Vì sao du lịch cộng đồng chưa thực sự phát triển?

Thứ Ba, 03/12/2019, 07:45
Những làng quê thanh bình, bản làng thấp thoáng giữa núi non trùng điệp... đang dần trở thành điểm đến được nhiều du khách, đặc biệt là du khách quốc tế lựa chọn khi đến Việt Nam. Đây là lợi thế để nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng – một trong những loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển bền vững cho người bản địa, đang được khuyến khích phát triển, không chỉ riêng tại Việt Nam.


Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, với rất nhiều địa phương, du lịch cộng đồng vẫn đang như những “mỏ vàng” cho cả ngành Du lịch và địa phương nhưng chưa thực sự được khai thác, phát huy trong thực tế.

Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi ghé thăm Khuổi Ky -  bản làng nổi tiếng với những nếp nhà sàn bằng đá lâu đời, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Bản thuộc khu du lịch thác Bản Giốc, nằm giữa hai điểm đến nổi tiếng là động Ngườm Ngao và thác Bản Giốc – danh thắng quốc gia được nhiều tạp chí, hãng truyền thông vinh danh là một trong 10 thác nước kỹ vĩ nhất thế giới.

Đời sống văn hóa bản địa là yếu tố hấp dẫn du khách.

Đây cũng là một trong những địa chỉ được tỉnh Cao Bằng chọn để thí điểm phát triển mô hình du lịch cộng đồng đã khá lâu. Nhưng, bản làng khá vắng vẻ. Tại Bản Giuồng, xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa cũng tương tự. Nhiều hộ dân tại đây cho biết, hầu hết trai gái trong bản đã đi về các tỉnh dưới xuôi làm thuê và gần như trong bản chỉ còn người già, trung niên và con trẻ.

Bà Hứa Thị Chư, Chi hội trưởng Hội phụ nữ ở bản còn công bố mức giá dành cho khách lưu trú khiến nhiều người giật mình: 100.000 đồng/người gồm ngủ qua đêm, ăn uống theo sinh hoạt của gia chủ. Nhưng, cũng theo bà Chư, đoàn khảo sát của chúng tôi (khoảng hơn 40 người) là đoàn khách đông nhất đến bản kể từ khi có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng ở đây.

Phần lớn khách du lịch đến với Bản Giuồng, ở qua đêm đều là khách Tây và là những khách lẻ. Đoàn khách đông nhất là 11 người. Du lịch cộng đồng chưa thực sự giúp người dân Bản Giuồng có mức sống khấm khá nhiều hơn, dù rằng, như nhiều người dân nơi đây khẳng định, so với nhiều năm trước, cơ sở vật chất, đường xá đi lại đã được nhà nước quan tâm đầu tư, đi lại dễ dàng hơn rất nhiều.

Tại làng rèn Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng, chúng tôi được đón chào bằng âm thanh rộn rã của tiếng quai búa, bếp lửa rực hồng và những thanh sắt nung đỏ, tiếng xèo xèo của thép nóng nhúng vào nước lạnh.

Tương truyền, đây là ngôi làng có từ thế kỷ thứ XI, từng là nơi sản xuất vũ khí cho đội quân của 2 người anh hùng được dân tôn thờ ở vùng đất này là Nùng Tồn Phúc và Nùng Trí Cao. Đây cũng là một trong những mô hình thí điểm phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. Nhưng, thời điểm chúng tôi ghé thăm, làng chỉ có vài ba bóng du khách vãng lai.

Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông Phạm Văn Khoa, Phó phòng Du lịch, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng lý giải, địa phương đã đầu tư khá nhiều cho làng, từ đường sá cho đến tập huấn, hướng dẫn các hộ dân tham gia đón khách du lịch. Nhà sàn xưa, dấu tích lịch sử, văn hóa của Pác Rằng là thế mạnh trong thu hút du khách, đặc biệt là khách thích du lịch trải nghiệm.

Đây cũng từng là địa chỉ được Cao Bằng sẽ kỳ vọng phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả. Kỳ vọng này chưa trở thành hiện thực bởi, chỉ sau đó ít lâu, người làm du lịch phát hiện ra rằng, làng rèn cổ xưa với gần 400 hộ dân làm rèn, khiến Pác Rằng trở thành “xưởng rèn thủ công” lớn nhất miền Bắc, khiến du khách tò mò nhưng cũng khiến họ phiền phức. Người làng thức khuya dậy sớm làm nghề.

Du khách có nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn lại mệt mỏi vì tiếng ồn từ sáng sớm đến đêm khuya. Ngay gần Pác Rằng là làng hương Phia Thắp – bản làng nổi tiếng lâu đời với nghề làm hương, cũng thuộc điểm đến được quảng bá hấp dẫn của Cao Bằng nhưng rất ít du khách.

Có một điểm chung mà chúng tôi dễ dàng nhận thấy là dù các bản làng này đều là những điểm đến hấp dẫn cả về di sản văn hóa lẫn thiên nhiên nhưng không đón chưa nhiều du khách. Du lịch cộng đồng – loại hình kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách bền vững chưa thực sự giúp các hộ dân nơi đây có thu nhập khá hơn bao nhiêu.

Về vấn đề này, ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng thừa nhận, cơ sở vật chất còn yếu, giao thông khó khăn là một trong những “nút thắt” lớn của du lịch Cao Bằng. Người dân chưa quen với hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch, thiếu các dịch vụ đi kèm... khiến các điểm du lịch cộng đồng ở địa phương khó thu hút du khách.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ du lịch Thanh Niên cho hay, những nhược điểm của du lịch cộng đồng tại Cao Bằng cũng là nhược điểm chung của du lịch nhiều địa phương khác trên cả nước.

Dù có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, là những miền đất có bề dày lịch sử, văn hóa nhưng điều kiện đi lại quá khó khăn, dịch vụ du lịch quá nghèo nàn, đơn điệu, điều kiện ăn ở còn thiếu vệ sinh là những “điểm trừ” rất lớn của du lịch cộng đồng hiện nay. Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, một số địa phương đã xây dựng được những mô hình du lịch cộng đồng tương đối hấp dẫn như bản Cát Cát ở Sapa, một số bản làng ở Hà Giang.

Những mô hình này cần được nhân rộng. Cảnh quan cần được địa phương đầu tư nhiều hơn, có thể quy hoạch thành những điểm để du khách chụp ảnh lưu niệm, xây dựng các sản phẩm dịch vụ kèm theo như các tour đi bộ, đạp xe quanh làng... Không ai vượt hàng trăm km đường núi đồi, đi lại cả nửa ngày chỉ đến một địa điểm để ngủ qua đêm rồi về, dù rằng, điểm đến ấy thực sự thơ mộng, hấp dẫn.

Bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Du lịch Hanoi Redtours cũng cho rằng, ngoài khắc phục về cơ sở hạ tầng giao thông, cảnh quan chung và dịch vụ đi kèm thì một điểm yếu khác không thể không khắc phục  là nhiều điểm du lịch cộng đồng không an toàn vệ sinh, thậm chí là quá mất vệ sinh. Nếu có đoàn khách lớn, hiện tại, công ty cũng không dám đưa về những điểm du lịch như thế này.

Ngọc Nguyễn
.
.
.