Những người mang lại sinh khí mới cho Sa Pa

Chủ Nhật, 22/01/2017, 16:19
Với địa thế thuận lợi và được thiên nhiên ưu đãi, Sa Pa là điểm du lịch hấp dẫn du khách cả bốn mùa trong năm. Đặc biệt hơn, nhiều người trẻ địa phương đã khởi nghiệp từ những lợi thế sẵn có, phát triển kinh tế gia đình, góp phần làm cho mảnh đất trữ tình này càng trở nên lung linh.


Tại Sa Pa những năm qua đã nổi lên nhiều tấm gương làm du lịch, phát triển kinh tế. Đầu tiên phải nhắc đến cô gái dân tộc Mông đầy nghị lực là Tẩn Thị Su - người đã thành lập Sapa O'Chau, cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải theo mô hình du lịch cộng đồng. Đây là hình thức tổ chức du lịch thiện nguyện, gây dựng quỹ giúp đỡ trẻ em, người nghèo và nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng.

Trước đó, Su từng là cô gái cả ngày lẽo đẽo bám theo khách du lịch để bán đồ lưu niệm ở khu vực nhà thờ. Nhiều khi cô phải tranh giành khách, chơi xấu nhau kiểu trẻ con.

Lý Láo Lở, chân dung ông chủ trẻ.

Những đứa trẻ xung quanh cô không người Mông thì cũng người Dao, nhà nghèo, bỏ học đi bán hàng. Nhiều khi nửa đêm mới đi bộ từ thị trấn về Lao Chải, mỏi chân và buồn vì không bán được hàng. Tiếng Kinh chỉ bập bẹ, Su học lỏm những từ tiếng Anh đầu tiên từ khách du lịch.

Cô cho biết, khoảng năm 2000, du khách nước ngoài đến Sa Pa rất tốt bụng. Họ sẵn lòng ngồi lại để dạy lũ trẻ một vài câu tiếng Anh cơ bản. "Em học từ đó, mỗi ngày thêm một vài chữ, rồi cũng đến lúc giao tiếp được với khách nước ngoài", Su nói.

Năm 2007, với sự giúp đỡ của một số khách du lịch người Úc, "cô gái Mông nghiện game" bắt tay vào dự án Sapa O'Châu, với mong ước có thể cung cấp các dịch vụ du lịch tốt, mang lại hình ảnh đẹp để các bạn trẻ người dân tộc noi theo chứ không chỉ biết làm nương làm rẫy hay trẻ em chỉ biết ra trước nhà thờ chèo kéo khách.

Theo thời gian cô còn mở rộng sang kinh doanh đồ uống, hàng thổ cẩm tại Sa Pa. Mới đây, Tẩn Thị Su còn thành lập ra trường học, có tên Sapa O'Chau (cũng có nghĩa là cảm ơn Sa Pa). Nhiều người đặt câu hỏi vì sao một cô gái nhỏ nhắn, sinh năm 1986 lại có thể trở thành một tấm gương thiện nguyện từ hơn chục năm qua, đồng thời năng động tạo sinh khí cho vùng du lịch?

 Cô bảo rằng, là vì thương bà con, thương người Mông nên cái đầu phải nghĩ. Mà không phải học đâu xa, cứ học những vị khách đến khám phá, họ thông minh, nhiệt tình và tôi biết có thể hợp tác được với họ".

Hướng dẫn khách du lịch tại Sa Pa.

Một tấm gương khác về tổ chức du lịch homestay là anh Đào A Son ở bản Dền (xã Bản Hồ) - người đầu tiên trong bản làm tour du lịch Sa Pa giá rẻ. Anh Son cho biết mô hình đón khách về "3 cùng" (ăn, ở, làm) đã phát triển ở Sa Pa khoảng hơn 10 năm nay, đồng thời mô hình của anh cũng trở thành một trong những "đặc sản du lịch" ở Sa Pa.

Nhiều người nông dân ở bản Dền nhớ lại, trước đây hơn 130 hộ ở bản Dền chỉ biết làm nương rẫy nên cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Những người con bản Dền được đi học trăn trở: "Truyền thống văn hóa thì có hát Then, đàn tính, múa xòe, cảnh sắc thì tuyệt vời, vậy sao chấp nhận đói nghèo?".

