Boxing -  Không thể đi chậm

Chủ Nhật, 12/09/2021, 10:29

Hết thời gian cách ly y tế từ khi trở về Việt Nam sau khi tham dự Olympic Tokyo 2020, các võ sĩ boxing đã trở lại nhịp điệu tập luyện bình thường để hướng tới những mục tiêu như SEA Games 31 tại Việt Nam, ASIAD năm 2022 tại Hàng Châu (Trung Quốc) và xa hơn là Olympic 2024. Dù vậy, những khó khăn từ dịch COVID-19 sẽ khiến các nhà quản lý phải nỗ lực gấp bội đi cùng những giải pháp đột phá để tận dụng thời cơ khi đang sở hữu dàn VĐV có chất lượng cao như hiện nay.

Tiếp thêm động lực

Có đủ thời gian để chiêm nghiệm về hành trình của các VĐV boxing Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020, HLV Nguyễn Như Cường bảo rằng, thực sự tự hào với màn trình diễn của Nguyễn Văn Đương hay Nguyễn Thị Tâm – những võ sĩ Việt Nam góp mặt tại sân chơi thể thao danh giá này. Theo ông, không thể đòi hỏi hơn ở các võ sĩ Việt Nam trong điều kiện chỉ tập huấn trong nước trong gần 1 năm rưỡi, cũng không có điều kiện so găng với các võ sĩ nước ngoài.

Tuy nhiên, từ trước Olympic Tokyo 2020, lãnh đội và các HLV, VĐV đội tuyển boxing Việt Nam vẫn nhắc nhau, trong lần đầu trở lại sân chơi này sau hàng chục năm, vẫn cần đến màn thể hiện chấp nhận được. Điều đó không chỉ chứng tỏ sự phát triển của boxing Việt Nam, mà còn tạo động lực cho boxing trong nước cũng như làm bàn đạp cho những lần tham dự Olympic sau (tất nhiên là trong trường hợp giành vé trực tiếp tham dự).

Boxing -  Không thể đi chậm -0
Tay đấm Nguyễn Văn Đương (phải) có màn trình diễn ấn tượng tại Olympic Tokyo 2020.

Và màn trình diễn của các võ sĩ Việt Nam đã đáp ứng kỳ vọng. Nguyễn Văn Đương thắng 1 trận trước khi thua trận trước võ sĩ người Mông Cổ dạn dày kinh nghiệm hơn. Còn Nguyễn Thị Tâm không vượt qua vòng đấu loại đầu tiên nhưng việc thua sát nút 2-3 trước tay đấm người Bulgaria, người sau này lên ngôi vô địch hạng 51kg nữ, là điều đáng kể. “Thua 2-3 trong thi đấu quyền Anh là đủ thấy khoảng cách giữa hai bên thực sự mong manh. Vấn đề của Nguyễn Thị Tâm nằm ở kinh nghiệm trận mạc đỉnh cao khi mất một thời gian dài không thi đấu quốc tế.” – ông Nguyễn Như Cường kể.

Trong khi đó, chính Nguyễn Văn Đương cũng nhìn nhận, hai trận đấu của anh trên đất Nhật Bản đã mang lại những trải nghiệm và bài học quý giá cho anh. Nguyễn Văn Đương vốn được xem là võ sĩ nhanh nhẹn nhưng như chính anh thừa nhận, các võ sĩ cùng hạng cân có bộ chân rất nhanh, thể lực tốt và khi ra đòn hoặc phản đòn đều có lực mạnh. Đấy lại là những thiếu sót của anh ở một sân chơi đẳng cấp như Olympic. Điều đó buộc anh phải nỗ lực gấp bội trong thời gian tới dù màn trình diễn của anh tại Olympic đã được giới chuyên môn trong nước đánh giá tốt.

Qua đó để thấy câu chuyện “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mang đến nhiều giá trị như thế nào cho hai võ sĩ trọng điểm trong làng boxing Việt Nam và cũng là câu chuyện của boxing Việt Nam.

Như chính ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) cũng từng tập và huấn luyện boxing, nhận định thì boxing Việt Nam đã có lần trở lại khá ấn tượng tại đấu trường Olympic.

Về khía cạnh nào đó, rõ ràng boxing Việt Nam đang sở hữu những con người có khả năng thi thố sòng phẳng ở đấu trường này và tự tin khi bước ra những sân chơi quốc tế khác. Có lẽ, đó cũng là giá trị khác mà sân chơi Olympic Tokyo 2020 mang lại cho boxing Việt Nam. Nhưng chính ông Hoàng Quốc Vinh cũng cho rằng, cần xem đây chỉ là bước khởi đầu và boxing Việt Nam cần có những bước tiến mạnh mẽ hơn.

Không thể dừng lại

Những ngày này, Nguyễn Thị Tâm hay Nguyễn Văn Đương đều đã tập luyện trở lại cùng các đồng đội ở đội tuyển quốc gia. Với đẳng cấp của cả hai, họ sẽ không gặp khó khăn để thống trị sân chơi trong nước. Nhưng mục tiêu của boxing là những sân chơi quốc tế, nơi các võ sĩ được kỳ vọng sẽ giành huy chương như SEA Games và phần nào là ASIAD, cũng như giành nhiều vé trực tiếp dự Olympic. Khát vọng, ý chí, quyết tâm thì VĐV Việt Nam có thừa.

