Những "nghệ sĩ" Tây Nguyên giữa lòng Hà Nội

Thứ Hai, 01/05/2023, 10:50

Đã vào cuối tháng tư, thời tiết Hà Nội những ngày này vẫn mưa nắng thất thường, bởi vì năm nay có hai tháng 2; nồm ẩm vẫn còn nhiều. Một ngày nắng, tôi đến thăm Bảo tàng Dân tộc học, gặp những người thợ đang sửa chữa công trình nhà dài của Tây Nguyên của Bảo tàng, để kịp hoàn thiện công trình, phục vụ công tác trưng bày cho khách tham quan.

Kiến trúc nhà dài Tây Nguyên

Bảo tàng Dân tộc học là nơi trưng bày những đồ vật, nét văn hóa của 54 dân tộc anh em. Ngoài những đồ vật nhỏ gọn được trưng bày khuôn viên trong nhà của bảo tàng thì còn nhiều nét đặc trưng về kiến trúc nhà ở, mà phải có không gian rộng lớn mới có thể đủ chỗ để trưng bày. Nhà dài của người Ê-đê, nhà Rông của Tây Nguyên, nhà truyền thống Bắc bộ… là những công trình kiến trúc được trưng bày bên ngoài khuôn viên bảo tàng. Đến đây, khách tham quan có thể trực tiếp ngắm nhìn, hoặc đi hẳn vào bên trong căn nhà để tìm hiểu văn hóa cũng như kiến trúc đặc trưng của những công trình này.

image001.jpg -0
Những người thợ Tây Nguyên phục dựng ngôi nhà dài truyền thống.

Nếu như nhà truyền thống Bắc Bộ có thể quen thuộc với đại đa số dân chúng thì những căn nhà như nhà Rông, nhà dài lại ít người hiểu biết hơn. Những căn nhà này yêu cầu không gian trưng bày rộng, kích cỡ và vật liệu cũng yêu cầu giống như thực tế bên ngoài. Những công trình đang trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học, sau nhiều năm gió mưa, vật liệu cũng bị hư hại. Trong những công tác bảo tàng, ngoài kiểm kê, bảo quản hay trưng bày thì còn có một khâu cực kỳ quan trọng, đó là phục dựng nguyên trạng hiện vật, mà nhiều khi những đồ vật trưng bày, vì điều kiện bất khả kháng thì cũng có thể trưng bày hiện vật phục dựng lại.

Cuộc sống mới, nhiều nếp sống đã thay đổi, những công trình như nhà dài ít còn tồn tại nhưng trong công tác bảo tàng, để phục vụ khách tham quan và nhằm cho công chúng hiểu biết về văn hóa, tập tục của các dân tộc thì nhà dài vẫn cần phục dựng lại. Đó cũng là lý do vì sao những người thợ từ trong Tây Nguyên đã có mặt tại bảo tàng để làm công tác phục dựng nhà dài truyền thống của người Êđê.

Nếu như nhà Rông Tây Nguyên có đặc trưng rất cao ở cái mái che thì nhà dài lại có đặc trưng là rất… dài. Theo anh Cường, cán bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người phụ trách công tác phục dựng nhà Dài (anh Cường có bằng thạc sĩ về Dân tộc học) thì nhà dài ở Tây Nguyên, nhà nào càng dài thì chứng tỏ nhà đó có nhiều con gái. Cứ mỗi khi có con gái lấy chồng, bố mẹ ở gia đình đó lại phải nối thêm gian nhà cho con gái và con rể về ở. Trong xã hội Êđê cổ truyền, nhà dài là nơi cư trú của đại gia đình mẫu hệ.

"Dưới mái nhà dài gồm những gia đình nhỏ của các con gái, cháu gái sinh thành từ một bà tổ. Từ khoảng giữa thế kỷ 20 trở về trước, nhà dài thường là nơi chung sống của hàng chục gia đình nhỏ nên nó "dài như một hơi ngựa phi", "dài như tiếng ngân của một cái chiêng tốt" (Sử thi Đam San). Công trình nhà dài trong Bảo tàng Dân tộc học trưng bày và phục vụ du khách tham quan nhiều năm, hiện tại một số hạng mục đã bị hư hỏng và bảo tàng đang tiến hành sửa chữa những chỗ bị hỏng hóc.

Vật liệu làm công trình nhà dài trong bảo tàng được chở hoàn toàn nguyên bản từ trong Tây Nguyên, từ gỗ khung nhà, tre nứa, mái tranh và dây mây để lợp mái. Sau nhiều năm, một số cây gỗ to cũng bị hư hỏng. Trong mỗi lần sửa chữa cũng như phục dựng, Bảo tàng đều mời những người thợ chuyên làm nhà dài từ trong Tây Nguyên ra trực tiếp thi công công trình.

