Báo CAND: Nơi gửi gắm nỗi niềm của văn nghệ sĩ

Thứ Hai, 01/11/2021, 09:20

Báo CAND và các ấn phẩm chuyên đề của báo từ lâu đã là một ngôi nhà chung của các văn nghệ sĩ trong và ngoài lực lượng CAND. Tại đó, trên những trang báo, những truyện ngắn, những bài thơ, những trang viết đầy tính nhân văn giúp các văn nghệ sĩ trao gửi nỗi niềm riêng, chung với độc giả. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng các nhà văn, nhà thơ, những người đã có nhiều năm tháng gắn bó với các ấn phẩm Báo CAND.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Báo CAND đã đồng hành cùng những biến thiên của đời sống

số 1/11-Báo CAND: Nơi gửi gắm nỗi niềm của văn nghệ sĩ -0

Chiều dài lịch sử 75 năm của Báo CAND, tôi cho rằng, đó là lịch sử của sự phát triển liền mạch và rất đa dạng. Tôi cộng tác với Báo CAND từ khi còn là tờ báo nội bộ. Cho dù nhiều người luôn nghĩ rằng, ở một tờ báo ngành thì sẽ chỉ nói về công việc rất đặc trưng của lực lượng CAND như là chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng khi đọc kỹ tờ Báo CAND thì tôi nhận ra rằng, trong suốt một quá trình dài đó, chủ nghĩa nhân văn thắm đậm trong các hành động của lực lượng CAND và việc của các nhà văn, nhà báo là phát hiện và viết ra những điều ấy.

Báo CAND song hành với lịch sử dân tộc, và bản thân tôi, từ khi cộng tác cho đến bây giờ nhận thấy Báo CAND mặc dù đã trải qua bao nhiêu giai đoạn thăng trầm cùng lịch sử nhưng vẫn phát triển đa dạng, phong phú và làm sáng tỏ rất nhiều vấn đề thông qua những tác phẩm báo chí.

Có lẽ có người sẽ cho rằng, Báo CAND khó có thể đăng tải hay có sức hút từ những vấn đề của văn chương, hay sẻ chia được nỗi giày vò của con người với đủ những khát vọng, những thiệt thòi, những bất công trong xã hội, nhưng thực tế, Báo CAND và các ấn phẩm chuyên đề của Báo rất giỏi làm những điều đó, viết lên được tất cả những thứ mà xã hội đang cần, đang mong ngóng, điều này đã đạt được hiệu quả rất lớn và rất cần thiết đối với bạn đọc.

Điều tôi muốn nói ở đây không phải đưa ra những câu chuyện mang tính nghiệp vụ hay vụ án mà ở đây độc giả họ nhận thấy một điều rằng, hình ảnh của con người, hình ảnh của nhân tính, hình ảnh của con đường nhân văn đã hiện ra các công việc của người chiến sĩ Công an. Và thông qua các câu từ phân tích của các chuyên gia trên các ấn phẩm của Báo CAND, những câu chuyện tưởng rằng khô khan và kém lãng mạn thì nó lại hiện lên một cách cụ thể, đầy quyến rũ, đầy hấp dẫn.

Có dịp ra nước ngoài tôi thường kể cho bạn bè quốc tế nghe về nền báo chí cách mạng Việt Nam. Các nhà văn, nhà thơ quốc tế họ rất ngạc nhiên khi tôi lấy ví dụ cho họ biết rằng, ở Việt Nam có những tờ báo chuyên về chống tội phạm nhưng ở đó không chỉ là câu chuyện pháp luật, mà còn in thơ, văn của các nhà văn trong nước và thậm chí thơ dịch của các nhà thơ tên tuổi trên thế giới, ở đó cũng in những bài nghiên cứu về triết học, về mỹ học, về văn hóa, về tôn giáo và những vấn đề khác nữa. Bạn bè vô cùng ngạc nhiên vì ở nước họ không có tờ báo giống như thế này.

