Cần “luồng xanh” cho du lịch

Thứ Bảy, 09/10/2021, 08:40

Mặc dù quyết tâm phục hồi du lịch trong bối cảnh “sống chung với COVID-19” nhưng đến nay, người làm quản lý tại nhiều địa phương, doanh nghiệp và cả tổ chức hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này cũng đang bối rối.

Trong buổi toạ đàm với hàng trăm đại diện quản lý du lịch địa phương, doanh nghiệp du lịch, lữ hành về du lịch an toàn do Hội Lữ hành Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Câu lạc bộ Du lịch bền vững Vgreen tổ chức ngày 8/10, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội khẳng định: Khôi phục du lịch trong bối cảnh “sống chung với COVID-19”, làm du lịch khi có thể đâu đó vẫn sẽ xuất hiện một số F0. Tức là du lịch phải đảm bảo 5 nội dung an toàn: Thị trường an toàn, tuyến điểm an toàn, chuỗi dịch vụ an toàn, tổ chức và điều hành an toàn, kiểm soát tour an toàn. Người làm du lịch nhận định tình hình dịch bệnh tại các địa phương, vùng, miền theo giai đoạn để thích ứng, đưa ra giải pháp thích hợp theo từng thời điểm một.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm mà phải đảm bảo du lịch an toàn và bền vững. Bởi lẽ, sau các đợt dịch COVID-19 bùng phát, đến nay, doanh nghiệp đã rất mệt mỏi. Nhiều doanh nghiệp đang rất cân nhắc việc đóng hay mở cửa hoạt động trở lại lúc này. Vì nếu mở ra rồi tiếp tục đóng lại thêm lần nữa, nhiều doanh nghiệp còn lại cũng sẽ càng khó khăn hơn. Trong khi đó, khôi phục du lịch an toàn, bền vững lại phụ thuộc vào rất nhiều yêu tố, điều kiện xung quanh, từ các cơ quan địa phương, trung ương và các doanh nghiệp. Hiện nay, bộ tiêu chí về du lịch an toàn đã có khung chung nhưng để đi vào cuộc sống, các địa phương thì còn có nhiều khoảng trống.

Luong_xanh_du_lich_1-1633742134114.jpg
Khu vực miền núi phía Bắc được dự đoán hút khách trong cuối năm nay.

Cũng theo ông Thắng, việc khôi phục du lịch lúc này cũng cần có bước đi phù hợp, trước mắt là phát triển du lịch nội miền, tuỳ tình hình dịch thì phát triển liên kết các miền với nhau. Nhưng dù phát triển du lịch nội miền thì vẫn phải phải xác định tuyến, điểm du lịch an toàn và cần kết nối đồng bộ, an toàn, dễ dàng cho khách và doanh nghiệp có thể thực hiện được, dễ kiểm tra, kiểm soát. Du lịch cũng cần các “luồng xanh” để khôi phục lại hoạt động lúc này…

Thực tế, đến thời điểm hiện tại, khá nhiều địa phương đã dần khôi phục hoạt động du lịch, cho đón khách trở lại như Thanh Hoá, Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Ninh… Tại TP Hồ Chí Minh, ngay trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất vẫn tổ chức thành công một số tour đặc biệt đến Cần Giờ để tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch. Bắc Giang cũng đã có văn bản chính thức đón khách từ ngày 4/10, không phân biệt khách trong tỉnh hay ngoại tỉnh, miễn là khách đến từ vùng xanh, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, test PCR cho kết quả âm tính.

Tuy nhiên, đến địa phương nào thì phải tra bản đồ dịch tễ của địa phương đấy. Khi doanh nghiệp so sánh bản đồ dịch tễ thì phát hiện tiêu chí vùng xanh trên bản đồ dịch tễ của các địa phương không hẳn giống nhau. Hiện tại, bản đồ dịch tễ của Bắc Giang cho thấy, Hà Nội vẫn thuộc vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng. Trong khi đó, theo bản đồ dịch tễ của Hà Nội thì Thủ đô đã có rất nhiều vùng xanh…

