Tiết lộ gây sốc về tranh chấp bản quyền bài thơ “Tổ quốc gọi tên”

Thứ Ba, 06/10/2015, 17:35
Khi câu chuyện bản quyền bài thơ “Tổ quốc gọi tên” chưa ngã ngũ thì nhà thơ Bàng Ái Thơ, con gái của nhà thơ - họa sỹ Bàng Sĩ Nguyên, cháu gái nhà thơ Bàng Bá Lân đã lên tiếng xác nhận rằng, vào hồi tháng 4/2011, bà đã được đọc bài thơ này; người viết ra nó là một tác giả nam, và anh ấy là một người lính. Tên bài thơ lúc mà tôi đọc là “Tôi nghe Tổ quốc gọi tên” chứ không phải là “Tổ quốc gọi tên” hay “Tổ quốc gọi tên mình” như thế này.


“Đừng vội ném đá người ta”

Ái nữ của một trong những người sáng lập ra Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957) cho biết: “Đừng vội ném đá người ta bởi tôi tin bạn Phúc nói thật”. Chia sẻ độc quyền của nhà thơ Bàng Ái Thơ với PV candonline được đưa ra khi câu chuyện về bản quyền bài thơ nổi tiếng này đang trở nên căng thẳng trong dư luận, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng anh Ngô Xuân Phúc, người nhận mình là tác giả của “Tổ quốc gọi tên” bị “ảo tưởng” và “có dấu hiệu về tâm thần”…

Nhà thơ Bàng Ái Thơ kể lại, năm 2010, bà có đi Cô Tô và hoàn thành bản thảo tập thơ “Mắt lặng”, trong đó có bài “Cô Tô từ phía khơi xa”. Sau khi in xong tập thơ, bà đã mang tặng bạn bè của mình; rồi bằng một cách nào đó, bài thơ đã đến tay nhà thơ Anh Vũ ở Bắc Giang (nhà thơ Anh Vũ sinh năm 1943 tại Bắc Ninh, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam – PV). Lúc đó, nhà thơ Anh Vũ đã gửi đến bà tập tham luận về nhà thơ Anh Thơ nhờ bà xem có gì cần góp ý không; kèm bài thơ đang gây bão dư luận trên.

Tác giả Nguyễn Phan Quế Mai và tập thơ có bài thơ “Tổ quốc gọi tên” đang gây tranh cãi.

“Vì lúc liên lạc, tôi có nói với anh ấy là sau đi biển về, tôi sẽ viết chuyên tâm về biển đảo hơn. Tôi cũng thích chủ đề biển đảo và nghĩ rằng sẽ phổ nhạc một số bài về chủ đề ấy. Anh ấy bảo nếu thế thì qua cháu Nguyễn Trung Kiên (người biên tập cuốn sách “Giáo sư Trần Đức Thảo: Biển quê hương dạt dào và trầm tư triết học”, NXB Lao động, năm 2011 - PV), anh gửi cho tôi bài thơ này để phổ nhạc, bảo tôi nghiên cứu thử.

Lúc đó là tháng 4/2011. Anh ấy nói biển đảo thì ít người viết, có bài này đọc được. Nó mang tính biển đảo và dễ đi vào lòng người. Tuy nhiên, sau khi đọc, tôi thấy nó không có chất trữ tình (tôi quen với dòng thơ trữ tình để phổ nhạc) và có vẻ cứng quá, "sắt thép" quá, hô hào quá. Tôi có liên lạc lại và bảo tôi sẽ không phổ nhạc cho bài thơ ấy vì nó đầy tính báo chí. 

