Thị trường mỹ thuật vẫn thiếu minh bạch
- Kỳ vọng nào cho trật tự của thị trường mỹ thuật Việt?
- Giám định tác phẩm nghệ thuật: Minh bạch hóa thị trường mỹ thuật
- Đi tìm chìa khóa cho thị trường mỹ thuật Việt Nam
- Thêm nhiều kênh thông tin nhằm minh bạch thị trường mỹ thuật đương đại
Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh trực thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm được thành lập theo chỉ định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cuối năm 2018 tiếp tục là địa chỉ được gửi gắm các kỳ vọng này. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, việc minh bạch thị trường mỹ thuật tiếp tục là vấn đề chưa có giải pháp thỏa đáng.
Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh mới tiếp nhận 7 trường hợp đến đề nghị giám định tác phẩm và 7 trường hợp này đều là giám định tác phẩm hội họa. Hơn thế, tất cả các chủ sở hữu cũng chỉ mới đưa tác phẩm đến như một động thái thăm dò, không tiến hành các quy trình lập hồ sơ thẩm định theo quy định.
Sau khi Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá sơ bộ qua mắt thường đã thấy, tác phẩm đưa đến giám định có nhiều khả năng là tranh giả thì các chủ sở hữu đều không quay trở lại. Mới đây nhất, một nhà sưu tập Nhật Bản đã tặng UBND thành phố Đà Nẵng 326 tác phẩm.
Vì bản thân nhà sưu tập cũng không dám chắc chắn các tác phẩm ông đã mua, sưu tầm nhiều năm qua là tranh thật 100% nên dự kiến, vào cuối tháng 7, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ tiến hành thẩm định toàn bộ số tác phẩm này.
Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng không tiến hành làm hồ sơ, đề nghị Trung tâm giám định theo quy định mà chỉ mời các thành viên trong hội đồng thẩm định của Trung tâm đến giám định với tư cách cá nhân. Đó là chia sẻ của ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sau khi tổng kết chặng đường hoạt động đầu tiên của Trung tâm.
Cũng theo ông Thành, mặc dù nhu cầu giám định tác phẩm là có thật nhưng tâm lý chung của người Việt là đã đưa tác phẩm đến giám định đều chỉ mong muốn kết quả khẳng định tác phẩm mà mình sở hữu là tác phẩm thật. Còn nếu có khả năng tác phẩm đó là giả thì họ thà để nó lập lờ thật giả còn hơn là trắng đen rõ ràng. Giám định chuyên môn phục vụ cho công việc thường xuyên của hoạt động mỹ thuật. Đây là thông lệ quốc tế nhưng tại Việt Nam thì đang như mớ bòng bong.
Thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay đang chịu nhiều tác động xấu do vấn nạn “tranh thật, tranh giả”, kể cả những dòng sản phẩm đã được bán ra từ 20 đến 30 năm trước. Về vấn đề này, bà Dương Thu Hằng, đại diện của Hanoi Studio Gallery cho hay, trong hơn 20 năm hoạt động, đơn vị có rất nhiều khách hàng trong nước và quốc tế đặt ra nhiều câu hỏi là bạn có biết tác giả này hay tác giả kia không? Họ còn cho bà xem một số tác phẩm họ sưu tập. Chuyện họ mua phải tranh giả khá thường xuyên.
Rất nhiều tác phẩm trong số này là của các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, đặc biệt là các tác giả thuộc lớp thế hệ họa sĩ Đông Dương. Nhiều nhà sưu tập biết họ mua phải tranh giả nhưng cũng đành im lặng vì đã trót yêu và mua rồi. Những câu chuyện đau lòng như thế, người làm chủ gallery và cả các họa sĩ trẻ đang làm việc cho đơn vị cũng chỉ có thể lắng nghe như một cách chia sẻ với các khách hàng tương lai của mình.
Nhà sưu tập Lê Hải Phong cũng chia sẻ rằng, người chơi tranh rất cần giám định tác phẩm để tự tin giới thiệu cho người khác. Các gallery cũng cần đến hoạt động giám định. Người không muốn giám định là sợ tranh mình là tranh giả. Có những chỗ chép tranh, bản thân họa sĩ tự chép thì không muốn giám định.
Nhưng giám định tác phẩm mỹ thuật hiện nay vẫn như mớ bòng bong mà muốn tháo gỡ, điều quan trọng nhất vẫn phải là vấn đề pháp lý. Thị trường mỹ thuật trong nước hiện nay chưa đủ lớn, khách chưa nhiều.
Giám định viên thì có thể tận dụng của Nhà nước nhưng vẫn thiếu lòng tin về sự giám định ấy. Lịch sử mỹ thuật Việt có khoảng trăm năm nhưng hồ sơ cho nghệ sĩ – yếu tố quan trọng để xác định tranh thật tranh giả thì thì mờ mịt. Ngay thời điểm hiện tại, nhiều họa sĩ trẻ đã nghĩ đến vấn đề này nhưng cũng không biết bắt đầu từ đâu, không biết làm với ai, dù họ chắc chắn, có hồ sơ cho nghệ sĩ thì người chơi có lợi và nghệ sĩ cũng có lợi.
Đồng tình với ý kiến của nhà sưu tập Lê Hải Phong nhưng ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Nhà đấu giá Chọn còn cho rằng, hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật hiện nay khó khăn không hẳn là tiền bạc, đặc biệt là kinh phí đầu tư cho máy móc.
Con số 150.000 USD hay 200.000 USD để mua máy móc phục vụ công việc không phải là quá lớn với các nhà đầu tư. Nhưng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm là cơ quan quản lý Nhà nước còn kêu khó về vấn đề pháp lý thì tư nhân không dại gì tham gia thành lập trung tâm giám định lúc này.
Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thừa nhận: Tình trạng vi phạm bản quyền, tranh giả, tranh nhái đã diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam. Không ít vụ việc tranh chấp bản quyền, tranh sao chép không đúng quy định, tranh nhái phong cách tác phẩm, vi phạm bản quyền tác giả đang tác động xấu đến thị trường mỹ thuật Việt Nam ở trong nước và quốc tế; không chỉ ở các cuộc đấu giá tranh mà cả ở những triển lãm lớn với một số tác phẩm đã có giải thưởng.
Nước ta đã có thị trường mỹ thuật nhưng còn non trẻ, mới bắt đầu vận hành theo hướng chuyên nghiệp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thành lập Trung tâm giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh với hy vọng đây sẽ là thiết chế cần thiết để vận hành, góp phần làm công khai, minh bạch thị trường mỹ thuật.
Tuy nhiên, thành lập một đơn vị có chức năng giám định thì đơn giản nhưng để đầu tư đầy đủ trang thiết bị khoa học và công nghệ hiện đại để giám định lại không đơn giản. Nó liên quan đến tài chính, đội ngũ chuyên gia sử dụng khoa học công nghệ và các chuyên gia, nghệ sĩ tên tuổi trong giới. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có thời gian khuyến khích, vận động, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân đứng ra thực hiện hoạt động giám định tác phẩm theo thông lệ quốc tế nhưng chưa có đơn vị nào đứng ra thực hiện.
Hiện tại, Thanh tra Bộ đã đề xuất tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý đối với mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, sửa đổi bổ sung nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bản quyền tác giả, quyền liên quan, văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, trong đó có bổ sung hành vi vi phạm về mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm. Thanh tra Bộ cũng đã đề xuất nghiên cứu thực hiện xã hội hóa đối với Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh.