Tác giả Ngô Kim Khôi và những chia sẻ về cuốn sách “Thang Trần Phềnh”

Thứ Hai, 13/08/2018, 09:06
Mặc dù đã có 25 năm gắn bó với nghề tạo mẫu tại kinh đô thời trang Paris nhưng Ngô Kim Khôi vẫn trở về với niềm đam mê từ thuở nhỏ của mình là mỹ thuật. Vào ngày 19-8 tới đây, tại Hà Nội, tác giả Ngô Kim Khôi sẽ giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Thang Trần Phềnh (1895-1973)”.

Cuốn sách được tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là từ các trung tâm lưu trữ tại Pháp, tác giả Ngô Kim Khôi mang đến cho độc giả 90 trang nội dung và gần 70 hình ảnh tư liệu quý về họa sĩ Thang Trần Phềnh và tác phẩm của ông qua các thời kì,... qua đó khẳng định họa sĩ Thang Trần Phềnh đã góp phần đặt nền móng cho nền hội họa Việt Nam trước khi trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với tác giả Ngô Kim Khôi - người đi tìm vết tích những bức tranh của họa sĩ Thang Trần Phềnh.

Tác giả Ngô Kim Khôi.

Phóng viên: Thưa tác giả Ngô Kim Khôi, vì sao ông lại dày công nghiên cứu về họa sĩ Thang Trần Phềnh mà không phải là một tên tuổi khác?

Tác giả Ngô Kim Khôi: Trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời thì nền hội họa Việt Nam có 3 cái tên thường được nhắc tới là Lê Huy Miến, Nam Sơn và Thang Trần Phềnh. Với ông Lê Huy Miến tôi đã làm một chuyên luận kĩ càng “Tiểu sử Lê Huy Miến”. Còn về ông Nam Sơn thì tôi viết về Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và nhấn mạnh vai trò đồng sáng lập, cùng với Victor Tardieu. Tôi đã có những bài viết về Lê Huy Miến, về Nam Sơn thì bây giờ, tất nhiên tôi sẽ viết về Thang Trần Phềnh.

Phóng viên: Được biết cuốn sách về họa sĩ Thang Trần Phềnh có sự đầu tư, dày công nghiên cứu tư liệu. Ông đã tiếp cận nguồn tư liệu ấy như thế nào?

Tác giả Ngô Kim Khôi: Tôi sống ở Pháp. Công tác lưu trữ ở đó rất tốt và tôi cũng có những cơ duyên để tiếp cận. Vì tôi là cháu ngoại họa sĩ Nam Sơn, trong nhà vẫn còn một số tư liệu về trường. Nguồn thứ hai phải nói rằng rất cơ duyên là vì ở Pháp tôi đã được gặp gia đình ông Victor Tardieu và được con trai ông ấy đưa những tài liệu rất quý báu về các trao đổi, thư từ giữa ông hiệu trưởng Victor Tardieu và sinh viên thời ấy. Ông cũng cho tôi xem một số tài liệu về Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, từ đó tôi cũng trích ra được một số thông tin về họa sĩ Thang Trần Phềnh.

Ở Paris còn có một Viện nghiên cứu lịch sử Mỹ thuật, trong đó có nhiều tư liệu về hội họa Việt Nam trong thời kì khởi đầu. Thứ tư là Trung tâm lưu trữ Quốc gia Pháp cũng có những tài liệu quý báu. Tôi đã bắt đầu viết về ông Thang Trần Phềnh cách đây 10 năm. Mỗi khi có tài liệu về ông, tôi lại để riêng ra một bên. Cũng giống như người đi khảo cổ, mình phải khai quật quá khứ. Mỗi chi tiết dù rất nhỏ đều có tầm quan trọng riêng của nó. Từ những thông tin nhỏ nhất tôi đã tỉ mỉ xây dựng nên một bài nghiên cứu rồi hình thành một cuốn sách. Tôi coi đó như một cơ duyên mà tôi có được.

Phóng viên: Vậy thì có những nội dung mới nào được ông dày công tìm hiểu, nghiên cứu để giới thiệu tới độc giả?

