Cú hích với boxing Việt Nam

Thứ Năm, 28/10/2021, 09:31

Cái tên Nguyễn Thị Thu Nhi đã đi vào lịch sử boxing Việt Nam khi cô gái người An Giang này đã trở thành võ sĩ đầu tiên của Việt Nam giành ngôi vô địch thế giới một hạng cân thuộc hệ thống thi đấu boxing chuyên nghiệp thế giới.

Điều này được xem sẽ là cú hích để boxing bán chuyên nghiệp hoặc chuyên nghiệp phát triển hơn ở Việt Nam đồng thời có thể mang thêm huy chương cho thể thao Việt Nam ở các Đại hội thể thao tại Đông Nam Á cũng như châu Á.

Dấu mốc lịch sử

Cách đây gần chục năm, sân chơi boxing (hay còn gọi là quyền Anh) chuyên nghiệp còn lạ lẫm với làng boxing Việt Nam. Lúc ấy, WBO (tạm dịch: Tổ chức quyền Anh thế giới), WBA (Hiệp hội quyền Anh thế giới), WBC (Hội đồng quyền Anh thế giới), IBF (Liên đoàn quyền Anh quốc tế) - những tổ chức boxing nhà nghề trên quy mô toàn thế giới dù được biết đến nhiều ở Việt Nam nhưng các sân chơi của những tổ chức này lại chưa đến được với các võ sĩ Việt Nam.

Cú hích với boxing Việt Nam -0
Võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi mang về danh hiệu vô địch thế giới đầu tiên ở sân chơi chuyên nghiệp cho boxing Việt Nam.

Nhưng rồi sự xuất hiện của những đơn vị tổ chức boxing theo hướng chuyên nghiệp cùng những lò đào tạo VĐV boxing chuyên nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như sự vào cuộc của Liên đoàn quyền Anh Việt Nam  đã mang đến một hướng đi thành hình, rõ nét cho boxing Việt Nam.

Nhìn cung cách tổ chức tập luyện của các CLB này và sự tham gia liên tục của nhiều võ sĩ Việt Nam được các CLB trên đầu tư (trong đó có Trần Văn Thảo, Trương Đinh Hoàng…) dù là ở những sân chơi nhỏ trong hệ thống boxing chuyên nghiệp thế giới, cũng đủ thấy tiềm năng của boxing Việt Nam trong sân chơi nhà nghề. Đáng chú ý, lúc đó người ta cũng nhận thấy VĐV hoàn toàn có thể sống được bằng boxing chuyên nghiệp dù để đi theo con đường đó sẽ cần nhiều điều kiện, trong đó bảo đảm an toàn cho VĐV khi thi đấu vẫn cần được chú trọng hơn cả.

Trong sự xuất hiện của nhiều nhà tổ chức thi đấu boxing chuyên nghiệp tại Việt Nam cũng như nhu cầu tìm những VĐV có thể so tài ở sân chơi chuyên nghiệp, cô gái người An Giang Nguyễn Thị Thu Nhi đã được CLB Cocky Buffalo mời về tập luyện. Cũng từ môi trường tập luyện tại Cocky Buffalo mà Nguyễn Thị Thu Nhi đã phát triển nhanh chóng, lộ rõ tiềm năng có thể phát triển ở sân chơi nhà nghề, nơi luôn đòi hỏi VĐV có sức mạnh, sức bền hơn hẳn so với khi thi đấu nghiệp dư.

Cô gái này liên tiếp lập các cột mốc trong gần 2 năm qua. Đầu tiên là giành chiếc đai vô địch hạng siêu nhẹ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WBO vào tháng 2 – 2020 khi chiến thắng đối thủ người Thái Lan Kanyarat Yoohanngoh.

Và đến cuối tuần qua, trong vai người thách đấu võ sĩ đang giữ đai vô địch thế giới hạng siêu nhẹ nữ của WBO Etsuko Tada (Nhật Bản), Nguyễn Thị Thu Nhi giành chiến thắng bằng tính điểm sau 10 hiệp, trở thành võ sĩ Việt Nam đầu tiên đoạt chức vô địch thế giới của boxing chuyên nghiệp thế giới.

Đó thực sự là niềm tự hào của thể thao Việt Nam nói chung, boxing Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, sau khoảng 20 năm gây dựng, rõ ràng boxing nữ Việt Nam đã có bước tiến dài cả ở sân chơi nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp. Và bây giờ là ngôi vô địch ở một hạng cân nữ tại một tổ chức boxing nhà nghề thế giới.

