‘Tổ quốc gọi tên mình’: Cuộc giao duyên của thơ và nhạc

Thứ Sáu, 24/07/2015, 08:53
Ngày 23/7, buổi giao lưu ra mắt sách "Tổ quốc gọi tên mình" của nhà thơ nữ Nguyễn Phan Quế Mai diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của đông đảo bạn đọc, văn nghệ sĩ nhiều lĩnh vực.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai sinh ngày 12/8/1973 tại Ninh Bình, lớn lên tại Bạc Liêu, tốt nghiệp chương trình thạc sĩ viết văn, Đại học Lancaster. Chị cũng vừa được trao tặng học bổng Tiến sĩ. Hiện Quế Mai đang học và làm việc cho Trường Đại học Lancaster (Anh quốc). 

Chị là tác giả của các tập thơ: “Trái cấm”, “Cởi gió”, “Những ngôi sao hình quang gánh”, “Bí mật của hoa sen” và “Tổ quốc gọi tên mình”. Nguyễn Phan Quế Mai đã được trao tặng giải nhất cuộc thi thơ về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Giải thưởng thơ Hội Nhà văn Hà Nội năm 2010, Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội năm 2010, Giải thưởng từ Quỹ Văn hoá Lannan (Mỹ) cho tập thơ “Bí mật của hoa sen” (2014). 

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai ký tặng sách cho bạn đọc TP Hồ Chí Minh.

Nguyễn Phan Quế Mai được đông đảo bạn đọc biết đến nhiều hơn trong vài năm trở lại đây khi bài thơ "Tổ quốc gọi tên mình" được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc.

Nguyễn Phan Quế Mai cho biết, bài thơ "Tổ quốc gọi tên" được chị sáng tác từ năm 2010. Ngồi trên máy bay rời Việt Nam sau một cuộc hội thảo, nghe thông tin về tình hình bất ổn ngoài biển Đông, cảm xúc trào dâng, chị đã viết "Tổ quốc gọi tên" ngay trên giấy ăn của hàng không dành cho hành khách.

Ngay sau đó, bài thơ được chuyển cho  người bạn văn: nhà văn, nhà báo Hòa Bình. Thời điểm này, Hòa Bình đang làm việc tại Báo điện tử VietNamNet, đơn vị đang phát động cuộc thi sáng tác về biển đảo. Ngay lập tức, bài thơ được đăng tải.

Không đoạt giải của cuộc thi nhưng sau đó "Tổ quốc gọi tên" nhanh chóng được đông đảo công chúng biết đến qua ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình". Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, người phổ nhạc bài thơ chia sẻ rằng, "Tổ quốc gọi tên mình" ra đời trong một buổi tối cuối năm 2011 - thời điểm biển Đông "dậy sóng". Trong giây phút bị thôi thúc bởi ý nghĩ phải làm gì cho quê hương đất nước, anh bắt gặp bài thơ "Tổ quốc gọi tên" của Nguyễn Phan Quế Mai. Ngồi bên cây đàn piano vừa đàn vừa sáng tác, 20 phút sau, ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình" ra đời.

Giọng ca đầu tiên được nhạc sĩ lựa chọn thể hiện là ca sĩ Huỳnh Lợi. Sau đó, ca khúc nhanh chóng được lan tỏa trong khắp cả nước, liên tục được các giọng ca từ chuyên nghiệp, có danh tiếng đến bán chuyên nghiệp biểu diễn trên cả nước. Đúng 30/4/2015, "Tổ quốc gọi tên mình" vang lên trong chương trình đặc biệt kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, điều đặc biệt là cho dù "Tổ quốc gọi tên mình" được rất nhiều ca sĩ chọn biểu diễn trong nhiều chương trình có quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng đều có chung một bản phối âm, phối khí...

Cuộc giao duyên đặc biệt giữa thơ và nhạc nói trên góp phần không nhỏ cho sự thành công của tập thơ "Tổ quốc gọi tên mình" của Nguyễn Phan Quế Mai sau này. Ra mắt bạn đọc từ đầu tháng 7/2015, "Tổ quốc gọi tên mình" trở thành hiện tượng đặc biệt của "làng" xuất bản nói chung, "làng thơ" Việt nói riêng khi được nối bản thêm 1.000 bản in chỉ sau 5 ngày phát hành. Tại buổi giao lưu ngày 23/7, "Tổ quốc gọi tên mình" thu hút đông đảo bạn đọc trẻ.

Chia sẻ về tác phẩm, Nguyễn Phan Quế Mai tâm sự rằng, lâu nay, nhiều người hay nghĩ phụ nữ viết văn thường chỉ sáng tác thành công những gì đời thường, vụn vặt, gắn bó với cuộc sống gia đình, tình cảm riêng tư... 

Ít người nghĩ, phụ nữ thành công khi viết về những gì lớn lao như đất nước, vận mệnh dân tộc... Nhưng với chị, Tổ quốc không chỉ là những gì kỳ vĩ. Tổ quốc là tất cả những gì gần gũi, thân thương. Tổ quốc là cha mẹ, là ông bà, là tiếng Việt trên môi những con người chị gặp ngoài đường... 

Chính tình yêu Tổ quốc đã chắp cánh cho thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Tình yêu Tổ quốc cũng chính là chất xúc tác đặc biệt cho thơ và nhạc giao duyên,  cho ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình" lan tỏa đến người yêu thơ Việt thời gian qua...

Ngọc Nguyễn
.
.
.