Vịnh Đà Nẵng - Nơi ghi dấu những biến cố lịch sử

Thứ Hai, 01/05/2017, 15:31
Vịnh Đà Nẵng có tên gọi Đồng Long trong một bài thơ hay của vua Lê Thánh Tông ứng tác trên hành trình mở cõi phương Nam, khi nhà vua dừng chân nghỉ lại cửa biển Hải Vân vào một đêm trăng sáng, cách đây đã gần 550 năm về trước.

Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền” (Canh ba đêm vắng, mảnh trăng Đồng Long vằng vặc/Trống canh năm gió mát, con thuyền Lộ Hạc dập dềnh”. Nhưng không chỉ là một vịnh biển đẹp, nơi đây còn lưu dấu bao biến cố thăng trầm lịch sử…

Theo dòng chính sử, trước khi vua Lê Thánh Tông thân hành xuất quân mở mang bờ cõi về phương Nam, cách đó khoảng 165 năm, cả một vùng đất rộng lớn thuộc hai châu Ô – Lý, kéo dài từ bờ Nam sông Hiếu (Đông Hà, Quảng Trị) vào đến bờ Bắc sông Thu Bồn (Quảng Nam), trong đó có Đà Nẵng, đã là đất đai của Đại Việt. Bởi lẽ, miền đất này đã được vua Chăm Chế Mân làm sính lễ dâng lên vua Trần nước Đại Việt kể từ năm 1306 để xin cưới công chúa Huyền Trân…

Một góc vịnh Đà Nẵng.

Ngày nay, dưới chân núi Xuân Dương, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, bên bờ vịnh Đà Nẵng, vẫn còn ngôi miếu cổ, tương truyền là miếu thờ công chúa Huyền Trân. Ngôi miếu gắn liền với sự tích Nhập nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ Trần Khắc Chung giải cứu công chúa Huyền Trân thoát khỏi họa “lửa thiêu” và sự truy sát của quân Chiêm. Đây là chuyện ngoài chính sử và có điểm khác biệt với các miếu thờ Huyền Trân Công chúa trên miền Thuận Hóa mà rất ít người được biết…

Các bô lão làng Xuân Dương kể rằng, ngôi miếu cổ ghi nhớ công lao người con gái Đại Việt “mượn màu son phấn, đền nợ Ô, Lý”, gắn liền với sự tích tiền hiền của hai làng Nam Ô và Xuân Thiều. Dù chuyện không ghi trong chính sử, nhưng “nằm lòng” trong bao thế hệ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này.

Vì sao thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều chọn Đà Nẵng để đổ quân xâm lược Việt Nam, mà trong đó quân Mỹ lại chọn bãi biển Phú Lộc – Xuân Thiều, của vịnh Đà Nẵng, để đổ quân?

Nhắc đến bài thơ “Hải Vân hải môn lữ thứ” (Nghỉ lại ở cửa biển Hải Vân) mà vua Lê Thánh Tông đã gọi vịnh Đà Nẵng với tên Đồng Long, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, lúc đó có thể nhà vua đứng ở núi Hải Vân phóng tầm nhìn bao quát về vùng đất phía Nam thì thấy hiển hiện 2 dòng sông uốn khúc như hai con rồng, chảy vào vịnh biển đẹp tựa mặt trăng, nên gọi là Đồng Long. Hai dòng sông kia là sông Cu Đê và sông Hàn, tạo thành thế “song long nhiễu nguyệt”. Lại thêm, vịnh Đà Nẵng được bao bọc bởi 2 dãy núi Hải Vân và bán đảo Sơn Trà cũng giống như hai con rồng trong thế “song long chầu nguyệt”…

Nhưng, đó là cách liên tưởng của bậc minh quân, cũng là một thi nhân. Dưới con mắt của nhà quân sự tài ba như Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, khi còn làm lãnh trấn Quảng Nam (1558), ông đã nhìn nhận, vùng đất dưới chân núi Hải Vân, bên cửa Hàn là “Cửa ngõ yết hầu miền Thuận Quảng”. Với tầm nhìn chiến lược đó, ông đã theo gót tiền nhân mở mang bờ cõi Đại Việt về phương Nam, khai sinh ra triều đại nhà Nguyễn sau này…

Miếu cổ tương truyền thờ công chúa Huyền Trân.

