Độc đáo lễ hội rằm tháng ba ở miền tây Quảng Bình

Thứ Sáu, 15/04/2022, 15:54

Hằng năm cứ đến ngày rằm tháng ba (ngày 15/3 âm lịch), đồng bào các dân tộc ít người như Sách, Mày, Rục…ở huyện miền núi Minh Hoá, Quảng Bình lại háo hức với những lễ, hội độc đáo của mình.

Người dân Minh Hóa có câu "Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng ba...". Lễ hội rằm tháng ba từ lâu đã đi vào tâm thức của người dân Minh Hóa và trở thành nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đặc trưng riêng của vùng quê miền tây Quảng Bình.

Độc đáo lễ hội rằm tháng ba ở miền tây Quảng Bình  -0
Người dân bán các sản vật địa phương ở lễ hội.
Lễ hội rằm tháng ba ở Minh Hoá là một trong những lễ hội lớn nhất đối với đồng bào các dân tộc ít người ở miền tây Quảng Bình. Trước lễ hội cả tuần lễ, đồng bào các tộc người nơi đây đã chuẩn bị sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, sắm quần áo mới, tổ chức các trò chơi thể thao, dân gian đặc trưng văn hoá của các tộc người để chào đón lễ hội.
Độc đáo lễ hội rằm tháng ba ở miền tây Quảng Bình  -0
Trước khi tham gia các phần hội với các hoạt động văn hoá, thể thao độc đáo, người dân làm lễ thờ Bụt cầu mong mưa thuận gió hoà. 
Từ năm 2004, lễ hội rằm tháng ba Minh Hóa được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là lễ hội văn hóa cấp tỉnh, lễ hội tụ cả ba yếu tố và được duy trì từ xưa đến nay gồm: lễ - hội - chợ. Thông thường phần lễ được Ban tổ chức thực hiện chiều ngày 14 (âm lịch) tại thác Bụt. Sau đó là phần hội diễn ra tại sân vận động huyện ở thị trấn Quy Ðạt với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc: hát sắc bùa, hát nhà trò, hò thuốc, chơi đánh đu, chơi đẩy gậy, hát múa giao duyên giữa hai làng, tổ chức chợ truyền thống bán các sản vật của địa phương như trứng kiến, nhộng ong, tằm sắn, ốc khe, mật ong, các thảo dược...
Độc đáo lễ hội rằm tháng ba ở miền tây Quảng Bình  -0
Chương trình nghệ thuật độc đáo được tổ chức ngay bên thác Bụt trong lễ hội rằm tháng ba ở Minh Hoá.

Tương truyền, lễ hội rằm tháng ba ở Minh Hóa có nguồn gốc từ chuyện 2 anh em người làng Yên Đức, xã Yên Hóa, huyện Minh Hoá đi tìm mật ong rừng trên lèn Ông Ngoi. Sau một ngày mệt nhọc họ leo lên đến đỉnh núi thì gặp một giếng nước trong vắt, bên cạnh giếng nước có 12 hòn đá giống hình ông Bụt và một bàn đá bằng phẳng và có những quân cờ bằng đá. Hai anh em ngạc nhiên với cảnh vật xung quanh, sau đó họ lấy một hòn đá giống hình ông Bụt mang theo, đến thác Cúi hai anh em đặt hòn đá trên bờ vào xuống suối tắm. Tắm xong, anh em lên bờ định mang tượng đá về nhưng không sao nhấc lên nổi…

Sau đó, họ về bàn với dân bản lập đền thờ ông Bụt cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Và hàng năm cứ đến rằm tháng ba âm lịch, bà con các dân tộc ở Minh Hoá lại tổ chức lễ hội để nhớ đến huyền tích thác Bụt và cũng là dịp để bà con gặp gỡ, giao lưu, động viên nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày một ấm no, giàu đẹp. 

Sông Lam
.
.
.