Tôi nói điều này để khẳng định Báo CAND mở ra tính đa dạng của một tờ báo và chiều sâu của lực lượng CAND. Tờ báo mở thêm ra một khía cạnh mới, không đơn thuần là một tờ báo của riêng lực lượng CAND nữa mà trở thành tiếng nói của đồng bào, nhân dân trong sự phát triển của dân tộc.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương: Với đội ngũ các nhà báo có bản lĩnh chính trị, giỏi nghề, Báo CAND đã có nhiều bài viết phản bác thông tin sai trái, thù địch

số 1/11-Báo CAND: Nơi gửi gắm nỗi niềm của văn nghệ sĩ -0

Theo tôi, Báo CAND là cơ quan báo chí với đội ngũ các nhà báo có bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, đã có những bài báo phản bác thông tin của các thế lực thù địch phản động, làm chủ trận địa tư tưởng. Ngoài ra, các chuyên đề của báo như: An ninh Thế giới, Văn nghệ Công an cũng đã quần tụ được nhiều thế hệ các nhà văn tên tuổi không chỉ các nhà văn trong lực lượng Công an mà các nhà văn trong cả nước, họ coi Báo CAND như một ngôi nhà chung, là mảnh đất phong phú để thể hiện các tác phẩm văn học, nghệ thuật để phản ánh những giá trị đời sống, giá trị tinh thần của con người.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Báo CAND cùng NXB CAND đã tổ chức cuộc thi Cây bút vàng, đó là mảnh đất màu mỡ để các nhà văn, nhà thơ trổ tài. Ngay những năm đầu tiên thì đã quy tụ được nhiều nhà văn tên tuổi, xuất sắc như: Nguyễn Quang Sáng, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Thu Huệ… tham gia sáng tác. Thông qua các sự vụ, sự việc, các câu chuyện xảy ra, thông qua hình tượng người chiến sĩ CAND, các tác phẩm đã tái hiện lại được hình ảnh người chiến sĩ CAND trong thời đại mới với sắc thái riêng biệt, không trộn lẫn. Tờ báo đã trở thành một diễn đàn cho các thế hệ người cầm bút.

Báo CAND không phải chỉ là nơi tường thuật lại một thông tin thông thường qua những bài báo hay ngay cả những phóng sự viết về vụ án thì ở đó, các vấn đề về tội phạm cũng được phân tích theo một cách riêng biệt. Góp phần ngăn chặn, cảnh báo con người bước vào thế giới của cái ác, đồng thời gieo vào con người những khát vọng làm người tử tế. Và đúng với tiêu chí “Nhân văn – Tin cậy – Kịp thời”, tôi tin chắc rằng, không chỉ 75 năm mà trên con đường tương lai phía trước, Báo CAND và các ấn phẩm cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng với nhân dân, với lực lượng CAND để góp phần đẩy lùi cái xấu, mang đến những điều tốt đẹp cho đất nước.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân: 75 năm xứng đáng là tờ báo của mọi nhà

Bước vào năm thứ 75, Báo CAND đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình tồn tại, phát triển đi lên của một tờ báo và có thể nói hiện nay là một trong những tờ nhật báo lớn của đất nước. Một tờ báo đã từ lâu chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc không chỉ trong lực lượng Công an mà còn của toàn xã hội, bởi vì những vấn đề thông tin sâu của các ấn phẩm Báo CAND đã bám chặt với đời sống của đất nước, của xã hội và phản ánh được tâm tư nguyện vọng không chỉ của các lực lượng CAND mà của nhiều tầng lớp xã hội trong thời gian qua.

Đặc biệt, khi đại dịch COVID - 19 gây nhiều thiệt hại và khó khăn tại nhiều quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam, Báo CAND cũng đã đồng hành trên tuyến đầu của đội quân xung kích báo chí cách mạng. Tôi đặc biệt vui và cảm thấy vững tâm hơn, khi mà trong thời điểm lịch sử ấy, người chiến sĩ CAND ở các cơ sở nói chung và trên toàn đất nước đã nêu gương sáng về tinh thần vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh và có rất nhiều tấm gương công tác, chiến đấu với một tinh thần quả cảm.

Tôi cũng cần nói thêm rằng không chỉ có đại dịch và bão lũ thiên tai mà còn ở các lĩnh vực chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, tội phạm hình sự… ngày càng tinh vi, phức tạp  thì cũng đã có nhiều chiến sĩ CAND hy sinh. Đây cũng là một thiệt thòi lớn nhưng cũng thể hiện tính kiên định bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ trật tự an toàn xã hội… Tất cả những gương sáng ấy, những tập thể và cá nhân ấy đã được Báo CAND phản ánh một cách kịp thời và sinh động.