Thực tế, hạng cân nào trong làng boxing nhà nghề thế giới cũng có cái khó và khốc liệt riêng nên ngôi vô địch của Thu Nhi càng đáng trân trọng. Về lâu dài, việc khẳng định trình độ ở hạng siêu nhẹ ở cả 4 tổ chức boxing chuyên nghiệp thế giới đương nhiên là đích đến của Thu Nhi cũng như các nhà tổ chức thi đấu đang đồng hành cùng cô gái này. Nhưng lúc này, rõ ràng có thể khẳng định về sự đúng đắn về định hướng phát triển boxing nữ tại Việt Nam lâu nay.

Còn có thể phát triển hơn

Thành công của Nguyễn Thị Thu Nhi tiếp tục cho thấy bước phát triển rõ rệt của boxing nhà nghề tại Việt Nam trong những năm gần đây trong đó có dấu ấn của các câu lạc bộ tư nhân với việc tìm kiếm hàng loạt võ sĩ tài năng để tổ chức tập luyện và thi đấu ở những sân chơi quốc tế. Tất nhiên, đây là cuộc đầu tư bảo đảm cả hai bên – đơn vị tổ chức tập luyện, thi đấu cũng như VĐV, cùng có lợi.

 Như trong trường hợp của Nguyễn Thị Thu Nhi, sau khi không thể thi đấu với võ sĩ Nhật Bản Etsuko Tada ngay trong tháng 2/2021 tại Quảng Ngãi vì dịch COVID-19 rồi sau đó chỉ tập luyện trong thời gian dài vì giãn cách xã hội, cô đã được câu lạc bộ Cocky Buffalo đưa đi tập huấn tại Uzbekistan trong gần 2 tháng. Kết thúc quá trình tập huấn, cô di chuyển thẳng đến Hàn Quốc để thi đấu tranh đai vô địch WBO với Etsuko Tada. Và rõ ràng, nhờ chuyến tập huấn này nên Thu Nhi mới đạt đến phong độ tốt nhất trong cuộc đối đầu với Etsuko Tada như chính cô xác nhận sau trận đấu này.

Ngoài trường hợp của Thu Nhi cũng có thể kể đến trường hợp của võ sĩ Nguyễn Văn Đương, người vừa tranh tài ở Olympic Tokyo 2020 và gây ấn tượng bằng 1 trận thắng. Chính Nguyễn Văn Đương cũng phát triển nhanh hơn từ khi tập luyện tại VSP, một CLB boxing phát triển theo hướng chuyên nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.

Và về lâu dài, việc tập luyện ở các CLB chuyên nghiệp cũng sẽ tốt cho các võ sĩ boxing Việt Nam ở các Đại hội thể thao quốc tế. Cả Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Thị Thu Nhi hay một số võ sĩ khác sẽ tiếp tục là nòng cốt cho boxing Việt Nam tại các đại hội này. Tất nhiên, họ sẽ phải có sự điều chỉnh để thích ứng với các trận đấu chuyên nghiệp và nghiệp dư, điểm khác so với nhiều võ sĩ boxing khác trên thế giới khi đã bước sang thi đấu chuyên nghiệp thì sẽ không còn thi đấu ở sân chơi nghiệp dư.

Vấn đề ở đây vẫn là sự định hướng để boxing chuyên nghiệp phát triển hiệu quả hơn. Phụ trách bộ môn boxing (Tổng cục TDTT), Tổng thư ký Liên đoàn boxing Việt Nam – ông Vũ Đức Thịnh từng chia sẻ rằng Liên đoàn sẽ chọn một trong số những đơn vị tổ chức có năng lực, tiếp xúc với những tổ chức boxing quốc tế để tổ chức các sự kiện chuyên nghiệp về Việt Nam, giúp các võ sĩ Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia sân chơi này.

Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Vinh – Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) cũng nhận định, nguồn VĐV ở Việt Nam có thể tham gia sân chơi chuyên nghiệp là khá nhiều và boxing chuyên nghiệp còn có thể phát triển hơn ở Việt Nam trong đó trường hợp vô địch của Thu Nhi là tín hiệu tốt.

Về phía đơn vị quản lý nhà nước cũng tạo điều kiện để các đơn vị tổ chức thi đấu boxing chuyên nghiệp tiếp cận, đào tạo VĐV từ nhiều nguồn để mục đích cuối là góp phần nhanh chóng nâng trình độ cho VĐV Việt Nam, đóng góp vào thành công chung của boxing Việt Nam ở các Đại hội thể thao cũng như các sự kiện quốc tế khác.

Minh Hà
.
.
.