Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Không cô đơn
- Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về cõi vĩnh hằng
- Ôm giấc mộng trong từng kỷ niệm
- Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Tiếng dương cầm không lặng lẽ
- Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ‘thất hứa’ với công chúng vì ca sĩ Ý Lan
Những giai điệu yêu đương
Tôi có may mắn nhiều lần được làm người dẫn chuyện trong các đêm nhạc có quy mô nhỏ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tại Hà Nội. Có một điều là nội dung chương trình gần như không thay đổi, bởi kiểu gì cũng phải thể hiện những nhạc phẩm đóng đinh với ông, nhưng lần nào khán giả cũng đến chật kín, có khán giả không vắng mặt một lần.
Có lẽ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cảm nhận được tình cảm của khán giả Hà Nội nên ông cũng không nề hà gì khi trở ra từ TP Hồ Chí Minh để thực hiện những đêm nhạc nho nhỏ trong các phòng trà như vậy. Tôi có cảm nhận, khán giả đến với Nguyễn Ánh 9 bên cạnh để thưởng thức những ca khúc yêu thích, còn là để lắng nghe những tự sự của vị nhạc sĩ mà mình yêu mến.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ra đi ngày 14/4/2016 ở tuổi 76 tại TP Hồ Chí Minh. |
Những câu chuyện ông chia sẻ lại luôn chất chứa những cung bậc cảm xúc. Trong những đêm ấy, tất cả đều toát lên một vị nhạc sĩ có trái tim nhân hậu và luôn ngập tràn yêu thương. Có một câu chuyện lần nào tôi cũng muốn gợi lên bằng những câu hỏi để ông chia sẻ. Đó là một chuyện tình đẹp và buồn của một cô vũ nữ Sài Gòn với một chàng sinh viên y khoa nghèo. Cô có một tình yêu chân thành và vì tình yêu ấy, cô chấp nhận hằng đêm tới vũ trường để có thể đủ trang trải cho cuộc sống và lo cho người yêu ăn học.
Thời gian trôi qua, chàng sinh viên cũng đã đến ngày vinh quy. Buồn thay, khi đã trở thành một vị bác sĩ trẻ, chàng đã từ bỏ tình yêu ấy để đến với một cuộc tình khác. Là một người nhạc công chơi đàn, đồng thời cũng là bạn của chàng trai kia, chứng kiến toàn bộ cuộc tình ấy, chứng kiến hình ảnh lẻ loi của cô vũ nữ sau mỗi đêm rời vũ trường khi cuộc tình đã tan vỡ.
Nguyễn Ánh 9 tự đặt câu hỏi: “Đêm nay tôi đưa em về…” còn “Đêm mai ai đưa em về?” và rồi tuôn trào thành một nhạc phẩm sống cùng thời gian “Ai đưa em về”. Ông bảo, đấy chính là ông nói lời xin lỗi cô gái thay cho bạn mình.
Trái tim người nghệ sĩ vốn mong manh, đôi khi, chỉ một hình ảnh đẹp bất chợt nhìn thấy cũng khiến ông rung cảm. Một buổi chiều mưa, ngồi trong quán café nhìn ra phố, thấy xa xa nơi góc phố có một đôi tình nhân đang đứng trú mưa. Bỗng thấy hình ảnh ấy thật đẹp.
Chỉ thế thôi, nhạc sĩ đã tự viết lên câu chuyện tình của đôi bạn trẻ ấy: “Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu. Cho nhau trọn đời dẫu có điêu linh” nhưng rồi nhạc sĩ chợt nghĩ, tình yêu thì thật đẹp, nhưng có khi lấy nhau rồi tất cả những tật xấu sẽ dần lộ ra rồi cả những vướng bận những nhu cầu mưu sinh có thể sẽ làm tình yêu của họ bị giảm đi. Vậy thì phải giúp đôi bạn trẻ giữ khoảnh khắc đẹp của tình yêu ấy trở thành vĩnh cửu.
Làm được điều đó chỉ có cách duy nhất và nhạc sĩ quyết định cho “khai tử cuộc tình” ngay từ câu mở đầu của nhạc phẩm: “Tình chết không đợi chờ. Tình xa ai nào ngờ…” để rồi tiếp nối là nỗi khắc khoải, nhớ thương về một cuộc tình xa trong ngày mưa thuở nào với những ca từ hết sức đẹp đẽ, lãng mạn. “Tình khúc chiều mưa” ra đời như thế.
Sự nghiệp bắt đầu từ "Không"
Đôi khi một nhạc phẩm có khởi nguồn từ một câu nói bông đùa. Còn nhớ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ, khoảng cuối 1969 đầu 1970, trong lần lưu diễn tại Nhật Bản cùng Khánh Ly, sau buổi diễn tại một hội chợ ở Osaka, đang đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, Khánh Ly có hỏi vui: “Này, mày có yêu tao không đấy”, Nguyễn Ánh 9 vui vẻ chế luôn nhạc vào câu trả lời: “Không, tôi không còn yêu em nữa” rồi cũng quên.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cùng vợ tại Hà Nội. |
Không ngờ câu ngẫu hứng vu vơ ấy khiến Khánh Ly nhớ. Trở về nước, bà đề nghị Nguyễn Ánh 9 viết thành một nhạc phẩm hoàn chỉnh. Vậy là “Không” ra đời. Đương nhiên, Khánh Ly là người đầu tiên thể hiện ca khúc này. Bà đã thu âm và giới thiệu trong đĩa nhựa có tên “Tình ca quê hương”.
Nhưng chính giai đoạn đầu thập niên 1970 đó, phong trào nhạc trẻ đang lan rộng tại Sài Gòn, nhạc phẩm “Không” đã được nhóm nhạc trẻ hát lại với tiết nhịp nhanh hơn, trở thành một nhạc phẩm vui nhộn và cũng chính từ cách thể hiện ấy đã đẩy tên tuổi Elvis Phương nhanh chóng trở nên nổi tiếng và “Không” trở thành ca khúc để đời của nam ca sĩ này.
Không những thế, “Không” còn được ca sĩ nổi tiếng khắp châu Á người Trung Quốc Đặng Lệ Quân chuyển ngữ và hát với phiên bản mang tên “Anh”. “Không”, một nhạc phẩm đánh dấu sự nghiệp sáng tác đối với Nguyễn Ánh 9 như vậy là thuận lợi.
Nhưng Nguyễn Ánh 9 có tới 2 bài “Không”. Trong một lần tôi và Nguyễn Ánh 9 trò chuyện cùng khán giả về câu chuyện này hồi giữa năm 2011, ông kể, lúc “Không” đang rất nổi gắn với Elvis Phương nhưng cùng ở phòng trà ông làm còn có Carol Kim. Cả hai cứ tranh nhau hát “Không”, “người nào mà tới trước thì người đó hát bài Không, thì người sau hết hát.
Thấy hai đứa cứ giành nhau hoài, tôi nói thôi tụi bay đừng giành nhau, anh viết cho tụi bay thêm một bài nữa. Mỗi đứa một bài chia nhau hát, đứa nào đến sớm hát bài “Không 1”, đứa nào đến trễ hát bài “Không 2”. Nhưng chưa hết, bữa đó ông bảo còn một bài nữa bài “Không 3”. Rồi ông lý giải, bài “Không 1” là “Không, không, tôi không còn yêu em nữa, thực tế là còn yêu nhiều lắm. Vì nếu không yêu nữa thì làm gì có cái kết là “Em ơi”. Đến bài “Không 2” “Không đến với tôi đến với tôi nữa làm gì”. Tức là cô ấy bỏ mình rồi cô trở về thì mình mới nói là thôi đừng đến nữa mà làm gì. Cho nên bài thứ 3 mới nói thật lòng mình là tôi vẫn còn yêu em.