Dù vậy, đấy mới là điều kiện cần còn điều kiện đủ vẫn là phải có nhiều cuộc cọ xát thông qua tập huấn, thi đấu quốc tế nhằm nâng cấp bản thân. Ông Nguyễn Như Cường bảo rằng, mang lên bàn cân về trình độ các võ sĩ cùng hạng 51kg với Nguyễn Thị Tâm tại Olympic Tokyo 2020 võ sĩ Việt Nam không lép vế. Nhưng rõ ràng, cuộc sống vận động liên tục. Nếu dừng lại đã là đi tụt lùi, còn đi chậm thì sẽ sớm bị người khác vượt lên. Cho nên cần một chiến lược đầu tư dài hạn cho những võ sĩ trọng điểm như Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Thị Tâm… cùng những võ sĩ tiềm năng khác để họ có thể thực hiện được những mục tiêu tại sân chơi SEA Games 31 năm 2022, ASIAD 2022 và xa hơn là vòng loại Olympic 2024.

Sau Olympic Tokyo 2020, Nguyễn Văn Đương cũng từng chia sẻ là tốt nhất được tham dự những chuyến tập huấn và thi đấu ở nước ngoài để tăng cường tâm lý, bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu và chuyên môn. Ngoài ra, việc được tập huấn với các chuyên gia ngoại cũng mang đến nhiều kinh nghiệm cho VĐV. Rõ nhất là các võ sĩ trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines đều đã nâng tầm thế giới nhờ có chuyên gia cộng với việc được thi đấu quốc tế liên tục.

Nói thêm về việc này, ông Nguyễn Như Cường từng nhận định, với mối quan hệ tốt hiện nay tại Thái Lan, những nhà quản lý hoàn toàn có cơ hội đưa VĐV trong đó có Nguyễn Thị Tâm tập huấn dài hạn tại đây. Ở Thái Lan có nhiều võ sĩ hàng đầu châu Á và thế giới, nên việc tập huấn cùng những võ sĩ này sẽ giúp võ sĩ Việt Nam nâng cấp trình độ đồng thời đủ kinh nghiệm để xử lý tình huống tại các sân chơi quốc tế. Bên cạnh đó, để đầu tư dài hạn cũng cần đến chế độ dinh dưỡng, chế độ thuốc dinh dưỡng ổn định để duy trì tuổi thọ nghề VĐV cũng như thúc đẩy đam mê tập luyện cho VĐV.

Về chuyện này, những nhà quản lý của Tổng cục TDTT hay Liên đoàn Boxing Việt Nam cũng biết và muốn thực hiện. Như ông Vũ Đức Thịnh, phụ trách bộ môn boxing (Tổng cục TDTT), Tổng thư ký Liên đoàn Boxing Việt Nam từng đề cập thì do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên đành gác lại phương án đưa các VĐV đi tập huấn nước ngoài. Theo ông Vũ Đức Thịnh, Philippines và Thái Lan là địa điểm tập huấn phù hợp với nguồn kinh phí của ngành Thể thao và boxing Việt Nam.

Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và việc di chuyển đi quốc tế thuận tiện, chắc chắn đội boxing Việt Nam sẽ thực hiện chương trình tập huấn tại nước ngoài. Dù vậy, nguồn kinh phí để tập huấn trong bao lâu, cho bao nhiêu VĐV cũng là vấn đề mà phía nhà quản lý phải tính toán kỹ. Dù sao, kinh phí từ phía bộ môn boxing (Tổng cục TDTT) không thể cáng đáng được những chuyến tập huấn dài hạn cho cùng lúc vài ba VĐV. Vì thế phải có sự góp sức từ nhiều nguồn.

Đúng là dịch COVID-19 và những vấn đề về nguồn kinh phí, sự xã hội hóa còn hạn chế đang khiến việc nâng tầm cho các võ sĩ boxing hàng đầu Việt Nam chưa thể thực hiện được ngay. Vấn đề vẫn là sự quyết liệt vào cuộc để thực hiện chiến lược phát triển cho VĐV nhằm phục vụ cho các mục tiêu quốc tế. Đầu tư cầm chừng hoặc thậm chí ở mức cao hơn nhưng không đến nơi đến chốn cũng sẽ chỉ mang lại những nuối tiếc.

Có điều kiện thì nên đi ngay

Theo giới chuyên môn, câu chuyện đi tập huấn dài hạn ở một nước khác trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay vẫn khả thi với boxing Việt Nam nếu quyết tâm thực hiện. Các VĐV trọng điểm đều đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 nên đây cũng là lý do để có thể thực hiện việc này. Quan trọng là có nguồn kinh phí để thực hiện. 

M.Khuê

 

Minh Hà
.
.
.