Triển vọng thoát nghèo nhờ trồng rau sạch ở Bắc Hà

Thứ Hai, 04/01/2016, 21:00
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tìm hướng thoát nghèo, làm giàu chính đáng, bà con nông dân tại một số xã của huyện Bắc Hà (Lào Cai) đang áp dụng thí điểm xây dựng các mô hình và ứng dụng các công nghệ cao để sản xuất rau sạch ở địa phương. Việc làm này đã tạo điều kiện cho bà con tiếp cận gần hơn với những ứng dụng kĩ thuật cao trong sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác.

Được biết, từ nhiều năm nay, nghề trồng rau ở huyện vùng cao Bắc Hà đang phát triển khá mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt là các xã thuộc khu vực trung tâm của thị trấn. Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các xã của huyện đang được tiếp tục duy trì, nhất là việc nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân. Hiện các xã đang tập trung vào việc xây dựng các mô hình rau sạch, điều này sẽ tạo điều kiện thoát nghèo và làm giàu vững bền cho địa phương. 

Người đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau sạch là ông Vàng Văn Khương, ở thôn Na Thá. Khi được chúng tôi hỏi chuyện, ông Khương chia sẻ: "Bản thân tôi là cán bộ của xã nên cần phải "miệng nói tay làm" thì mới hiệu quả. Mình có nỗ lực thì bà con nhân dân họ mới làm theo".

Theo ông Khương, từ tháng 4-2015, sau khi bàn bạc với gia đình, ông đã mạnh dạn đầu tư gần 600 triệu đồng để xây dựng mô hình nhà lưới trồng rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.020m2. Đây cũng là mô hình "điểm" đầu tiên của huyện Bắc Hà trong việc sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn vietgap. Khi thực hiện mô hình mới này, gia đình ông Khương cũng gặp phải không ít những khó khăn, nhất là kinh nghiệm sản xuất. Ông vừa làm, vừa tìm tòi, học hỏi từ thực tế. Bởi các quy trình thực hiện theo tiêu chuẩn kĩ thuật cao cũng đòi hỏi nhiều khắt khe so với trồng rau bên ngoài. 

Cán bộ huyện Bắc Hà (Lào Cai) tham quan mô hình sản xuất rau sạch của gia đình ông Vàng Văn Khương.

Cũng theo ông Khương, hiện nay diện tích đất nông nghiệp của xã ít nên việc ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp được xem là giải pháp quan trọng và cần thiết đối với xã Tà Chải, nhất là công cuộc thoát nghèo ở địa phương. Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, ở mỗi một thời điểm, xã đều chú trọng triển khai sâu rộng các phong trào thi đua "phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững trong nhân dân", đồng thời phát huy sự chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Hiện các mô hình trồng rau sạch luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan chức năng, nhất là tỉnh và huyện. Giờ đây bà con đã được hỗ trợ giống và hướng dẫn kĩ thuật canh tác. Nhờ tuân thủ đúng các quy trình kĩ thuật, từ khâu chọn giống, sử lý đất đai, đến chăm sóc, thu hoạch sản phẩm nên kết quả bước đầu mang lại khả quan.

Ông Khương cho biết thêm: "Rau của gia đình trồng trong nhà lưới nên xanh non hơn so với môi trường ở bên ngoài, tuổi thọ của rau cũng dài hơn. Ngoài ra nó còn cho thu nhập cao hơn 3 đến 4 lần so với trồng rau bên ngoài, tuy nhiên cũng cần phải tuân thủ các quy trình kĩ thuật khá ngặt nghèo, từ sử lý đất, đến chọn giống, lên luống, hệ thống phun nước tự động…".

Mô hình trồng rau của ông Khương sẽ là triển vọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thành công bước đầu trong việc trồng rau ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Khương cũng là cơ sở để cấp ủy, chính quyền xã Tà Chải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chú trọng ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất, nhân rộng mô hình theo hướng hiệu quả thì sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nhân dân. Nếu bà con nhân dân ở trong huyện mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình sản xuất trồng rau sạch thì nó sẽ là một bước tiến mới cho địa phương.

Ông Khương cho rằng, đây là cơ hội lớn, song nó cũng đặt ra rất nhiều khó khăn và thách thức. Đa phần là các hộ gia đình chưa có vốn để đầu tư ban đầu, người dân chưa quen với việc tiếp cận các ứng dụng kĩ thuật cao trong sản xuất nông nghiệp. Muốn làm được điều này phải  từng bước thay đổi tư duy và tập quán canh tác lạc hậu, nhất là đồng bào dân tộc.

