Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng tại AFF Cup: Dù lý do gì cũng không thể chấp nhận được!

Thứ Ba, 07/12/2021, 11:27

Dù với bất cứ lý do nào, việc này không thể chấp nhận được. Đó là khẳng định chung của rất nhiều người ngay sau khi thông tin Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong phần mở đầu, trước trận thi đấu giữa Việt Nam và Lào vào tối ngày 6/12.

Trong phần hát Quốc ca mở đầu trận đấu, khán giả theo dõi trên kênh YouTube không nghe được lời hát Quốc ca Việt Nam. Trên màn hình hiện dòng thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm". Sự việc này khiến khán giả bất bình, vì việc tắt tiếng bài hát Quốc ca ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, lòng tự tôn dân tộc.

 Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trước trận Việt Nam – Lào: Dù lý do gì cũng không thể chấp nhận được! -0
Dòng thông tắt tiếng Quốc ca Việt Nam ở phần lễ chào cờ khiến dư luận bất bình.

Ca khúc "Tiến quân ca – Quốc ca” đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng nhân dân và Tổ quốc. Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã bức xúc lên tiếng vì bị khiếu nại về bản quyền bản ghi ca khúc “Tiến quân ca” lưu hành trên YouTube. Những tranh cãi quanh chưa có hồi kết vì nhiều ý kiến phân tích, cho rằng mỗi bản ghi âm, audio của một bài hát khi được phát hành sẽ chứa 2 loại quyền tách biệt là: Quyền bản ghi – liên quan đến phần nhạc, hòa âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi; quyền tác giả – liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm. Theo Luật Bản quyền, nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ phần quyền bản ghi, còn nhạc sĩ, người sáng tác bài hát nắm giữ quyền tác giả hay còn gọi là tác quyền. Như vậy, quyền tác giả Quốc ca vẫn thuộc về Nhà nước và Nhân dân Việt Nam nhưng nhà sản xuất bản ghi âm vẫn có quyền đòi hỏi bản quyền cho bản ghi mà họ thực hiện.

Tuy nhiên, vụ việc tắt tiếng Quốc ca Việt Nam trong phần mở đầu trận đấu Việt Nam – Lào tối 6/12 khi phát trên nền tảng YouTube đã như giọt nước tràn ly. Mặc dù sau đó đã có thông tin khẳng định, bản quyền bản ghi Quốc ca lần này thuộc một công ty nước ngoài nhưng phần lớn các ý kiến trên các trang mạng xã hội đều cho rằng, đây là việc làm lợi bất cập hại.

N.H
.
.
.