Đi chợ Tết miền sơn cước
Từ tờ mờ sáng, khi trời đất còn ngái ngủ trong màn mây mù mịt, chợ đã lao xao người mua kẻ bán. Những chiếc khăn đội đầu sặc sỡ, những chiếc váy xập xòe, tiếng lợn, gà, trâu bò, tiếng dao thớt chặt thái, tiếng hỏi thăm, trò chuyện rộn ràng đã đánh thức cao nguyên trắng bừng tỉnh dậy trong phiên chợ Tết.
Nét xuân riêng chợ Tết Bắc Hà
Từ Hà Nội, “ngược ngàn” hơn 300km, chúng tôi có mặt tại chợ Bắc Hà ngày 26 Tết. Bạt ngàn hoa đào và bánh chưng đen - đó là những nét đặc trưng rất riêng của chợ Tết Bắc Hà. Điều đáng nói, dù được mệnh danh là cao nguyên trắng, nhưng hoa mận lại ít được bán. Những mặt hàng còn lại, đa số đều giống các buổi chợ phiên trước, kể cả con người: Những du khách ta có tây có, mà đặc biệt là những người đồng bào dân tộc với trang phục đầy sắc màu đặc trưng mang theo những chiếc gùi đựng đầy sản vật vườn nhà. Những em bé người Mông khuôn mặt tròn xoe, má hây hây đỏ theo mẹ ra chợ, tròn mắt nhìn mọi thứ xung quanh…
Cái rét mùa đông miền núi khiến cho ai cũng xuýt xoa. Để “có thực mới vực được đạo”, chúng tôi sà vào khu ẩm thực với hàng chục gian hàng lớn nhỏ bày bán đủ các loại đồ ăn từ xôi, cháo phở và đặc biệt là lòng lợn và thắng cố. Đến chợ phiên Bắc Hà, trong thời tiết lạnh buốt, ngồi bên nồi thắng cố nghi ngút khói, thực sự không còn cảm giác nào “chill” hơn. Mất khoảng 100.000đ để thưởng thức được một bát thắng cố hấp dẫn, chuẩn vị. Chất thịt béo, hơi ngậy ngậy ăn kèm với rau rừng, nước lẩu đậm đà. Đặc biệt, nước chấm được pha chế đặc biệt vô cùng lạ miệng. Một bát thắng cố kết hợp với chén rượu ngô cảm giác nóng bừng bừng từ trong ra ngoài, dường như mùa đông không còn chút giá rét. Rượu ngô là đặc sản của người HMông, Dao sinh sống tại đây, có độ nặng và hương vị gắt, giá bán khá rẻ.
Ngoài thắng cố, gian hàng phở chua cũng đắt khách. Đấy là chưa kể những hàng xôi ngũ sắc nghi ngút khói. Với những người dân tộc trong vùng mỗi khi đến chợ, ngoài thưởng thức một món ăn nào đó, đa số họ đều chọn một bát đậu phụ để ăn với mèn mén nên dù được thưởng thức của ngon vật lạ, vẫn không quên gọi thêm 1 bát mèm mén đề “lèn” cho chắc dạ. Tôi đặc biệt ấn tượng với món bánh rán. Những chiếc bánh rán gấc nhỏ xinh màu cam, giá chỉ 2.000 đồng/chiếc, nhưng ăn thực sự rất “cuốn”. Ngon, thơm và vị rất riêng. Cũng có thể vì thời tiết giá lạnh, lại lạ miệng nên chúng tôi ăn gì cũng thấy ngon. Mọi người trêu nhau do “ngã nước” nên mới ăn ngon miệng, mà cũng có thể, chúng tôi đang bị vùng cao nguyên trắng “bỏ bùa” rồi chăng?
Văn nghệ được xem là hoạt động hấp dẫn nhất tại chợ phiên Bắc Hà. Hầu hết du khách đều thích xem các tiết mục ca hát, nhảy múa truyền thống của thiếu nữ người dân tộc. Tất cả mọi lo toan, áp lực của cuộc sống đều được gạt bỏ để hòa mình vào bầu không khí sôi nổi, nhộn nhịp. Gian hàng nơi đây, các nghệ sĩ vừa hát, vừa thổi kèn, thổi sáo phục vụ du khách để kiếm tiền “bo”, vừa kết hợp bán các loại nhạc cụ.
