Khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa của Dinh trấn Thanh Chiêm

Thứ Năm, 25/08/2016, 08:09
Ngày 24-8, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm (DTTC) và chữ Quốc ngữ”.

Tham dự hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trình bày gần 70 tham luận, làm sáng tỏ vai trò của DTTC (nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn), cũng như sự ra đời của chữ Quốc ngữ trên mảnh đất Quảng Nam.

Nhà nghiên cứu Phan Thị Lệ Dung (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng DTTC được coi là thủ phủ thứ hai của Đàng Trong (bên cạnh Dinh trấn Thuận Hóa), được Chúa Nguyễn Hoàng cho “cơ chế” toàn quyền định đoạt mọi việc của dinh trấn; là nơi thực tập, đào luyện các thế tử, là nơi thực thi chính sách mở cửa với các điều kiện tối ưu nhằm xây dựng một hậu phương vững chắc làm bàn đạp mở rộng bờ cõi về phương Nam. DTTC ra đời gắn liền với sự kiện năm Nhâm Dần (1602).



Dinh trấn Thanh Chiêm, thủ phủ xưa của vùng đất Quảng Nam. (ảnh chụp cuối thế kỷ XIX)

Sách Đại Nam thực lục, do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn, chép: “Chúa thường để ý kinh dinh đất này. Đến đấy, đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao giăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng. Liền vượt qua núi, xem xét hình thể dựng trấn dinh ở xã Cần Húc, xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ”.

Trong sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng “Năm Nhâm Dần thứ 45, Lê Hoằng Định năm thứ 3 (1602) đặt dinh Quảng Nam, đặt trấn thủ, cai bạ và ký lục ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhân vẫn lệ thuộc vào dinh này”.

Từ những nhận định trên có thể thấy vai trò vô cùng quan trọng của DTTC trong tiến trình phát triển lịch sử xứ Quảng nói riêng và của nước Việt nói chung.

Đối với các giáo sĩ dòng Tên khi đến truyền đạo, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) đã cho phép họ đến Hội An, đến Thanh Chiêm, Đà Nẵng, Nước Mặn - những trung tâm thương mại sầm uất - để giảng đạo và buôn bán, cho phép họ có thể “xây cất một thành phố với tất cả những gì cần thiết, cũng như người Tàu và người Nhật đã làm”.

Nhờ quan hệ tốt với thế tử Nguyễn Phúc Kỳ ở DTTC nên linh mục Francisco de Pina đã lập một trú sở mới tại đây vào khoảng cuối năm 1624, đầu năm 1625 và đến tháng 5-1625, Pina trở thành Cha bề trên quản nhiệm trú sở truyền giáo.

Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, Dinh trấn Thanh Chiêm có vai trò quan trọng, cần được phục dựng, trùng tu.

Không chỉ có hoạt động nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ, tại trú sở Thanh Chiêm, Pina còn là thầy dạy tiếng Latinh cho các thầy giảng người Việt, vừa dạy tiếng Việt cho 2 giáo sĩ dưới quyền là Antonio de Pina Fontes và Đắc Lộ...

Có thể nói, trú sở Thanh Chiêm là nơi đào tạo tiếng Việt bài bản theo cách thức mới từ phương Tây, mà Pina là người có công khai phá và A-lếch- xăng-đờ-rốt là người kế nhiệm, hoàn chỉnh. Như vậy, với những điều kiện thuận lợi, hội tụ đủ các yếu tố từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, các điều kiện khá thuận lợi, gần các thương cảng lớn Hội An, Cửa Hàn đã minh chứng vai trò quan trọng của vùng đất Thanh Chiêm.

Chính vì vậy mà các giáo sĩ từ Pina, Borri, Busomi, A. de Rodes, khi đi qua, tới và ở lại đây, cùng với người địa phương đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Từ đó cho thấy, cùng với Hội An, Thanh Chiêm là cái nôi ra đời sớm nhất của chữ Quốc ngữ ở nước ta.

Quảng Nam là vùng đất ra đời của chữ Quốc ngữ gắn với DTTC, đóng vai trò rất lớn trong lịch sử của dân tộc. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng nếu như được quan tâm khẳng định đúng giá trị, vai trò của DTTC, di tích lịch sử văn hóa này sẽ mang tới cho Quảng Nam nhiều tiềm năng để có thể phát triển loại hình du lịch văn hóa, gắn kết với các điểm du lịch đã có sẵn, góp phần nâng cao sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đề cập tới việc phục hồi, bảo tồn DTTC đã có rất nhiều các nhà nghiên cứu đưa ra các đề xuất. Dù được phục dựng như thế nào thì theo nhiều nhà nghiên cứu, cần chọn địa điểm thích hợp để xây dựng các kiến trúc mới ngay trên địa phận làng Thanh Chiêm; xây dựng Đài tưởng niệm sự ra đời của chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII, để tỏ lòng biết ơn những tiền bối của chúng ta ở đây đã góp phần quan trọng trong việc phát minh ra loại văn tự đó mà ngày nay đã trở thành chữ viết chính thống ở nước ta; đề xuất Nhà nước công nhận DTTC là Di tích Lịch sử Quốc gia…

Ngọc Thi
.
.
.