Người dân vùng cao A Lưới phát triển du lịch cộng đồng
Nhằm khai thác cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp cùng bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo nên thời gian qua, chính quyền địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã chú trọng đầu tư, phát triển các dự án du lịch cộng đồng. Sau thời gian khai thác, mô hình du lịch cộng đồng ở A Lưới đã và đang phát huy hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Những ngày cuối tháng 5, dù nắng nhiều nơi như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời có lúc hơn 40 độ C nhưng nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đã vượt qua các cung đường đèo để đến với miền núi A Lưới. Vào sáng sớm và chiều tối, thời tiết ở A Lưới rất mát mẻ, nhiều du khách thường chọn cách trải nghiệm tại các thác nước hoặc điểm du lịch cộng đồng.
Đến tham quan làng du lịch cộng đồng tại thôn A Ka 1, xã A Roàng (huyện A Lưới), du khách tỏ ra thích thú và không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của núi rừng nơi đây. Sau khi đạp xe tham quan bản làng và tìm hiểu về nghề đan lát, dệt dèng (nghề dệt vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi A Lưới), khai thác rượu đoác của đồng bào người dân tộc Pa Cô, du khách được tham gia giao lưu cộng đồng, các trò chơi dân gian và thưởng thức ẩm thực truyền thống do chính người dân ở thôn A Ka 1 làm nên.
Bà Hồ Thị Thương, một hộ dân ở làng du lịch cộng đồng tại thôn A Ka 1 giới thiệu thêm, ngoài chế biến các món ăn, thức uống mang đậm chất vùng cao như thịt khô gác bếp, rượu cần, bánh A Quát, A Chót và cơm lam để phục vụ du khách, người dân trong thôn còn trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ như Hát Kâr lơi, Ba boih, Cha chấp mang âm hưởng, hơi thở của núi rừng Trường Sơn. Bên cạnh đó, du khách sẽ được trải nghiệm loại hình du lịch homestay trong những ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Cô.
Theo UBND huyện A Lưới, ngoài làng du lịch cộng đồng tại thôn A Ka 1, hiện trên địa bàn huyện còn có nhiều điểm du lịch cộng đồng khác đã và đang được chính quyền địa phương, người dân quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và phát triển các dịch vụ để phục vụ du khách. Nhờ thế mà vào dịp tháng 4 và tháng 5 năm nay, có rất đông du khách trong và ngoài nước đã tìm đến các điểm du lịch cộng đồng này để tham quan, trải nghiệm. Trong đó, làng du lịch cộng đồng A Nôr, xã Hồng Kim hiện được xem là “điểm sáng” du lịch cộng đồng tại huyện A Lưới. Nơi đây đang triển khai mô hình du lịch dựa vào cộng đồng trên nền tảng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số và bảo vệ môi trường bền vững. Để phục vụ du khách đến tham quan, lưu trú, người dân ở Hồng Kim đã đầu tư xây dựng 7 homestay tại làng du lịch cộng đồng A Nôr.
Ông Nguyễn Tuấn,Chủ tịch UBND xã Hồng Kim cho biết, trong những năm qua, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi và hỗ trợ người dân địa phương làm du lịch cộng đồng. Thông qua mô hình du lịch cộng đồng, có nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn xã đã được giải quyết công ăn việc làm, có thu nhập ổn định.
“Khi du khách đến địa phương tham quan thì việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm truyền thống do chính tay người dân sản xuất như nếp than, gạo ra dư, thịt bò, mật ong rừng và các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi cũng trở nên dễ dàng hơn. Đây là một trong những lợi thế do mô hình du lịch cộng đồng mang lại được địa phương khai thác hiệu quả. Và chính sự nỗ lực ấy nên làng du lịch cộng đồng A Nôr đã được vinh danh là Làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam vào năm 2019”, ông Tuấn khẳng định.
Đặc biệt hơn, tận dụng điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nhiều hộ dân ở miền núi A Lưới còn mạnh dạn vay vốn đầu tư để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Như trường hợp chị Hồ Thị Hương (người đồng bào Tà Ôi, ở xã Trung Sơn) là một trong những thanh niên tiêu biểu ở huyện A Lưới trong việc mạnh dạn làm du lịch cộng đồng gắn liền với giữ gìn bản sắc dân tộc để phát triển kinh tế. Chị Hương đã dành nhiều công sức để tìm hiểu, nghiên cứu nghề dệt dèng, sau đó chị mở hợp tác xã sản xuất và phân phối sản phẩm dệt dèng, qua đó tạo việc làm cho nhiều phụ nữ ở địa phương.
Năm 2023, khi địa danh A Lưới xuất hiện nhiều trên bản đồ du lịch và địa phương đón lượng lớn du khách ghé thăm, chị Hương mạnh dạn vay vốn để đầu tư khu du lịch sinh thái bên bờ suối ở thôn Đút 1, xã Hồng Kim để phục vụ du khách. Hiện khu du lịch sinh thái này đón rất nhiều đoàn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, để phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua, huyện đã nỗ lực quảng bá, xúc tiến du lịch tại các hội chợ, chợ phiên được tổ chức tại địa phương và trên toàn quốc. Đặc biệt vào giữa tháng 5 vừa qua, UBND huyện A Lưới phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV năm 2024. Ngoài các hoạt động chính, tại Ngày hội còn trưng bày, trình diễn nghề thủ công truyền thống như dệt dèng, đan lát; liên hoan ẩm thực với các món ăn mang đậm bản sắc truyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với quảng bá các điểm đến, tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại huyện A Lưới.
“Hiện huyện đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và thực hiện các chương trình quảng bá điểm đến du lịch tại địa phương. Từ đó nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư và tạo điều kiện để cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch. Qua đó góp phần phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với việc khai thác tài nguyên du lịch bền vững, giúp A Lưới ngày càng đón được nhiều đoàn du khách đến tham quan, trải nghiệm”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.