Trong quá trình tồn tại nhiều thập kỷ, nhất là từ ngày Đổi mới, tờ Báo CAND cho ra đời khá nhiều ấn phẩm và cùng một lúc phải bảo đảm nội dung, hình thức… Các tờ báo vẫn duy trì, tồn tại và phát triển được mặc dù đội ngũ các cán bộ báo không phải là nhiều. Tôi cho rằng, để đạt được điều này cũng là một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của cán bộ, phóng viên, biên tập viên… của các thế hệ nối tiếp nhau ở Báo CAND.

Bên cạnh đó, Báo CAND đã làm tốt công tác thiện nguyện, góp phần nâng cao vị thế của tờ báo với tiêu chí “Nhân văn – Tin cậy – Kịp thời”. Là một độc giả thường xuyên của Báo CAND tôi tin rằng, trong thời gian tới, Báo CAND sẽ phát huy được truyền thống của Lực lượng CAND cũng như sẽ bám sát các hoạt động báo chí của cả nước để trở thành một tờ báo của mọi nhà như trong những năm qua…

Nhà thơ Vương Tâm: Niềm vui trên những nẻo đường tác nghiệp

số 1/11-Báo CAND: Nơi gửi gắm nỗi niềm của văn nghệ sĩ -0

Tôi là một cộng tác viên của Báo CAND đã hơn 20 năm. Bài đầu tiên tôi còn nhớ viết về văn hóa cổng làng mà cho đến nay, dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi. Bài báo đã phê phán những nơi bỏ tiền của xây những cổng làng quá lớn và thô kệch. Nhiều nơi đã phá đi cổng làng xưa cổ kính. Họ mở rộng đường đi lại cho các phương tiện giao thông lớn. Khi thiết kế cổng làng mới, không ít nơi đã xây cổng làng nhằm khuếch trương, khoe khoang sự giàu có chứ không gìn giữ nét văn hoa cổ phong của làng quê thân thuộc... Nhờ bài báo phổ cập ngày đó mà không ít thôn, xã đã xây cổng làng đẹp nhưng vẫn giữ được phong vị cổ kính và thuần Việt hơn.

Sau đó tôi viết thường xuyên cho các ấn phẩm như: Văn nghệ Công an, An ninh Thế giới và Cảnh sát toàn cầu. Khi tờ báo Văn nghệ Công an (còn là ấn phẩm tạp chí) mới ra đời, tôi là một trong những người cộng tác đầu tiên. Tôi là người viết chuyên sâu lĩnh vực văn hóa - văn nghệ và xã hội nên hay đi các địa phương lấy tài liệu và thâm nhập thực tế lấy cảm xúc cho bài viết. Với tôi, đó là những chuyến đi với những say mê khám phá tìm ra những đề tài mới lạ cho báo.

Tôi nhớ trong chuyến đi viết bài "Đột kích vào bản gái đẹp Chiềng Luông" (chuyên đề Cảnh sát toàn cầu) tôi đã bị tai nạn ngã xe máy trên đường trở về từ huyện Tân Sơn- Phú Thọ (xa Hà Nội hơn 100 km). Sau khi cấp cứu và chữa trị, chừng hai tuần sau tôi lại lên đường trở lại để chụp thêm một số ảnh bổ sung cho bài viết. Mặc dù khi đó trên vai vẫn phải băng bó và đeo đai vì gãy xương đòn gánh, nhưng vì say mê công việc tôi không nề hà sự đau đớn, quyết phải hoàn thành tác phẩm.

Sau này là hàng chục chuyến đi khác từ khắp vùng miền của đất nước để tôi viết bài cho tờ Văn nghệ Công an, An ninh Thế giới và các ấn phẩm  khác của báo. Đặc biệt khi cộng tác với chuyên mục "Đất và người" (Văn nghệ Công an) trong mấy năm, cho đến nay dường như không tuần nào tôi không đi thực tế để tích lũy vốn sống và lấy cảm xúc khi viết bài. Với tôi, cộng tác với Báo CAND đã đem lại cho tôi một sự trau dồi vốn sống và trải nghiệm sâu sắc trong cuộc sống. Và cũng trên mọi nẻo đường trải nghiệm thực tế, tôi có nhiều niềm vui và thêm tin yêu cuộc sống. Niềm vui ấy lớn dần theo thời gian. Đó là sự gắn bó và những kỷ niệm với báo tôi không thể nào quên.