Nhà thơ Anh Vũ có bảo với tôi: "Thế em sửa lại đi". Tôi bảo ‘ôi chết, sửa thì phải xin phép tác giả chứ tùy tiện sửa là không được đâu, thế tác giả là ai’. Anh Vũ bảo anh lấy bài thơ này trên mạng, cũng không quen người đó, chỉ biết đó là bộ đội, thích viết lách, và hai người đã từng trao đổi với nhau về bài thơ này rồi. Anh bảo với cậu ấy bài thơ hay và sẽ tìm nhạc sỹ để phổ nhạc cho cậu ấy. Cậu ấy đồng ý” - nhà thơ nhớ lại.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (bên phải) trong ngày ra mắt tập thơ “Tổ quốc gọi tên mình”.

Vì không phổ nhạc nên sau đó, nhà thơ Bàng Ái Thơ cũng không quan tâm đến bài thơ này nữa. Cho tới đầu tháng 5/2014, Bộ Tư lệnh hải quân có tổ chức chương trình sáng tác về biển đảo (đúng dịp Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta)  và in tập sách nhạc “Âm vang biển gọi”, trong đó chọn một số tác phẩm của các nhạc sỹ – nhà thơ có thơ phổ nhạc. Lúc đó, cầm tập sách nhạc ấy, mở trang đầu tiên, bà thấy “Tổ quốc gọi tên mình” do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc từ thơ của Nguyễn Phan Quế Mai.

Lúc đó, bà chợt nhớ đến ngay bài thơ mà nhà thơ Anh Vũ từng đưa bà trước đây. “Song bài thơ là nó nhưng không còn là nó nữa. Nghĩa là nội dung của bài thơ trước đây mà tôi đọc chỉ còn 75 -80% mà thôi. Có một số câu chữ đã được sửa đi cho mới, cho phù hợp hơn. Nghe chừng hô hào hơn và sát thực tế hơn. Tên bài thơ lúc mà tôi đọc là “Tôi nghe Tổ quốc gọi tên” chứ không phải là “Tổ quốc gọi tên” hay “Tổ quốc gọi tên mình” như thế này. Tôi thấy tên tác giả là Quế Mai, một người nữ chứ không phải người nam. Tôi đem thắc mắc ấy trò chuyện cùng một số nhạc sỹ thuộc Khối nhạc sỹ vẫn sinh hoạt định kỳ tại nhà tôi thì các bác cười rằng, các nhà văn nhà thơ lắm bút danh lắm. Tôi thấy cũng hợp lý nên tôi cũng không để ý nữa”, bà kể lại.

“Mọi người không nên vội vàng quá”

Cho tới mấy ngày hôm nay đang xôn xao vụ tranh chấp bản quyền bài thơ này, nhà thơ Bàng Ái Thơ chợt nhớ ra chuyện kia rồi cố gắng nhớ lại mọi chuyện một cách cụ thể. Bà cho rằng, mọi người lên tiếng bênh vực Nguyễn Phan Quế Mai vội vàng quá. Bà nói: “Tôi đọc thông tin trên báo và những lời bình luận có phần ác ý với anh Phúc kia xong và buồn quá. Tôi có chia sẻ điều đó với nhạc sỹ Nguyễn Nghiêm Bằng, con trai thứ của nhạc sỹ Văn Cao, tôi hỏi anh có nhớ chuyện tôi từng nói về tác giả bài thơ này không thì anh ấy cười, bảo rằng vẫn còn nhớ”.

Nhà thơ Bàng Ái Thơ, lên tiếng xác nhận bà đã từng đọc bài thơ vào tháng 4/2011.

Khi được hỏi, những điều bà kể lại ở trên cũng đồng nghĩa với việc nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã “đạo’ thơ của anh Ngô Xuân Phúc có phải không, bà chia sẻ: “Nói Nguyễn Phan Quế Mai gian có lẽ cũng không phải, đạo cũng không phải đâu. Có thể chị Mai đã ngấm trong đầu những câu thơ như thế. Lúc đó, tinh thần yêu nước lên cao, chị ấy nung nấu viết bài thơ về biển đảo, gặp cái tứ đấy, giống như thấm vào mình rồi bật ra những ý thơ đấy mà không ý thức được rằng những câu thơ đấy đã có người viết ra trước đó rồi. Nhưng tôi cũng hơi băn khoăn một điều, liệu đọc bài thơ sau mà nội dung giống tới 75 – 80% nội dung bài thơ trước thì liệu đây có phải là cái sự đọc rồi ngẫu nhiên mà ngấm hay không?”.

