Độc đáo lễ hội rằm tháng ba ở miền tây Quảng Bình
Hằng năm cứ đến ngày rằm tháng ba (ngày 15/3 âm lịch), đồng bào các dân tộc ít người như Sách, Mày, Rục…ở huyện miền núi Minh Hoá, Quảng Bình lại háo hức với những lễ, hội độc đáo của mình.
Người dân Minh Hóa có câu "Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng ba...". Lễ hội rằm tháng ba từ lâu đã đi vào tâm thức của người dân Minh Hóa và trở thành nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đặc trưng riêng của vùng quê miền tây Quảng Bình.
Tương truyền, lễ hội rằm tháng ba ở Minh Hóa có nguồn gốc từ chuyện 2 anh em người làng Yên Đức, xã Yên Hóa, huyện Minh Hoá đi tìm mật ong rừng trên lèn Ông Ngoi. Sau một ngày mệt nhọc họ leo lên đến đỉnh núi thì gặp một giếng nước trong vắt, bên cạnh giếng nước có 12 hòn đá giống hình ông Bụt và một bàn đá bằng phẳng và có những quân cờ bằng đá. Hai anh em ngạc nhiên với cảnh vật xung quanh, sau đó họ lấy một hòn đá giống hình ông Bụt mang theo, đến thác Cúi hai anh em đặt hòn đá trên bờ vào xuống suối tắm. Tắm xong, anh em lên bờ định mang tượng đá về nhưng không sao nhấc lên nổi…
Sau đó, họ về bàn với dân bản lập đền thờ ông Bụt cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Và hàng năm cứ đến rằm tháng ba âm lịch, bà con các dân tộc ở Minh Hoá lại tổ chức lễ hội để nhớ đến huyền tích thác Bụt và cũng là dịp để bà con gặp gỡ, giao lưu, động viên nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày một ấm no, giàu đẹp.