Nhưng bài “Không 3” đó chỉ nằm trong dự định thôi chứ ông còn chưa viết xong mà Nguyễn Ánh 9 bảo “Tôi nghi là chắc sẽ không bao giờ có bài Không 3. Vì bài Không 3 chỉ có mấy câu thôi”. Rồi ông cất giọng hát ngẫu hứng một giai điệu có hơi hướng tương đồng nhưng phát triển ở âm khu cao hơn so với “Không 1”: “Không, không tôi vẫn còn yêu em. Không, không tôi vẫn còn yêu em. Không không tôi vẫn còn, tôi vẫn còn yêu em mãi, em ơi”.
Dẫu thế, Nguyễn Ánh 9 sáng tác cũng không nhiều, cho tới nay công chúng chỉ biết chừng trên 20 ca khúc của ông. Ngoài những bài đã nhắc còn phải kể tới “Buồn ơi chào mi”, “Biệt khúc”, “Cho người tình xa”, “Kỷ niệm”, “Mùa thu cánh nâu”, “Xin như làn mây trắng”, “Xin đừng nói yêu tôi”, “Trọn kiếp đơn côi”, “Tình yêu đến trong giã từ”, “Một lời cuối cho em”…
"Cô đơn" là một đặc ân
Nguyễn Ánh 9 từng chia sẻ, hồi thập niên 90 của thế kỷ trước, một đêm sau buổi làm trên đường đạp xe về, chợt vang lên trong đầu ông câu hát: “Người hỡi cho tôi quên đi bao nhiêu kỷ niệm xa xưa. Người hỡi cho tôi quên đi bao nhiêu mộng đẹp nên thơ”, về đến nhà ông viết tiếp được thêm: “Tình yêu đã chết trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi. Chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi cô đơn bơ vơ, tiếng hát lạc loài”. Và rồi không nghĩ được thêm gì nữa.
Bẵng đi một thời gian dài, trong lần dự đám cưới của một học trò, nghe được câu chuyện tình đẹp của họ, nhạc sĩ đã hết sức vui mừng khi có thể cất lên được những câu hát mở đầu: “Hạnh phúc như đôi chim uyên tung bay ngập trời nắng ấm. Hạnh phúc như sương ban mai long lanh đậu cành lá thắm…”.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong một đêm nhạc của ông tại Hà Nội. |
Vậy là để hoàn thiện “Cô đơn”, Nguyễn Ánh 9 phải mất tới 5 năm ròng. Người ta vẫn thường nghĩ nhạc sĩ vốn tâm hồn lãng mạn, hay phiêu lãng tình cảm để có được những tác phẩm đẹp. Nguyễn Ánh 9 cũng thừa nhận ông có những cuộc tình và nó chính là chất xúc tác giúp ông có cảm hứng để viết nên những ca khúc. Nhưng tất cả đều diễn ra trước khi hai vợ chồng ông đến với nhau. Và vì vậy, viết về tình yêu với Nguyễn Ánh 9 tựa như viết hồi ký, khơi gợi lại từ một niềm ký ức xa xưa đã có lúc tưởng chừng lãng quên.
Câu chuyện để làm nên một tuyệt phẩm “Cô đơn” sống cùng thời gian còn dài hơn thế bởi sâu xa trong nguồn cảm xúc của ông, chính là hình ảnh một nữ ca sĩ với giọng hát mê hoặc lòng người mà ông đã từng đệm đàn trong nhiều năm. Và rồi những biến cố của thời cuộc đã khiến tiếng hát ấy phải rời xa quê hương tha hương xứ người. Thành ra mới có câu “Em như chim trời phiêu lãng, bay đi cùng năm tháng, còn chờ chi ước mong”.
Còn ông, bao năm vẫn vậy, vẫn hằng đêm miệt mài bên cây đàn dương cầm để bầu bạn, để vơi đi nỗi nhớ cố nhân thì mới có: “Tôi, đêm đêm cùng tiếng hát, cho vơi niềm thương nhớ…”. Không thể quên được, trong ông vẫn im đậm tiếng hát ấy, và hình dung tiếng hát cứ chênh vênh, chơi vơi giữa nơi xa lạ không biết thế nào thành ra mới có câu kết “Cô đơn, bơ vơ, tiếng hát lạc loài”. Ông tự thấy con người ấy cô đơn, bơ vơ, giọng hát ấy lạc loài nơi xứ người.
“Cô đơn” ra đời nhanh chóng được nhiều ngôi sao ca nhạc trong nước, hải ngoại thể hiện và được công chúng đón nhận như một đỉnh cao mới của Nguyễn Ánh 9 sau 1975. Nhưng với ông như thế vẫn chưa đủ. “Cô đơn” là ông viết cho nữ ca sĩ kia. Còn chính Nguyễn Ánh 9 cũng là một phần của câu chuyện ấy. Và thế là “Bơ vơ” ra đời như thể nói chính tâm trạng của tác giả: “Một mình bơ vơ với nỗi đau…”.
Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, phải có một cái kết cho cuộc tình này, dù đó là cái kết buồn. Chỉ có thế Nguyễn Ánh 9 mới dứt ra được khỏi nó. Vậy là cuối cùng “Tiếng hát lạc loài” giờ thành tâm trạng của cả hai: “Còn gì nữa đâu trong cuộc tình này. Còn gì nữa đâu chua xót tình đầy… Cô đơn, niềm đau vây kín. Bơ vơ, chiều vàng mây tím. Tiếng hát ngày nào vẫn mãi lạc loài… nơi đâu?”.
Vậy là phải mất nhiều năm và viết đến 3 bài mới đủ để vơi bớt nỗi niềm cho một cuộc tình ám ảnh tâm hồn Nguyễn Ánh 9. Chính vì vậy, cả 3 ca khúc này bên cạnh là những bài độc lập thì còn là một liên ca khúc kể về một chuyện tình. Có một điều thú vị, tên của ba ca khúc chính là những từ nằm liên tiếp trong câu kết của bài “Cô đơn” đó là: “Cô đơn”, “Bơ vơ” và “Tiếng hát lạc loài”.
Nổi danh với những nhạc phẩm về tình yêu, nhắc đến Nguyễn Ánh 9 không ai có thể phủ định những đóng góp của ông cho nền âm nhạc đại chúng nước nhà. Vậy nhưng năm 2000, ông mới lần đầu ra Hà Nội mà lại trong vai trò một nhạc công đệm đàn trong liveshow của ca sĩ Ánh Tuyết với chủ đề âm nhạc của Văn Cao.
Thế rồi, khán phòng như vỡ òa cảm xúc khi biết người nhạc công ấy chính là Nguyễn Ánh 9. Hà Nội sau đó ghi dấu nhiều đêm nhạc Nguyễn Ánh 9, hàng chục đêm được tổ chức ở các phòng trà trong khắp thành phố. Lại có những liveshow được tổ chức hoành tráng tại Nhà hát Âu Cơ. Đặc biệt, có tới 2 lần tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trong đó liveshow “Kỷ niệm” do Vàng Son Một Thuở tổ chức hai đêm liền 16 đến 17-5-2015 dành tặng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được ông gọi là liveshow cuộc đời.
Nổi danh là vậy nhưng Nguyễn Ánh 9 luôn khiêm nhường, gần gũi với mọi người. Bên cạnh sáng tác, ông vẫn miệt mài bên cây đàn dương cầm với vai trò một nhạc công. Nguyễn Ánh 9 duy trì mỗi buổi chiều hàng ngày chơi đàn dương cầm tại khách sạn Soffitel Sài Gòn cho mãi tới những ngày gần đây, sức khỏe không cho phép ông mới dừng hoạt động này.