Tranh cãi gay gắt quanh cuộc thi Tài năng diễn viên Xiếc toàn quốc 2018

Thứ Hai, 10/12/2018, 08:04
Tổ chức lại sau 12 năm ngắt quãng, cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn chủ trì diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4 đến 10-12. Đây cũng được coi là cơ hội để các nghệ sĩ cọ xát, giao lưu học hỏi, phát hiện tài năng mới cho nghệ thuật Xiếc Việt Nam, đánh giá thực trạng để có phương hướng phát triển phù hợp.


Cuộc thi cũng là một trong những tín hiệu vui đánh dấu sự quan tâm trở lại của cơ quan quản lý Nhà nước cùng với kỳ vọng sẽ có những chiến lược phát triển bài bản hơn đối với bộ môn nghệ thuật này. Thế nhưng, cuộc “trở lại này” đã không như mong muốn.

TS. NSƯT Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho rằng, cuộc thi đang bộc lộ nhiều vấn đề. Cụ thể, quy mô của cuộc thi còn khiêm tốn, chỉ thu hút 67 nghệ sĩ của 6 đơn vị nghệ thuật và chưa thu hút nghệ sĩ xiếc của các đơn vị ngoài công lập, mà số lượng các nghệ sĩ này hiện nay rất nhiều.

Có một số tiết mục đạt chất lượng cao nhưng còn nhiều tiết mục xưa cũ, đơn giản, chưa được tập luyện nhuần nhuyễn. Ngay công tác tổ chức cuộc thi cũng tồn tại nhiều vấn đề. Ban đầu, nhà trường nhận thông báo cuộc thi diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Vì kinh phí có hạn nên trường quyết định chỉ dàn dựng, đưa một vài tiết mục dự thi.

Cuộc thi Tài năng diễn viên Xiếc toàn quốc 2018 bị phê phán gay gắt vì khâu tổ chức lộn xộn.

Đến tận tháng 11, ban tổ chức mới có thông báo là sẽ đổi địa điểm về Hà Nội. Tháng 12 cuộc thi đã diễn ra, thời gian quá gấp nên dù muốn tạo điều kiện để các tài năng trẻ có dịp khẳng định mình nhưng đơn vị cũng không có cách nào đầu tư kinh phí xây dựng tiết mục và tập luyện.

Cũng theo TS Hoàng Minh Khánh, ông thật sự ngỡ ngàng bởi thay vì nhận được giấy mời như thông thường, nhà trường lại nhận được giấy triệu tập. Từ triệu tập chỉ nên dành cho văn bản mang tính mệnh lệnh hành chính như của tòa án, cơ quan điều tra, không nên dùng cho một hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Kinh nghiệm nhiều năm ông đưa diễn viên tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước cho thấy, mỗi chương trình, ban tổ chức đều bố trí từ 15 đến 19 tiết mục nhưng chương trình biểu diễn hàng đêm trong khuôn khổ cuộc thi này chỉ có 10 tiết mục.

Cuộc thi diễn ra hàng đêm, thời gian kéo dài gây khó khăn cho đơn vị, nghệ sĩ tham gia. Thứ tự biểu diễn trong chương trình bị xáo trộn khiến tâm lý diễn viên không ổn định. Thông thường, chương trình biểu diễn, thứ tự tiết mục cần có sự đóng góp ý kiến của các trưởng đoàn và cần được thông báo sớm để các đoàn có sự chuẩn bị.

Nhưng tại cuộc thi này, tối ngày 4-12 khai  mạc thì sáng ngày 4, trưởng đoàn mới nhận được thông báo. Kết quả là các tiết mục của trường, diễn viên phụ không kịp thay quần áo. Tiết mục dự thi của một số đoàn khác cũng trong tình trạng tương tự, rất dễ xảy ra sự cố.

Về chấm giải, ban tổ chức cần chuẩn hóa và phân biệt rạch ròi tiêu chí chấm cho xiếc người và xiếc thú, tránh tình trạng tranh cãi sau trao giải. Việc bố trí thành viên Hội đồng giám khảo khiến nhiều người băn khoăn khi NSƯT Hữu Mười vừa là thành viên của Hội đồng vừa là đạo diễn, diễn viên tham gia cuộc thi. Khi ông hỏi một số thành viên trong ban tổ chức không trả lời.

Riêng NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có chia sẻ là không có vấn đề gì vì nghệ sĩ này không tham gia chấm tiết mục của mình. Tuy nhiên, việc này khó có thể khiến người trong cuộc không nghi ngại về sự minh bạch trong kết quả thi.

NSND Vũ Ngoạn Hợp, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Xiếc Việt Nam cho hay, bản thân ông và nhiều nghệ sĩ thuộc lớp trước, vẫn đang gắn bó với nghệ thuật Xiếc, đặc biệt là Liên chi hội Xiếc Việt Nam đều không nhận được giấy mời tham dự.

Nhưng, ông không thể không đến vì một sự kiện lớn như thế của ngành mà không biết, không tham gia, không quan sát thì quá quan liêu. Ngay tọa đàm tìm giải pháp cho Xiếc Việt Nam trong giai đoạn hội nhập ngày 8-12 cũng tương tự. Đây cũng là lý do khiến nhiều nghệ sĩ không tham gia sự kiện quan trọng này.