Thạc sĩ Sử học Lưu Anh Rô, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho rằng, cũng như Pháp, Mỹ quyết định chọn Đà Nẵng làm nơi đổ quân, vì tính chất trọng yếu của địa bàn chiến lược để hình thành căn cứ thực hiện cuộc chiến tranh trên quy mô lớn hòng thâu tóm nước ta. Cho đến nay, có nhiều tài liệu đề cập khác nhau về thời điểm, địa điểm, số quân và nơi đóng quân của lính thủy đánh bộ Mỹ sau khi vào Đà Nẵng cách đây đã hơn nửa thế kỷ trước. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, có một điểm chung, đó là vào khoảng 8h30 sáng 8-3-1965, hai tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 9, với chừng 3.500 quân Mỹ, đổ bộ vào bãi biển vịnh Đà Nẵng. Đây cũng là đơn vị chiến đấu đầu tiên của quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam.

Theo ông Lưu Anh Rô, tại chiến trường Quảng Đà, ngay khi Mỹ đổ quân, tháng 3-1965, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà họp mở rộng, nhận định “Việc Mỹ ào ạt đưa quân vào không ngoài dự kiến của Trung ương, do đó ta phải khẳng định quyết tâm: Chưa giải phóng miền Nam thì còn đánh, chiến tranh gì cũng đánh, đối tượng nào cũng đánh, đông bao nhiêu cũng đánh và lâu dài bao nhiêu cũng đánh...”.

Thực tế, sau cuộc đổ quân vào Đà Nẵng, Mỹ tiếp tục đưa vào một lực lượng hùng hậu, có thời điểm cao nhất là 500.000 quân, song không cứu vãn được tình thế khi quân và dân Đà Nẵng, lực lượng tuyến đầu chống Mỹ với phương châm “bám thắt lưng địch mà đánh” đã lập nên bao chiến công oanh liệt, góp phần cùng quân và dân miền Nam và cả nước, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Còn nhớ dịp kỷ niệm 28 năm giải phóng Đà Nẵng - ngày 29-3-2003, TP Đà Nẵng khánh thành và đưa vào sử dụng đường Nguyễn Tất Thành, con đường có  chiều dài hơn 12km, ôm một vòng dọc theo bờ vịnh Đà Nẵng, từ cầu Thuận Phước đến Nam Ô, tạo thành hình vòng cung tuyệt đẹp. Khi đô thị Đà Nẵng lên đèn, đứng ở núi Hải Vân nhìn về con đường này sáng lấp lánh như chuỗi ngọc trên cổ “cô gái” đang tuổi xuân thì…

Ngày ấy, lãnh đạo và người dân Đà Nẵng đều tự hào rằng, con đường là ban công nhìn ra biển của ngôi nhà Đà Nẵng. Con đường làm thay đổi diện mạo đô thị Đà Nẵng, sẽ cải thiện cuộc sống người dân ngày một tốt hơn; đặc biệt tạo nhiều cơ hội mới cho ngành Du lịch, mang lại cho du khách thập phương sự trải nghiệm đầy thi vị…

Quân Mỹ đổ bộ lên bãi biển vịnh Đà Nẵng.

Thực tế, sau những trận bão lớn, đặc biệt là bão Xangsane năm 2006, người ta đã kịp nhận ra sự hạn chế, do thiết kế con đường chạy sát bên chân sóng của vịnh biển. Không có rừng phi lao phòng hộ, sóng biển từ vịnh Đà Nẵng đã bị gió bão đánh vào tận nhà dân phía bên kia đường Nguyễn Tất Thành, dù mặt cắt con đường này rộng đến 45m. Rồi tình trạng ô nhiễm sông Phú Lộc chảy thẳng ra vịnh Đà Nẵng, khiến cho vịnh biển đẹp thưa vắng dần người đi tắm biển...

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường vịnh biển, TP Đà Nẵng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng Trạm xử lý nước thải sông Phú Lộc, cải tạo môi trường thoát nước con sông “nước đen” này. Tuy nhiên, cũng mới chỉ hạn chế phần nào…

Nhắc lại chuyện xưa, ngẫm chuyện nay, những người yêu quý Đà Nẵng - thành phố bên bờ biển xanh, lại mong ngóng có một sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng và sự đồng thuận của người dân để vịnh Đà Nẵng trong tương lai đẹp hơn. Có chung sức, thống nhất một lòng giữa chính quyền, ngành Du lịch và người dân, cùng với những giải pháp tháo gỡ, như tạo nên rừng phi lao phòng hộ ven biển, giải quyết rốt ráo vấn nạn ô nhiễm môi trường nước từ sông Phú Lộc, thì mới mang lại vẻ đẹp thực sự cho vịnh biển Đà Nẵng như những gì vốn có…

Long Vân
.
.
.