Những người thợ áo xanh

Khi tôi đến hôm ấy thì trời còn đang nắng, những người thợ sửa chữa nhà dài đang hối hả cho những công đoạn cuối cùng, đó là dựng kèo và lợp mái cho ngôi nhà.

Những người thợ làm nhà dài mỗi người một việc. Người vót mây, người khuân tre, người chở lá lợp bằng xe ba gác; khẩn trương nhất là những người thợ trên nóc nhà dài buộc kèo và lợp mái. Bóng những người thợ áo xanh làm việc với tất cả sự tập trung để mang đến hình ảnh một ngôi nhà dài chân thực nhất dành cho khách tham quan bảo tàng.

Những người thợ có kỹ thuật và chuyên môn phục dựng nhà dài, hàng năm đều được bảo tàng mời ra để kiểm tra công trình và sửa chữa. Có những người đã ra thủ đô 3 đến 4 lần. Ma Đin là một người thợ như thế. Anh nói được tiếng Kinh nên những trao đổi từ công việc cho đến sinh hoạt đa số đều thông qua Ma Đin. Ma Đin năm nay 64 tuổi, anh sinh năm 1958. Ma Đin cho biết, ở Tây Nguyên bây giờ, nhiều tập tục văn hóa cũng thay đổi, những mái nhà tranh đã được làm bằng tôn, ngôi nhà nguyên bản hiện cũng không còn và chính anh cũng chưa từng ở ngôi nhà này, nhưng anh am hiểu về kỹ thuật làm nhà dài, tuy nhiên công việc chính của anh làm làm rẫy, làm cà phê.

Nhóm thợ lần này ra làm tại Bảo tàng có người già, người trẻ. Ma Đin chỉ vào người thợ vót đang ngồi vót dây mây bên cạnh, giới thiệu ông năm nay đã 74 tuổi. Năm 2000 ông cũng đã từng xuống làm nhà dài tại bảo tàng. Khi thấy Ma Đin nói chuyện về mình, bác  thợ vót mây chỉ cười, bởi ông không hiểu tiếng Kinh. Ông xuống đây làm việc cùng nhóm thợ, mọi giao tiếp, trao đổi phải qua người trưởng nhóm.

 Ma Đin cho biết, anh xuống thủ đô cũng vài lần, và anh đã đi thăm Lăng Bác, thăm hồ Hoàn Kiếm, thăm vườn thú. Khi được hỏi ở đâu Ma Đin thấy thích hơn, Buôn Ma Thuột hay Hà Nội, anh cười dí dỏm: "Chỗ nào cũng thích hết, vì Buôn Ma Thuột là quê, còn Hà Nội là thủ đô. Thủ đô Ma Đin cũng xuống 3 lần rồi”.

Phó giáo sư Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã vô cùng xúc động khi gặp lại những người thợ năm xưa tại Bảo tàng. Thời điểm ông làm Giám đốc, Bảo tàng cũng mời những người thợ từ Tây Nguyên xuống phục dựng công trình nhà dài trong bảo tàng. Ông viết: "Bảo tàng vẫn kiên trì thực hành quan điểm suốt 25 năm qua là mời các chủ thể văn hóa tham gia duy trì, tu bổ và phát huy giá trị các ngôi nhà truyền thống tại Bảo tàng. Họ là những người dựng nhà, duy tu, bảo dưỡng nhà theo đúng phong tục và kỹ thuật của mình. Đảm bảo giữ được chất liệu gỗ, mái, tre nứa đúng với truyền thống, phù hợp môi trường sinh thái vốn có của địa phương; đã vượt qua bao khó khăn, cả về nhận thức, kinh phí, về tổ chức để có thể thu gom được hàng tấn cỏ gianh mà nay rất hiếm để giữ cho mái nhà dài Ê-đê không bị thay bằng chất liệu khác.

Hôm nay xúc động gặp lại những người Ê-đê từ Buôn Ky ra duy tu ngôi nhà của mình. Đội thợ năm xưa, những người thợ trẻ năm nào nay đã thành thợ cả hướng dẫn thợ mới. Thật tuyệt vời những người thợ Buôn Ky vẫn nhiệt tình truyền kỹ năng cho lớp nọ nối tiếp lớp thợ kia. Một điểm sáng về cách trao truyền văn hóa".

Ngô Chuyên
.
.
.