Cũng theo NSND Vũ Ngoạn Hợp, thực tế, sau cuộc thi tài năng diễn viên Xiếc toàn quốc cuối cùng vào năm 2006, bản thân ông và nhiều nghệ sĩ khác liên tục kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước duy trì tổ chức các cuộc thi dành cho nghệ sĩ Xiếc tương tự như nghệ sĩ của các bộ môn nghệ thuật khác. Tuy nhiên, các kiến nghị này đều như “muối bỏ biển”.

Một số nhà quản lý còn hỏi lại, nếu thi thì có gì để thi? Điều này cho thấy một cách làm việc rất quan liêu. Bởi lẽ, Xiếc Việt Nam không chỉ có mấy đơn vị công lập. Rất nhiều nghệ sĩ Xiếc vẫn đang hoạt động trên cả nước mà không trực thuộc các đơn vị này.

Những năm qua, nhiều nghệ sĩ Xiếc Việt Nam đã khẳng định được vị trí của mình trong các sân chơi lớn như nghệ sĩ Trà My, Quốc Cơ, Quốc Nghiệp hay các chương trình gây tiếng vang lớn như xiếc “Làng tôi”, “Sông trăng”… Ngay tại mùa thi năm 2018 này, việc tổ chức cũng rất nhiều “sạn”.

Ban tổ chức thông báo muộn nên các đơn vị rất cập rập trong khâu chuẩn bị. Để có những tiết mục được chuẩn bị chỉn chu, ban tổ chức cần thông báo sớm hơn và duy trì mang tính định kỳ, nếu không phải 1, 2 năm/lần thì có thể là 3, 4 năm. Nhưng nhất định phải mang tính định kỳ để nghệ sĩ, đơn vị có sự chuẩn bị kỹ càng. Và, để hạn chế các sai sót đáng tiếc, cơ quan quản lý không nhất định phải trực tiếp làm tất cả mà nên giao cho một đơn vị, đối tác có kinh nghiệm, chuyên về các sự kiện như thế này hơn.

Bởi lẽ, nghệ sĩ đến với cuộc thi không chỉ đơn thuần là mong muốn mang về giải thưởng mà ý nghĩa hơn là họ có dịp tỏa sáng, khoe tài năng của mình. Khi mọi người biết đến tài năng của họ thì sau cuộc thi, sau giải thưởng sẽ là hợp đồng biểu diễn, giúp họ sống được bằng nghề.

TS.NSND Nguyễn Ngọc Trúc cũng bức xúc cho rằng, ông cảm thấy tủi hổ cho nghệ thuật Xiếc và không chấp nhận sự thờ ơ của lãnh đạo đối với sự phát triển của nghệ thuật Xiếc. Lâu  nay, hoạt động văn hóa nghệ thuật, các ban bệ rất nhiều nhưng các hoạt động như thế này, nếu lãnh đạo không dự, không nghe, không thấu hiểu vấn đề thì khó có thể giải quyết được các vướng mắc của Xiếc.

Riêng với việc tái tổ chức cuộc thi Tài năng diễn viên Xiếc sau 12 năm gián đoạn, đây lẽ ra là chức năng của Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải làm chứ không phải là hoạt động để nghệ sĩ hàm ơn.

Cuộc thi tài năng là hoạt động văn hóa nên ngay từ ngôn ngữ sử dụng, dù là giấy mời cũng cần bày tỏ sự trân trọng lẫn nhau. Chưa kể, cuộc thi lần này được tổ chức chưa chuyên nghiệp. Ngay từ đêm khai mạc đã rất lộn xộn. Lẽ ra cốt lõi của Xiếc phải nổi trội nhất, các loại hình khác chỉ là minh họa thì lễ khai mạc không như thế…

Chia sẻ bức xúc với các nghệ sĩ, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng cho rằng, cuộc thi Tài năng diễn viên Xiếc toàn quốc là vô cùng cần thiết. Nhưng, để hiệu quả cao, ban tổ chức rất cần duy trì định kỳ, có kế hoạch sớm để các đơn vị, nghệ sĩ chủ động chuẩn bị, đầu tư xây dựng tiết mục cũng như tập luyện.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết: Vì các đoàn, đơn vị Xiếc hiện nay rất khó khăn nên ban tổ chức quyết định mở “rộng cửa” cho các đoàn. Nghệ sĩ có tiết mục dự thi sẽ không tham gia chấm tiết mục của mình mà là hoàn toàn do các thành viên khác quyết định.

Riêng về thời gian gấp gáp, không gửi giấy mời cho các nghệ sĩ của Liên chi hội Xiếc Việt Nam và ngôn ngữ trên giấy mời theo kiểu mệnh lệnh không phù hợp, ông Dương cho rằng đây là do quy định hành chính và thay mặt ban tổ chức xin rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, cách giải thích này chưa thực sự khiến người trong cuộc hài lòng.

Bởi nói như cách ví von hài hước NSND Nguyễn Ngọc Trúc thì nếu rút kinh nghiệm thì có lẽ Việt Nam có danh sách cần rút kinh nghiệm dài nhất thế giới. Vấn đề hiện nay không phải là nhận lỗi xin rút kinh nghiệm mà phải làm gì để thúc đẩy nghệ thuật Xiếc phát triển mới là điều quan trọng nhất.

Ngọc Nguyễn
.
.
.