Anh Son là một trong những người đi đầu không chấp nhận đói nghèo. Từ hơn chục năm trước, anh đã được dự các lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch, sau khi có kiến thức, anh vay tiền anh em, ngân hàng để sửa sang nhà cửa, mua sắm trang bị nội thất, chuyển khu chăn nuôi xa nơi người ở.

Anh Son tâm sự: "Ngoài cải tạo về nhà, tôi cũng phải đào ao thả cá, nuôi gà đen, trồng mận tín, rau cải… để làm nguồn cung cấp thực phẩm khi đón khách. Vợ tôi cũng củng cố lại kiến thức dệt vải và thổ cẩm để có thể hướng dẫn cho khách làm, rồi còn bán sản phẩm cho khách nữa".

Noi gương người đi trước, nhiều ông chủ trẻ đầu tư tiền của, làm mô hình du lịch homestay. Cho đến nay bản có 34 nhà sàn chuyên đón du khách, mỗi nhà sàn được cải tiến thêm một tầng gác, có thể phục vụ 40 người. Nhờ làm dịch vụ, đời sống bà con được nâng lên, bụng ấm, cơm no, bà con nghĩ đến chuyện đầu tư cho con cái học hành.

Ở một hướng đi khác, chàng trai Má A Nủ hiện là chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) H'Mông Cát Cát (xã San Sả Hồ). A Nủ từng đi làm thuê và nhận thấy dù bản Cát Cát, nơi anh được sinh ra là địa chỉ du lịch khá nổi tiếng, nhưng đa phần đời sống người dân gặp khó khăn.

Năm 2013, khi một người bạn giới thiệu về nghề chưng cất tinh dầu từ thảo dược, Nủ đã nghĩ đến việc phải làm giàu bằng công việc này, cung cấp sản phẩm cho du khách thập phương, phát triển kinh tế. Năm 2014, Nủ đến tận Ninh Bình học nghề và về bản Cát Cát thành lập HTX, anh vay tiền mua máy móc về để sản xuất quy mô lớn.

Anh Má A Nủ thổi khèn trong dịp đầu xuân.

Hiện nay HTX H'Mông Cát Cát sản xuất được nhiều nhóm sản phẩm từ dệt thổ cẩm, làm đồ thủ công truyền thống, làm nến và đặc biệt là sản phẩm từ chưng cất tinh dầu thảo dược. Nủ cũng đã mang sản phẩm của mình đi triển lãm, ký gửi ở các đại lý tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, đến nay HTX đã có tên trên thị trường.

Sau hơn ba năm khởi nghiệp, Nủ đã khẳng định được dự án nghiêm túc của mình, chứng minh cho anh em, họ hàng, gia đình thấy nghị lực của sự dấn thân, dám nghĩ, dám làm.

Anh khẳng định: "Để bảo đảm chất lượng, giúp nghề phát triển bền vững, chúng tôi chỉ tập trung sản xuất từ nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên. Sản phẩm tốt mới nhận được sự đón nhận của thị trường".

Một tấm gương dám nghĩ dám làm khác là cô gái Giàng Thị Lang, người dân tộc Mông ở thôn Bản Sài, xã Nậm Sài, cũng thuộc huyện Sa Pa và cách thị trấn Sa Pa 33 km.

 Nậm Sài vốn là một điểm du lịch cộng đồng, nhưng đời sống người dân vẫn chưa vơi khó khăn do phải phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Giàng Thị Lang đã nổi lên với tư cách người sáng lập công ty du lịch Real Sapa, "thiết kế" các tour du lịch trải nghiệm và mạo hiểm.

Người dân kể rằng, trước đây gia đình quá nghèo, Lang chỉ được học hết lớp 4 rồi phải theo mẹ đi bán hàng. Nhiều lần cô được tiếp xúc với khách nước ngoài và cô đã học được tiếng Anh giao tiếp khá tốt. Năm 13 tuổi, cô đã được nhận vào làm hướng dẫn viên cho một công ty lữ hành ở Sa Pa. Nhờ chị gái đi trước, mở được cửa hàng nhỏ tại thị trấn, cộng với tiền tích cóp được, Lang đã quyết tâm mở công ty du lịch mang tên Real Sapa do 100% người dân tộc vận hành.

