Dinh trấn Thanh Chiêm được công nhận Di tích Quốc gia

Thứ Ba, 13/06/2017, 05:32
Tối 12-6, tại thị xã Điện Bàn, Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 415 năm Dinh trấn Thanh Chiêm (DTTC, 1602-2017) và đón nhận Bằng công nhận Di tích Quốc gia.

DTTC thuộc thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Theo sử sách ghi lại, năm 1602, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho dựng Dinh trấn Quảng Nam ở Thanh Chiêm - mở đầu cho sự phát triển thịnh vượng của Xứ Đàng Trong  suốt 2 thế kỷ XVII - XVIII vì nhận định rằng “đây là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ VH-TT&DL, cho biết việc công nhận Di tích quốc gia DTTC có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đây là sự khẳng định trên phương diện quản lý Nhà nước về vai trò, vị trí, giá trị văn hóa lịch sử của Di tích DTTC; là sự tri ân của các thế hệ con cháu với các bậc tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước, đặc biệt là quá trình Nam tiến của dân tộc Việt; là sự tôn vinh giá trị của chữ Quốc ngữ - ngôn ngữ chính thống của người Việt Nam trong công cuộc duy tân đất nước và hội nhập hôm nay.

DTTC có vai trò, vị trí đặc biệt, được xem là kinh đô thứ hai, là trung tâm chính trị - quân sự - kinh tế  và văn hóa sau Phú Xuân của Chúa Nguyễn, là nơi các vị hoàng tử “tập dượt” cách trị vì đất nước trước khi kế nhiệm ngôi Chúa.

Ông Nông Quốc Thành (phải) trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia Dinh trấn Thanh Chiêm cho lãnh đạo thị xã Điện Bàn.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng mặc dù chỉ còn lưu lại những địa danh và vết tích ít ỏi, tuy nhiên, giá trị lịch sử - văn hóa của DTTC vẫn ngày càng được khẳng định và tôn vinh. Sự kiện đón nhận Bằng Di tích Quốc gia DTTC lần này khẳng định về vị trí, vai trò, giá trị lịch sử - văn hóa của Di tích DTTC gắn với sự khai sinh chữ Quốc ngữ. Kể từ hôm nay, vai trò, vị trí của Di tích DTTC được nâng lên một tầm mới.

Bên cạnh đó, nơi đây còn là “hậu cứ” vững chắc để các Chúa Nguyễn đối phó với Đàng Ngoài và các thế lực thù địch, vừa làm “bàn đạp” để nhà Nguyễn hoàn thành công cuộc Nam tiến, mở mang bờ cõi của dân tộc Việt.

Hình vẽ về Dinh trấn Thanh Chiêm hiện đang được lưu giữ tại chùa Jyomoji, TP Nagoya, Nhật Bản.
Đặc biệt, trong bối cảnh lịch sử bấy giờ, từ năm 1615, DTTC đã có “cơ duyên” để các nhà truyền giáo phương Tây đến nghiên cứu, sáng tạo và hình thành chữ Quốc ngữ. Lịch sử đã ghi nhận sự ra đời của “trường dạy” chữ Quốc ngữ đầu tiên tại Thanh Chiêm cũng như sự “cộng tác” đắc lực của người dân Thanh Chiêm và tiếng nói của người Quảng Nam trong quá trình ký âm mẫu tự La tinh thành tiếng Việt...
Ngọc Thi
.
.
.