Đại diện Travelogy Việt Nam tại Hà Nội, ông Vũ Văn Tuyên cũng nhận định, khảo sát của Travelogy gần đây cho thấy, sau 3 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, nhu cầu của khách du lịch rất khác. Trong đó, tỷ lệ khách du lịch để chữa lành tâm lý do gia đình, công việc… cao hơn và khách có xu hướng tự đi du lịch, tự trải nghiệm, thường chọn các vùng núi, gần thiên nhiên hơn. Đây là lợi thế cho du lịch các vùng Tây Bắc và Đông Bắc trong cuối năm nay. Hơn nữa, đây là khu vực đã khống chế dịch bệnh rất tốt. Tuy nhiên, muốn xây dựng các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp thì phải có sự trao đổi 2 chiều, từ nhà cung cấp dịch vụ đến doanh nghiệp du lịch…

Đồng quan điểm nói trên nhưng ông Hồ Văn Phú, Giám đốc chi nhánh Hà Nội Tourisrt tại TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, các đơn vị du lịch ở miền Nam rất cần có thông tin chính thống và cụ thể thì mới có thể triển khai tour, sản phẩm cung cấp cho khách. Nhưng hiện nay, do dịch bệnh nên kết nối 2 miền đứt đoạn. Nhiều đối tác tin cậy trước đây đã dừng hoạt động. Hiện tại, doanh nghiệp không nắm được sản phẩm nào đang triển khai, địa phương nào thì đưa khách đến được, cơ sở nào cung cấp dịch vụ an toàn, đủ điều kiện hoạt động.

Các tour đi Đông Bắc, Tây Bắc có thể rất được ưa chuộng trong dịp cuối năm nay nhưng doanh nghiệp phía Nam cũng không dám triển khai nếu không rõ dọc đường đi có thuận lợi hay không? Ví dụ, Hà Giang hiện nay đã đón khách nhưng muốn đến Hà Giang thì phải qua Tuyên Quang. Giả sử thời điểm đoàn đến Tuyên Quang nhưng tỉnh không cho qua với lý do đang có dịch, đoàn phải quay lại thì thiệt hại lớn.

Cũng theo ông Phú, một lý do khác nữa khiến doanh nghiệp lo ngại khi tái khởi động du lịch trở lại là yêu cầu test PCR. Quy định hiện hành, test PCR chỉ có giá trị trong 72 tiếng. Tiến hành test phải mất 1 ngày. Như vậy, doanh nghiệp và khách chỉ còn 2 ngày để sử dụng kết quả này. Nếu thời gian đi du lịch dài hơn thì liệu khách có phải test lại không? Nếu test lại thì rất tốn kém. Test 1 lần, giá tour đã đội lên cao hơn so với trước. Chưa kể, các tiêu chí quy định khi nào xét nghiệm PCR, khi nào xét nghiệm bổ sung, khi nào không xét nghiệm chưa rõ, chưa thống nhất như hiện nay thì rất khó cho cả doanh nghiệp lẫn du khách.

Đại diện của SK Travel cũng cho biết, đơn vị sẽ không dám khởi động nếu chưa có được các văn bản rõ ràng về điều kiện an toàn, chưa thống nhất có thẻ xanh hay cơ sở lưu trú, điểm đến, các dịch vụ du lịch khác đã sẵn sàng an toàn để đón khách hay chưa…

Các băn khoăn nói trên cũng là lo lắng chung và là lý do khiến nhiều doanh nghiệp còn rụt rè khôi phục hoạt động hiện nay. Theo ghi nhận của chúng tôi, các doanh nghiệp đều có chung mong muốn, các địa phương, vùng miền cung cấp rõ các tiêu chí, điểm đến, dịch vụ an toàn và phải được khảo sát kỹ, yên tâm về dịch vụ, điểm đến, lộ trình… Sau đó, doanh nghiệp mới mạnh dạn triển khai các tour, sản phẩm du lịch an toàn để giới thiệu cho khách hàng nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro cho cả khách và doanh nghiệp.

Về vấn đề này, sắp tới, đại diện Hiệp hội Du lịch Hà Nội, ông Phùng Quang Thắng cho biết, Hiệp hội Du lịch Hà Nội và Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tích cực kết nối, tiếp nhận các văn bản, cập nhật bản đồ dịch tễ, thông tin đến các hội viên, đồng thời tổ chức các đoàn khảo sát đến một số địa phương. Tuy nhiên, để khôi phục du lịch, hướng tới phục hồi du lịch an toàn, bền vững thì vẫn là cả câu chuyện dài, còn nhiều vấn đề phải bàn tiếp…

Ngọc Nguyễn
.
.
.