tài liệu quý hiếm đứng trước thách thức lớn của sự tồn vong bởi thời gian, ý thức trách nhiệm của con người. Bên cạnh đó, một số địa bàn thấp trũng, chiến tranh nên rất nhiều làng, họ tộc ở thị trấn Phú Đa, xã Phú Lương, huyện Phú Vang không còn lưu giữ được các văn bản, sắc phong thần, sắc phong khai canh, khai khẩn, văn cúng Xuân tế, Thu tế, địa bạ.

Tương tự, nhiều tài liệu sắc phong, gia phả, văn bản đất đai, văn cúng ở các làng thuộc xã Lộc Trì, Lộc Tiến, Lộc Thủy, huyện Phú Lộc cũng bị mục nát, hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tiến độ số hóa vì phải xử lý làm phẳng mất nhiều thời gian.

Lãnh đạo TVTH Thừa Thiên-Huế khẳng định, việc số hóa những tư liệu Hán - Nôm bị hư hỏng đang được lưu giữ tại các tư gia, dòng họ nhằm gìn giữ và bảo tồn nguồn tư liệu quý hiếm. Các tài liệu được số hóa sẽ là nguồn tư liệu phong phú, đa dạng trong công tác xây dựng hồ sơ di tích của các bảo tàng, di tích. Từ đó, những quy định mang tính bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc sẽ được các đơn vị chức năng chắt lọc để vận dụng trong thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhằm phát huy vai trò tích cực của quần chúng nhân dân, của các làng xã, họ tộc trong công tác sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy di sản tài liệu, tư liệu Hán - Nôm.

Ngoài ra, TVTH Thừa Thiên-Huế còn chú trọng công tác nghiên cứu phục chế một số tư liệu Hán – Nôm quý hiếm bị hư hỏng, rách nát không thể phục hồi lại được nhằm hoàn thành kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tài liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2020-2024 đúng theo Quyết định số 508/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành.

Anh Khoa
.
.
.