Công ty cung cấp các dịch vụ du lịch trọn gói và sản xuất nông sản sạch cung cấp ra thị trường. Nhưng để có được như ngày hôm nay, bản thân cô đã phải đi học rất nhiều, đồng thời mau chóng truyền đạt, dạy lại cho bè bạn, các em để có thể vận hành tốt công ty.

"Cũng may mọi người rất quyết tâm và sáng dạ. Bản thân em cũng phải đi học nhiều nơi để tìm giống cây, làm trang trại, phát triển du lịch homestay. Chúng tôi hiện là những người đầu tiên và duy nhất trồng cây ăn quả hữu cơ tại Sa Pa.

Trước đó người dân chủ yếu chỉ trồng ngô và lúa nương. Người dân vẫn phải tiêu thụ hoa quả từ miền Nam hoặc Trung Quốc nhập về. Trong khi đó chúng tôi nhận thấy thời tiết ở Sa Pa rất tốt và có nhiều loại cây ăn quả và có thể tự trồng được", Lang cho hay.

Do điều kiện địa lý nên việc phân phối sản phẩm gặp không ít khó khăn. Dù vậy người phụ nữ trẻ vẫn tiếp tục ước mơ cung cấp hoa quả sạch không chỉ cho Lào Cai mà nhiều tỉnh khác.

Nhiều chuyên gia nhận định, Sa Pa đã được tiếp thêm luồng sinh khí mới từ những tấm gương khởi nghiệp. Với tuổi trẻ và khát vọng, những người trẻ khởi nghiệp nơi các bản làng của Sa Pa sẽ không chỉ tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách mà còn là tấm gương để những bạn trẻ khác noi theo, xóa dần cảnh nhếch nhác trẻ em cứ phải đi chèo kéo khách mua đồ.

Cùng với sự phát triển chung, bản Tả Phìn cũng đã chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, từ nông nghiệp sang phục vụ du lịch có sự tham gia của nhiều thanh niên trẻ. Anh Lý Văn Phúc, người dân tộc Dao ở xã Tả Phìn, chia sẻ: "Phục vụ du khách bằng những cái mình có sẵn và tự sản xuất được, rất yên tâm. Ngoài việc có thể kiếm được tiền, nâng cao đời sống kinh tế, chúng tôi còn có thể giới thiệu tới du khách truyền thống văn hóa của dân tộc mình tới khách quốc tế".

Một trong những tấm gương khởi nghiệp với bài thuốc tắm của người Dao là anh Lý Láo Lở, sinh năm 1982. Trải qua nhiều gian khó, Lở đã trở thành giám đốc nổi tiếng, điều hành một công ty có dịch vụ spa, phục vụ khách tham quan và nghỉ dưỡng.

Nhiều năm qua, để tận dụng lợi thế làm du lịch, chính bản thân mỗi người nông dân ở Sa Pa đã thay đổi. Trước hết đã thay đổi cách nhìn về cuộc sống theo hướng mở, không còn hạn hẹp, nhỏ lẻ như cách mà bao nhiêu năm trước họ sống theo kiểu tự cung tự cấp, nghĩ đến cái lợi trước mắt.

Thứ hai là thay đổi tư duy, tổ chức để Sa Pa trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thân thiện không chỉ với khách trong nước mà hướng tới phục vụ một cách chuyên nghiệp, năng động đối với đối tượng khách nước ngoài.

 Theo đó, người nông dân còn trang bị kỹ năng làm du lịch, vốn ngoại ngữ để giao tiếp, cung cấp các sản phẩm sạch từ nông nghiệp. Đây là bằng chứng, chứng tỏ người dân Sa Pa nói chung, giới trẻ nói riêng đã hòa nhập rất tốt vào con đường thay đổi cuộc sống, tư duy nơi mảnh đất tươi đẹp này.

Ngô Thục Miên
.
.
.