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Báo CAND và các ấn phẩm của báo luôn được các văn nghệ sĩ dành nhiều tình cảm

số 1/11-Báo CAND: Nơi gửi gắm nỗi niềm của văn nghệ sĩ -0

Tôi có nhiều minh họa cho các ấn phẩm thơ, truyện của Báo CAND và tôi luôn cảm nhận rằng, “mảnh đất” của báo luôn được các văn nghệ sĩ dành nhiều tình cảm. Để có được điều này, trước hết các anh chị em từ lãnh đạo báo qua các thời kỳ cũng như các phóng viên, biên tập viên của báo, họ là những người không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng CAND mà còn là những nghệ sĩ thực sự. Chúng tôi luôn cảm nhận được tình yêu của tờ báo đối với cộng tác viên của mình, cảm nhận được sự sẻ chia trong các tác phẩm cho dù đó là hội họa, âm nhạc hay văn thơ. Điều này khiến các nghệ sĩ đến gần hơn với báo, có nghĩa là độc giả cũng là những người sẽ được thụ hưởng những gì đẹp nhất, mới nhất, và chân thành nhất từ các nghệ sĩ.

Tôi còn nhớ, ngay khi tôi còn trẻ, làng tôi ở Bình Đà mà mỗi lần tôi về quê tôi đều nhìn thấy những người dân quê tôi cầm trên tay tờ Báo CAND, An ninh thế giới đọc, có nghĩa là tờ báo đã đến được tận tay từng người dân. Từ đó tôi mới rút ra được một kinh nghiệm rằng, không phải là những gì cao sang hay hàn lâm, mà nghệ thuật, báo chí ngoài việc thông qua cái hay, cái đẹp của nghệ thuật thì đều thành công là trở thành một “món ăn tinh thần” của nhân dân, qua đó xây dựng được một con người hoàn thiện hơn, làm cho tâm hồn con người phong phú hơn.

Tôi cho rằng, các ấn phẩm của Báo CAND là nơi mà những cây bút tên tuổi góp mặt làm nên một diện mạo của các thế hệ yêu quý Báo CAND, một phương tiện truyền tải những ý tưởng, các tuyên ngôn nghệ thuật của mình đến với công chúng.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn:  Mỗi mùa “Hương thầm” lại nhớ Báo CAND

Tr 24-25 số ĐB-Báo CAND: Nơi gửi gắm nỗi niềm của văn nghệ sĩ -0

Bản thân tôi là người từng in thơ, in truyện, in các bài báo trên các ấn phẩm của Báo CAND, tôi phải nói thật cảm xúc của tôi rất khó tả. Vào thời điểm lượng phát hành của Báo CAND lớn, cả nước đều đọc bài của tôi và bạn bè khắp nơi gọi điện thoại chia sẻ, chúc mừng. Tôi còn nhớ, các phóng viên của Báo cũng thường xuyên viết bài về “Hương thầm”, một bài thơ đã có được dấu ấn trong lòng bạn đọc. Và phải khẳng định rằng, để có được sự lan tỏa ấy, báo chí cũng góp phần quan trọng khá lớn để bài thơ đến được với độc giả cả nước.

Báo CAND với các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ lại là các nhà văn, nhà thơ như anh Hữu Ước, anh Hồng Thanh Quang hay bây giờ là anh Phạm Khải, họ ngoài là những người lãnh đạo thì còn là những nhà văn, nhà thơ cùng đồng hành với đời sống văn học nên tờ Báo CAND không chỉ đơn thuần phản ánh các hoạt động của lực lượng Công an mà còn phản ánh những câu chuyện của đời sống văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước để tờ báo đáp ứng được nhu cầu của đông đảo bạn đọc.

Tôi chúc Báo CAND sẽ tiếp tục phát huy được những điểm mạnh của mình, những thành tựu của mình để mãi là điểm hẹn cho các nhà văn, nhà thơ chúng tôi gặp gỡ và công bố những tác phẩm mới của mình đến với đông đảo bạn đọc cả nước.

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.