Rời xã Tà Chải, chúng tôi lại đến thăm các mô hình trồng rau sạch, ứng dụng công nghệ cao của xã Na Hối. Tiếp đón chúng tôi, ông Phạm Văn Điều - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã bộc bạch: "Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Na Hối đang hình thành rõ nét các vùng sản xuất, chuyên canh rau màu theo hướng hàng hóa mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nhân dân. Tuy nhiên, việc ứng dụng các biện pháp kĩ thật cao trong canh tác còn nhiều hạn chế, đầu ra cho sản phẩm chưa "ổn định" nên cũng gặp nhiều khó khăn đối với bà con".

 Năm 2015, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản xuất rau bản địa, xã Na Hối tiếp tục vận động nhân dân trồng 18ha rau màu vụ đông, tập trung tại các thôn giàu tiềm năng và có nhiều kinh nghiệm canh tác như thôn K3, Dì Thàng. Những năm qua, hợp tác xã rau Dì Thàng là địa chỉ quen thuộc, thu mua, tiêu thụ rau cho bà con nhân dân. Vừa qua, HTX đã đầu tư triển khai xây dựng 2 mô hình nhà lưới sản xuất rau sạch, ứng dụng công nghệ cao với quy mô là hơn 1.000m2.

Bà Vũ Minh Đông - Chủ nhiệm hợp tác xã Na Hối cho biết: "Việc xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao sẽ mang lại nhiều thuận lợi, nhất là trong việc tiêu thụ sản phẩm rau của huyện Bắc Hà ra các thị trường khó tính như Hà Nội. Hiện nay, chúng tôi cũng đặt nhiều kì vọng, nhất là các mô hình sản xuất rau sạch đang đi vào hoạt động ổn định. Việc áp dụng mô hình này sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm rau an toàn, chất lượng, hướng tới nhiều thị trường, đáp ứng được nhu cầu của hợp tác xã về nguồn cung cấp rau ổn định, lâu dài".

Rau sạch ở Tà Chải sẽ là hướng đi thoát nghèo cho bà con nơi đây.

Bà Vũ Minh Đông - Chủ nhiệm hợp tác xã Na Hối cho biết: "Việc xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao sẽ mang lại nhiều thuận lợi, nhất là trong việc tiêu thụ sản phẩm rau của huyện Bắc Hà ra các thị trường khó tính như Hà Nội. Hiện nay, chúng tôi cũng đặt nhiều kì vọng, nhất là các mô hình sản xuất rau sạch đang đi vào hoạt động ổn định. Việc áp dụng mô hình này sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm rau an toàn, chất lượng, hướng tới nhiều thị trường, đáp ứng được nhu cầu của hợp tác xã về nguồn cung cấp rau ổn định, lâu dài".

Theo bà Đông, tuy các mô hình mới được áp dụng nhưng nó sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với bà con nhân dân trong xã. Mô hình này sẽ đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của các hội viên HTX. Đối với bà con, mô hình sản xuất rau sạch của HTX sẽ là một hướng đi thoát nghèo vững bền cho địa phương. Đồng thời nó cũng sẽ củng cố thêm niềm tin cho người tiêu dùng, tạo điều kiện cho rau sạch của HTX Dì Thàng tìm được chỗ đứng trên thị trường. Quan trọng hơn cả là từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho các hộ gia đình.

Mô hình nhà lưới để trồng rau sạch ở huyện Bắc Hà.

Việc ứng dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới, vừa tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, vừa cho rau sạch, an toàn, sẽ là hướng đi tốt nhất để khẳng định thương hiệu rau sạch Bắc Hà, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con. Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai dự án cũng gặp phải không ít khó khăn, bởi các hộ gia đình vẫn chưa có đủ vốn và chưa thực sự "tâm huyết".

Việc chú trọng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được xem là giải pháp quan trọng nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, điều này sẽ tạo điều kiện cho huyện vùng cao Bắc Hà mở ra nhiều triển vọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thông qua các mô hình này, nó cũng sẽ giúp cho bà con nhân dân tiếp cận gần hơn với các ứng dụng kĩ thuật cao trong sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu và nâng cao hiệu quả kinh tế trên địa phương.

Minh Phượng
.
.
.