Cám cảnh những biển hiệu chữ nước ngoài lấn át chữ Việt ở Đà Nẵng

Thứ Hai, 26/02/2018, 18:48
Những ngày du xuân Mậu Tuất vừa qua du khách và người dân tại TP. Đà Nẵng đã bất bình và ngỡ ngàng với thông tin một đoàn khách người Việt Nam đã phải thanh toán ăn hải sản bằng một tờ phiếu hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc.

Đáng nói, không chỉ là “một tờ phiếu thanh toán” bằng tiếng Trung, mà thời gian gần đây, dọc các tuyến phố du lịch, các nhà hàng hải sản, dịch vụ làm đẹp chăm sóc sức khỏe, các cửa hàng bán hàng lưu niệm ven biển Đà Nẵng mà đặc biệt là tại quận Sơn Trà các tấm biển hiệu, quảng cáo bằng chữ Hàn, chữ Trung Quốc đang “lấn át” tiếng Việt…

Dọc các tuyến đường ven biển, các nhà hàng hải sản, cửa hàng lưu niệm tại Đà Nẵng nhan nhản các bảng hiệu tiếng nước ngoài “lấn át” tiếng Việt.

Đáng lo ngại ở đây là việc quy định bảng hiệu, quảng cáo không chỉ nhằm cung cấp thông tin, tạo mỹ quan đô thị mà trong ý nghĩa nào đó còn thể hiện chủ quyền quốc gia, cần thực hiện nghiêm và thống nhất. Tình trạng này đã từng được chính quyền TP. Đà Nẵng xử lý nhưng sau đó sự việc vẫn diễn như cũ. Không hiếm có thể gặp cảnh các biển hiệu quảng cáo chỉ dùng tiếng nước ngoài hoặc nếu có thêm tiếng Việt thì chữ Việt chỉ là hàng chữ nhỏ xíu bên dưới.

Được biết, theo Điều 18 Luật Quảng cáo quy định, trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt. Thế nhưng, rất nhiều bảng hiệu quảng cáo của các nhà hàng, khách sạn… trên tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa thuộc hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng lại "ưu tiên" chữ Trung Quốc và Hàn Quốc thậm chí có biển hiệu còn không có tiếng Việt. Chuyện vi phạm pháp luật về quảng cáo đã xảy ra không chỉ “mới nở rộ” mà đã diễn ra suốt một thời gian dài. Tình trạng này đã gây mất trật tự cũng như thẩm mỹ cho đường phố. Một phần nào đó đã ảnh hưởng và hạ thấp giá trị của Việt Nam chúng ta.

Nhà hàng S.H bị đoàn du khách tố “chặt chém” bằng phiếu thanh toán tiếng Trung Quốc cho một bữa ăn hải sản ngày du xuân đầu năm.

Nhiều bảng hiệu quảng cáo của các nhà hàng, khách sạn… trên tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa thuộc hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng lại "ưu tiên" chữ Trung Quốc và Hàn Quốc thậm chí có biển hiệu còn không có tiếng Việt.

Dạo quanh một vòng các tuyến đường trung tâm thành phố, biển hiệu tiếng nước ngoài nhan nhản từ khách sạn lớn đến nhà hàng, các dịch vụ mua sắm, quán ăn, quán giải khát... Tại các tuyến đường du lịch của quận Sơn Trà, biển hiệu có sử dụng yếu tố tiếng nước ngoài, đặc biệt tiếng Hàn Quốc khá phổ biến như: Trầm Hương Soo Gong Jin Dan, Nhà hàng Mysikga, Nhà hàng Lẩu Đà Nẵng (đường Phạm Văn Đồng), Nhà hàng V&K, Ba Hưng Bakery (đường Nguyễn Văn Thoại), Bếp Vàng Gold Kitchen, Glow Spa, Spa Xinh Xinh (đường Ngô Quyền)... Tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu gây bức xúc trong một bộ phận người dân… 

Như Báo CAND đã đưa tin, ngày 23-2, dư luận Đà Nẵng xôn xao khi nhà hàng S.H, tại số 262 B, đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà bị khách hàng tố chặt chém giá món ăn gần 10 triệu đồng. Đáng nói hơn, nhà hàng này xuất hóa đơn hoàn toàn bằng chữ Trung Quốc cho khách hàng…

Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của du khách, các cơ quan chức năng, UBND quận Sơn Trà và Chi cục Quản lý thị trường đã xuống làm việc với quản lý nhà hàng S H này để xác minh làm rõ sự việc. Điều đáng nói, không riêng nhà hàng S H, mà S.H. chỉ là một trong hàng trăm nhà hàng, cửa hàng khác kinh doanh phục vụ khách hàng trong nước và nước ngoài du lịch qua Đà Nẵng nhưng lại có biển hiệu “đính kèm” bằng tiếng Trung.. Những cửa hàng trên đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Thoại...đa số phục vụ khách hàng nước ngoài nhiều hơn nên các bảng quảng cáo, băng rôn đều in chữ nước ngoài, trong đó chữ Trung Quốc, Hàn Quốc và tiếng Anh chiếm đa số.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo; trong đó có yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo chấn chỉnh việc trình bày bằng chữ viết tiếng nước ngoài trên bảng quảng cáo, biển hiệu của các tổ chức, cá nhân... Trên thực tế, việc chấn chỉnh này đang gặp khó khăn do những khoảng trống trong quy định của pháp luật và việc kiểm tra, xử lý chưa chặt chẽ. 

Là một đô thị lớn, Đà Nẵng cũng đang chịu áp lực trong việc chấn chỉnh hiện tượng này. Trên các đường phố Đà Nẵng, nhất là những tuyến đường du lịch, đâu đâu cũng thấy biển hiệu tiếng nước ngoài. Điều này làm ảnh hưởng đến việc giữ gìn bản sắc, sự trong sáng của tiếng Việt và cả xây dựng thương hiệu Việt. 

Hoài Thu
.
.
.