Sản vật núi rừng, ngoài các loại rau, thì các loại cây thuốc như tam thất, ba kích, hà thủ ô... được người dân địa phương thu hoạch từ khắp nơi trong vùng đem về chợ phiên bán rất nhiều. Ở đây cũng bán rất nhiều hoa lan rừng, rồi bánh chưng đen, lạc đỏ… Ngoài ra, chợ phiên Bắc Hà phân khu nhiều nhất dành cho các sản vật thổ cẩm của chị em dân tộc vùng cao. Từ bên ngoài lối vào tụ tập nhiều sạp lớn nhỏ bán túi, ví, khăn thêu tay sặc sỡ. Vào sâu trong chợ, các hàng váy, mũ đủ sắc màu bày dưới đất, treo lên cao… Mặc dù khách du lịch ngày càng đông, song chợ Bắc Hà chưa bị thương mại hóa, vẫn giữ nguyên được nét nguyên sơ của những phiên chợ xưa, đậm đà bản sắc văn hóa vùng cao. Người dân đi chợ ngoài mục đích mua bán còn để giao lưu, gặp gỡ bạn bè. Hầu hết người dân tham gia phiên chợ đều là đồng bào các dân tộc với những khuôn mặt thuần phác, tuyệt nhiên không có cảnh người dân hét giá, không có tình trạng chèo kéo khách.
Xuống chợ, xuống chợ…
Bản xa nên bà Vàng Thị Xưởng- người dân tộc Tày ở bản Tả Củ Tỷ đã phải đi từ đêm hôm trước. Băng rừng, vượt núi cả đêm, dù mệt, nhưng sự háo hức được đến chợ đã giúp bà Xưởng không còn cảm thấy mệt mỏi. “Mỗi năm một lần được đi chợ Tết, vui lắm. Cũng buồn ngủ, cũng mệt đấy, nhưng xuống thấy người, xe, hàng hóa mua bán tấp nập lại hết mệt. Giờ háo hức, có cho cũng không ngủ được. Thôi mai về ngủ vậy”, bà Xưởng vừa cười vừa nói.
Tại chợ trâu, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người đàn ông nhỏ thó đang rải tiền giữa đất ngồi đếm. Anh Thào Seo Sáng (Bắc Hà, Lào Cai) vừa bán được con trâu với giá 28 triệu. Nhà ở tận Bản Già Tả Củ Tỷ, cách chợ 40km, bình thường xuống chợ anh vẫn đi xe máy, nhưng lần này, vì dắt theo trâu đi bán, nên anh đã phải đi bộ từ ngày hôm trước cho kịp chợ phiên. Suốt đêm, người và trâu lang thang, vạ vật trong chợ, đợi đến trời sáng. May mắn bán được giá, thế là Tết này gia đình no ấm rồi ấm no rồi, có tiền mua sắm thêm áo ấm và dụng cụ làm ruộng. Ngày mai, có thể yên tâm về mổ lợn đón Tết. Một người đàn ông nhìn anh Sáng trêu đùa: Từng đó tiền đủ uống rượu rồi nhỉ? “Không, tiền này chỉ uống rượu 1 chút thôi, còn lại phải để dành chứ”, anh Sáng nói.
Khác với nụ cười mãn nguyện của anh Thào Seo Sáng, chúng tôi bắt gặp nơi cuối chợ hình ảnh môt người đàn ông với gương mặt buồn buồn, ngồi xo ro thu mình trong chiếc áo bông cũ đã sờn, với rổ hồng dại trước mặt. Tôi hỏi chuyện, anh đáp lại bằng tiếng kinh chưa sõi. Người bán hàng bên cạnh “phiên dịch”, rằng đây là hồng nhà anh trông trên núi, giống hồng cũ, ăn nhạt và nhũn, nhưng giá rất rẻ: 10 nghìn đồng/kg. “Ông ấy nghèo lắm, hồng lại không ngon nên ngồi từ sáng đến giờ không ai mua cả”, chị bán hàng bên cạnh lên tiếng. Tôi ái ngại bảo người đàn ông sẽ mua tất cả chỗ hồng đó- chừng 7-8kg với giá 100.000 đồng.
Trời đã trưa, chợ đã vãn người, nhiều người bán hàng ở xa lục tục kéo nhau ra về. Chợ trâu, ngựa cũng giải tán. Một vài người dắt trâu trở về nhà. Họ vừa trải qua một phiên chợ không may, chưa bán được trâu nào. Điều này đồng nghĩa ngày mai, ngày kia, họ lại phải dắt trâu quay lại chợ để tiếp tục rao bán...
Chợ Bắc Hà nổi tiếng là chợ lớn của vùng núi rừng Tây Bắc, tập trung nhiều sản vật núi rừng. Nơi đây cũng là điểm gặp gỡ, giao lưu của đồng bào các dân tộc miền núi HMông, Dao, Thái, Tày, Nùng… Ở chợ này, du khách có thể tìm mua được bất cứ thứ gì, từ nồi niêu, cuốc xẻng, vải vóc, thảo dược, thuốc quý, hay thậm chí cả trâu bò, lợn gà,... rất dễ tìm, bởi mỗi khu được phân chia riêng biệt, tiện cho việc tìm kiếm.