Nhà sản xuất nước ngoài thực hiện bản ghi Quốc ca - Tiến quân ca có phải xin phép?

Thứ Ba, 07/12/2021, 17:42

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân của những tranh cãi quanh sử dụng Tiến quân ca - Quốc ca, trong đó có việc tắt tiếng Quốc ca Việt Nam trong phần mở đầu trước trận thi đấu chính thức của đội tuyển Việt Nam và Lào tại AFF Cup vào tối ngày 6/12 là do thiếu quy định cụ thể về việc sử dụng ca khúc này.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, mặc dù nhạc sĩ Văn Cao và gia đình trao tặng Tiến quân ca – Quốc ca cho Tổ quốc và Nhân dân nhưng đây chỉ là phần lời và nhạc thể hiện trên giấy.

Ngoài quyền tác giả, trong Luật Sở hữu trí tuệ, từ điều 19 đến điều 25 có quy định rõ về các quyền liên quan. Một bài hát được ghi âm, ghi hình, khi phát hành sẽ bao gồm quyền tác giả và quyền bản ghi.

Với Tiến quân ca – Quốc ca, tác quyền đã được trao tặng nhưng đơn vị sử dụng vẫn phải trả tiền bản quyền bản ghi – quyền liên quan đến phần nhạc, hoà âm, phối khí, âm thanh. Một số đơn vị sử dụng Quốc ca bị thu tiền vừa qua không phải là tiền tác quyền bài Quốc ca mà là tiền bản quyền bản ghi. Đơn vị sử dụng phần phối âm, bản ghi âm, ghi hình đăng trên YouTube thì phải xin phép đơn vị, người sở hữu bản ghi âm, ghi hình đó chứ không phải là xin phép sử dụng bài Quốc ca.

Cần quy định cụ thể thêm về sử dụng Tiến quân ca - Quốc ca? -0
Luật sư Nguyễn Văn Hậu.

Về việc nhà sản xuất, đặc biệt là nhà sản xuất ở nước ngoài thực hiện bản ghi Tiến quân ca – Quốc ca có phải xin phép hay không? Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, khi cá nhân, đơn vị thực hiện bản ghi thì phải được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu. Hiện nay, tác phẩm này đã được nhạc sĩ Văn Cao và gia đình trao tặng cho Nhà nước và Nhân dân nhưng cần phải xem xét trên văn bản bàn giao cụ thể của gia đình như thế nào.

Nếu bàn giao cho Nhà nước thì văn bản cũng cần ghi rõ là giao cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khi gia đình bàn giao cho Nhà nước thì Nhà nước phải có quy định về việc sử dụng tác phẩm này. Trong trường hợp phải xin phép mà nhà sản xuất bản ghi không xin phép thì Nhà nước phải có ý kiến.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, sau khi nhận bàn giao Tiến quân ca – Quốc ca từ gia đình nhạc sĩ Văn Cao, Nhà nước cần giao cho một Bộ cụ thể để quản lý. Hiện nay, Việt Nam có 3 Bộ cùng tham gia quản lý bản quyền, về sở hữu trí tuệ, đó là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhà nước giao Tiến quân ca – Quốc ca cho Bộ nào thì Bộ đó sẽ xây dựng các quy chế, quy định về việc sử dụng quốc ca, trường hợp nào thì phải xin phép và trả phí bản quyền, trường hợp nào thì không phải xin phép…Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng trống giữa thực tế và quy định về việc này.

N.Hoa
.
.
.