Tác giả Ngô Kim Khôi: Như tôi đã nói, đây là một công trình “khai quật” và điều tôi thích nhất là đi tìm những “vết tích” của những bức tranh của Thang Trần Phềnh từ Việt Nam viễn du sang Pháp, hoặc những bức tranh trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời. Nếu không có những tư liệu về tác phẩm  thì tôi không thể viết về họa sĩ.

Nói về bức tranh “Xem bói” vẽ khoảng năm 1929-1931, được mang đi triển lãm tại Pháp năm 1931, sau này bức tranh ấy lưu lạc và hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Singapore. Còn hai bức khác đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là “Phạm Ngũ Lão” và “Thiếu nữ Lào”. Bức tranh “Phạm Ngũ Lão” vẽ trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, còn bức “Thiếu nữ Lào” vẽ sau đó. Từ hai bức tranh này chúng ta có thể so sánh nét bút của họa sĩ Thang Trần Phềnh trước và sau khi học Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Trước khi học Trường Mỹ thuật Đông Dương thì Thang Trần Phềnh là người tự học. Kĩ thuật vẽ của ông có được là nhờ việc học một thầy giáo Trường Bưởi. Khi Hội Khai trí Tiến Đức mở cuộc đấu xảo 1923, triển lãm những bức tranh sơn dầu đầu tiên của nước Việt Nam thì Thang Trần Phềnh đã tham dự một bức là “Phạm Ngũ Lão”.

Lúc ấy kĩ thuật sơn dầu tại Việt Nam chưa có, chỉ mới được học qua sách vở, báo chí chứ chưa được học tại trường. Chúng ta có thể nhìn thấy những nét bút hơi vụng về, không có chiều sâu. Trong khi đó bức tranh “Thiếu nữ Lào” vẽ sau khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời lại thấy được kĩ thuật rất hàn lâm.

Phóng viên: Ông là một nhà tạo mẫu thời trang, lại dành tình yêu nghiên cứu mỹ thuật. Điều gì thôi thúc ông vậy?

Tác giả Ngô Kim Khôi: Tôi là người đến với thời trang do sự ngẫu nhiên, vì có được bàn tay khéo léo. Tôi có được cơ duyên làm việc với những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng nhưng vẫn coi đó là phương tiện kiếm sống. Còn niềm đam mê mỹ thuật đã có từ thuở bé. Tôi đã quyết định không làm thời trang nữa và quãng đời còn lại chỉ dành riêng cho mỹ thuật, viết sách…

Trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời thì Thang Trần Phềnh đã rất nổi tiếng ở Hà Nội, nhưng khi thi vào trường lại không đậu. Có lẽ vì cách nhìn mỹ thuật của ông khác với cách nhìn hàn lâm của người Pháp lúc bấy giờ. Mặc dù vậy, với niềm đam mê mỹ thuật thì ông đã thi đậu khóa 2, cùng với Tô Ngọc Vân và một số người khác.

Cùng với Lê Huy Miến, Nam Sơn thì họa sĩ Thang Trần Phềnh có những đóng góp rất quý báu, khẳng định trước khi có Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã có những người An Nam đam mê hội họa, tự mày mò, tìm kiếm con đường cho nền mỹ thuật nước nhà.

Phóng viên: Cảm ơn những chia sẻ của ông và chúc ông có những phát hiện mới để đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà.

Tác giả Ngô Kim Khôi là một nhà tạo mẫu thời trang tại Pháp, cháu ngoại họa sĩ Nam Sơn (một trong hai người sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương). Ông là tác giả của nhiều bài chuyên luận về họa sĩ Lê Huy Miến (1873-1943), Nam Sơn (1890-1973)- những người có nhiều đóng góp cho buổi bình minh của mỹ thuật hiện đại Việt Nam thế kỉ 20.

Cuốn sách “Thang Trần Phềnh (1895-1973) được tác giả Ngô Kim Khôi tập hợp tư liệu và hoàn thành sau 10 năm nghiên cứu.


Đinh Phương
.
.
.