“Nhưng sao anh Phúc lại không nhớ thơ mình viết ra được?”, về điều này, bà Bàng Ái Thơ cho rằng, nếu chỉ vì như thế mà quy kết cho người ta như thế này thế kia thì tội nghiệp cho họ quá. Anh Phúc không có gì trong tay để chứng minh được rằng đó là bài thơ của mình vì chuyện bản thảo mất hoặc thất lạc trong quá trình lưu trữ là điều hoàn toàn có thể. Với lại, có phải ai cũng thuộc hết thơ mình đâu. Tôi là một ví dụ chẳng hạn. Thời gian rồi đủ thứ bận rộn dễ làm người ta quên đi một cái gì đó trong một khoảnh khắc, thậm chí một quãng thời gian dài. Cái đó tôi hiểu chứ”.

Khi chúng tôi nói rằng, đồng ý công khai chia sẻ những thông tin này, bà sẽ phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình trước công luận, nhà thơ Bàng Ái Thơ bảo: “Tôi đã sẵn sàng. Tôi biết đến đâu tôi nói đến đó. Với lại, nếu tôi biết chuyện này thì tôi tin rằng, chắc chắn sẽ có những người khác cũng biết và họ sẽ tìm ra sự thật, đâu mới là tác giả chính của bài thơ. Tôi chỉ hơi tiếc một điều đó là nhà thơ Anh Vũ đã mất hồi năm ngoái. Bởi nếu không, anh sẽ nói cho mọi người biết rằng anh lấy tác phẩm này trên mạng như thế nào. Nhưng còn có cháu Trung Kiên, người đã giúp anh Vũ chuyển bài thơ cho tôi vẫn còn đó, mọi người có thể xác nhận từ phía cháu”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Sáng ngày 6/10, nhà thơ Bàng Ái Thơ có kể lại, bà biết đến bài thơ là do nhà thơ Anh Vũ sống ở Bắc Giang gửi. Trả lời Báo CAND vào ngày 2/10 trước đó, anh Ngô Xuân Phúc, người nhận mình chính là tác giả của bài thơ này cũng cho biết rằng, ở thời điểm anh đăng tải bài thơ trên mạng vào năm 2008, “có một nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào đọc khen hay. Vì không để ý lắm nên chỉ biết là người Bắc Ninh hay Bắc Giang gì đó”.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Một trong 2 người phải hổ thẹn vì sự dối trá của mình!

“Đừng vội quy kết ai thật, ai giả trong cuộc này. Cũng đừng cao giọng nói người đàn ông ấy là hoang tưởng, điên rồ. Sự từng trải buộc tôi phải thận trọng trong lựa chọn nghiêng về ai. Nguyễn Phan Quế Mai từng dịch rất hay bài thơ ‘Bông huệ trắng” của tôi sang tiếng Anh nhưng cho đến giờ phút này, tôi cũng chưa mắng mỏ người đàn ông nhận “Tổ quốc gọi tên mình" là của mình. Vì tôi nghĩ, còn đủ thời gian để đọc lại, để tìm hiểu và suy xét. Lòng yêu nước rất đáng trân trọng nhưng lòng trung thực của con người cũng quý giá không kém. Tổ quốc không cần sự yêu nước giả dối. Tiếng nói yêu nước cần phải trung thực. Thơ cũng vậy. Tôi tin sớm muộn sự thật sẽ được minh chứng. Một trong hai người phải hổ thẹn vì sự dối trá của mình”.

Đậu Dung
.
.
.