Tái hiện lễ chào cờ đầu tiên khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng
- Lễ chào cờ đầu năm mới ở điểm cực đông trên đất liền
- Xúc động lễ chào cờ trên Quảng trường Ba Đình lịch sử
- Thiêng liêng Lễ chào cờ ở điểm đến cực Đông của Tổ quốc
- Hà Nội kiểm tra việc thực hiện nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca tại một số đơn vị
- Hà Nội đẹp hơn trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Tới dự chương trình có các đồng chí: Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương; Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cùng các nhà khoa học, sử học, các nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh và đông đảo nhân dân. Khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã ôn lại thời khắc lịch sử cách đây 65 năm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu khai mạc chương trình đã nhắc lại dấu mốc lịch sử hào hùng của Thủ đô với giọng đầy xúc động: “Đúng 8h ngày 10-10-1954, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, trong đó có những người con của Hà Nội thuộc Trung đoàn Thủ đô, từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô trong cờ hoa đón chào của hàng vạn người dân Thủ đô. Chỉ 7 tiếng đồng hồ sau, lúc 15h, trong không khí tưng bừng của ngày đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, một buổi lễ đặc biệt đã diễn ra tại sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ). Đó là Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức”.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, chương trình “Ký ức mùa thu” là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống cách mạng, tri ân các nhân chứng lịch sử, các gia đình nhân chứng lịch sử; giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, cũng như quảng bá giá trị văn hóa lịch sử của các di tích cách mạng, của các sự kiện cách mạng diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long trong ngày tiếp quản Thủ đô.
Chương trình “Ký ức mùa thu” gồm 4 nội dung chính: Trưng bày ảnh tư liệu về “Hà Nội mùa thu năm ấy”; lễ chào cờ lịch sử tại vị trí sân Đoan Môn nơi 65 năm trước diễn ra lễ chào cờ đầu tiên của Hà Nội trong ngày tiếp quản Thủ đô; giao lưu với các nhân chứng lịch sử, các nhà sử học về những ký ức của Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954; ra mắt cuốn sách ảnh về Ngày Giải phóng Thủ đô “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về”. Không gian trưng bày “Hà Nội mùa thu năm ấy” gồm 200 hình ảnh, tư liệu gồm 3 phần: Ra đi giữ trọn lời thề (Hà Nội 1946 - 1954); tiếp quản Thủ đô và Lễ chào cờ chiến thắng ngày 10-10-1954; xây dựng cuộc sống mới.
Các khu trưng bày đã kể lại câu chuyện lịch sử về Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Pháp, từ Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), qua 9 năm nếm mật nằm gai, để tiến tới những giờ phút huy hoàng, trang nghiêm làm lễ chào cờ chiến thắng tại sân vận động Cột Cờ ngày 10-10-1954, mở ra chặng đường mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại khu vực sân khấu trước sân Đoan Môn, nơi mà cách đây 65 năm đã diễn ra Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên khi Thủ đô được giải phóng, chương trình nghệ thuật “Khúc tráng ca giữa mùa thu lịch sử” với nhiều tiết mục được dàn dựng công phu đã đưa công chúng được sống lại những giây phút lịch sử đầy xúc động bằng âm nhạc.
Trong giai điệu hào hùng của bản nhạc "Tiến về Hà Nội" của nhạc sĩ Văn Cao, nhiều đại biểu rưng rưng xúc động. Ký ức của mùa thu lịch sử cách đây 65 năm ùa về với bao câu chuyện vừa hào hùng, vừa đẹp đẽ, tự hào…
Ngay khi giai điệu của bản nhạc kết thúc, các đại biểu, cựu chiến binh, các em học sinh cùng nghiêm trang làm lễ chào cờ. Đứng tại không gian từng diễn ra lễ chào cờ lịch sử cách đây 65 năm, lễ chào cờ ngày hôm nay mang đến sự xúc động đặc biệt cho tất cả những người tham gia.