Nghiên cứu quản lý danh thắng Chùa Hương theo hướng hợp tác công – tư

Thứ Tư, 24/08/2022, 06:37

Thu hút từ 1,3 triệu điến 1,5 triệu du khách, mang về doanh thu khoảng 600 tỷ đến 900 tỷ đồng mỗi năm, Khu di tích quốc gia đặc biệt – Quần thể danh thắng Hương Sơn (Chùa Hương) đang được mặc định là “đất vàng” để địa phương phát triển du lịch văn hóa, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Nằm trên địa bàn huyện Mỹ Đức, Hà Nội, quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn gồm hệ thống đình, đền, chùa, hang, động tọa lạc rải rác quanh dãy núi Hương Sơn. Tại đây có lễ hội Chùa Hương, diễn ra từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc, thu hút đông đảo du khách thập phương. Đây cũng là lễ hội truyền thống lâu đời và kéo dài nhất trong cả nước, đã trở thành di sản văn hoá, tinh thần của dân tộc. Năm 2017, Thủ tướng chính phủ đã quyết định công nhận Quần thể thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương) là di tích Quốc gia đặc biệt.

Nghiên cứu quản lý danh thắng Chùa Hương theo hướng hợp tác công – tư -0
Quần thể danh thắng Chùa Hương thu hút đông đảo khách thập phương vào mùa lễ hội.

Theo Huyện ủy Mỹ Đức, hiện nay, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt – quần thể danh thắng Chùa Hương đang được gắn với phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn. Hàng năm quần thể này đón từ 1,3 đến 1,5 triệu du khách, ước tính thu về khoảng 600 đến 900 tỷ đồng. Huyện Mỹ Đức đã xây dựng quy hoạch du lịch văn hoá và cảnh quan quần thể danh thắng Chùa Hương với diện tích 3.958,13 ha và có nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị quần thể danh thắng này gắn với phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn. Trong đó, đáng chú ý là huyện Mỹ Đức tiến hành nghiên cứu lập đề án đổi mới quản lý khu di tích theo hướng hợp tác công – tư, cụ thể là đầu tư công và quản lý tư. Trước mắt, địa phương sẽ chỉ đạo rà soát, cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông trong huyện và trong khu di tích, mở rộng và đổi mới cách quản lý vận hành các bến bãi gửi xe; sắp xếp lại mặt bằng các hàng quán trong khu di tích; đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ Ban quản lý khu di tích đáp ứng yêu cầu hướng dẫn viên du lịch. Địa phương khuyến khích một số cơ sở nhà hàng lớn chuyển hướng kinh doanh đồ ăn chay phục vụ du khách về lễ phật; phát triển các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm mỹ nghệ chất lượng cao và phát triển các sản phẩm là đặc sản địa phương theo hướng đạt tiêu chuẩn OCOP như: Cây mơ và các sản phẩm chế biến từ quả mơ, cây rau sắng, củ mài và các sản phẩm chế biến từ rau sắng, củ mài… Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trong quần thể khu di tích sẽ được tăng cường. Các khu du lịch Quan Sơn, Hồ Tuy Lai, Đầm Sen An Phú được đẩy mạnh phát triển để kết nối đồng bộ với khu di tích danh thắng Chùa Hương.

Bên cạnh đó, Mỹ Đức cũng chủ động để sớm có phương án xây dựng quy hoạch tổng thể khu di tích cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới và lập quy hoạch xây dựng quần thể danh thắng Chùa Hương làm cơ sở lập các dự án đầu tư, thuận lợi cho việc quản lý quy hoạch và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm thực hiện các dự án, từng bước chuyển đổi hình thức quản lý ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Để có thêm nguồn lực và đầu tư cho phát triển di tích danh thắng Chùa Hương gắn với phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn, huyện Mỹ Đức đã đề xuất TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo bố trí nguồn lực để sớm triển khai xây dựng nhiều tuyến giao thông chủ đạo kết nối khu danh thắng này như hướng tuyến Miếu Môn – Hương Sơn từ trung tâm Thủ đô về Chùa Hương, từ Ba La – Chùa Hương qua Thanh Oai, Ứng Hòa, hướng Phủ Lý, Hà Nam – Chùa Hương, Hòa Bình – Chùa Hương…

Đồng thời, Hà Nội tạo điều kiện, kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm, đủ tiềm lực để mở rộng phát triển vùng du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, tạo sự kết nối, hình thành chuỗi du lịch sinh thái - tâm linh với các tỉnh như Hà Nam, Ninh Bình và các địa phương khác trên địa bàn Thủ đô. 

N.H.
.
.
.