Ngã Ba Giồng – nơi ghi dấu lịch sử oai hùng

Thứ Bảy, 02/02/2019, 18:10
Có lẽ không nhiều người, nhất là thế hệ trẻ sau này biết rằng Ngã Ba Giồng là một địa danh lịch sử đặc biệt, là nơi ghi nhớ tinh thần quật cường chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. 


Những ngày cận Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cũng trùng vào dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi tìm về Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng ở ấp 5 xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. 

Nơi đây đã được được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia vào ngày 30-12-2002 và được UBND TP Hồ Chí Minh qui hoạch, xây dựng thành địa điểm du lịch truyền thống để nhớ về một thời kỳ ác liệt mà người dân Nam Bộ đã cùng Đảng ta làm nên những sự kiện anh hùng.

Cổng chính vào Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng.

Điều khiến chúng tôi bất ngờ là khu tưởng niệm được xây dựng và gìn giữ rất trang nghiêm, sạch đẹp, quang cảnh xung quanh được sắp xếp và trang trí một cách hài hòa, xanh ngút mắt.

Nhưng có lẽ qua những lời giới thiệu của Ban lãnh đạo khu tưởng niệm, những gì chúng tôi biết được về khu tưởng niệm và những câu chuyện lịch sử oai hùng diễn ra thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân nơi đây mới khiến chúng tôi bất ngờ hơn và thật sự cảm phục, thêm yêu vùng đất và con người nơi đây.

Đền tưởng niệm và bia tưởng niệm trong khuôn viên khu tưởng niệm.

Huyện Hóc Môn vốn nổi tiếng, được cả nước biết đến với cuộc khởi nghĩa 18 thôn Vườn Trầu vào năm 1885 và Hóc Môn chính là nơi được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ bí mật để mở nhiều hội nghị quan trọng chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước thời kỳ 1936-1939. Trong đó, hội nghị lần thứ VI vào tháng 9-1939 được tổ chức tại nhà ông Trần Văn Hy ở xã Bà Điểm do đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư, chủ trì đã quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam từ đấu tranh đòi ruộng đất, dân sinh, dân chủ, sang đấu tranh vũ trang giành chính quyền. Đặc biệt, hội nghị tổ chức tại nhà bà Nguyễn Thị Hương, một cơ sở của Đảng tại làng Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn - từ ngày 21 đến 23-9-1940 - để chuẩn bị ban hành lệnh khởi nghĩa.

Cụm tượng đài Sống vĩ đại - Chết vinh quang.

Tấm lòng của người dân Hóc Môn đối với Đảng được thể hiện rõ trong hồi ký hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt, khi nói về Đại hội Đảng năm 1937: “Đất vườn trầu nhà nọ thông nhà kia, không rào dậu, đồng bào tốt vô chừng, không có vận động gì hết mà đồng bào cơ sở đem cho hội nghị thừa gạo, thừa thức ăn tươi, có nhà đánh được con cá to cũng đem cho hội nghị, bà con không hiểu là họp gì, chỉ biết là một cuộc hội nghị quan trọng của Đảng”…

Bức tranh tái hiện lại việc may cờ đỏ sao vàng.

Lịch sử ghi nhận, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra khắp 18/21 tỉnh thành ở Nam Kỳ, là cuộc khởi nghĩa do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo có qui mô lớn ở Việt Nam kể từ khi Đảng ra đời và trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Trong đó, Hóc Môn là nơi phát khởi đầu tiên, trận đánh chiếm dinh quận Hóc Môn đêm 22 rạng sáng 23-11-1940 là trọng tâm do đồng chí Phạm Văn Sáng, Bí thư Quận ủy lãnh đạo.

Nhà bà Nguyễn Thị Hương, ấp Xuân Thới Đông, nơi họp Hội nghị Xử ủy Nam Kỳ từ 21 đến 23-9-1940.

Đặc biệt, một trong những dấu ấn nổi bật trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ là sự xuất hiện của lá cờ đỏ sao vàng đã được nghĩa quân treo lên ở những nơi giành được chính quyền. 

Cụm Tượng đài Chiến sĩ vô danh hy sinh trong Khởi nghĩa Nam Kỳ.

Cuộc tấn công dinh quận Hóc Môn cùng với nhiều cuộc khởi nghĩa ở các địa phương khác trong đêm 22 rạng sáng 23-11-1940 tuy không giành được thắng lợi, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân về sự dũng cảm kiên cường của các chiến sĩ cộng sản và sức mạnh vô biên của quần chúng yêu nước, những bài học về chuẩn bị lực lượng tổ chức khởi nghĩa, khả năng lãnh đạo chỉ huy và trên hết là khả năng khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược giành chính quyền về tay nhân dân.

Sân chính của quần thể khu tưởng niệm.

Sau khi khởi nghĩa thất bại, thực dân Pháp đã tiến hành những cuộc khủng bố trắng dã man tàn bạo nhất, chúng lùng sục khắp xóm làng Nam Bộ bắt các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước, hành quân bố ráp, đốt nhà, và giết chóc vô tội vạ khắp các thôn xóm.

Nhà thương Giếng Nước - trường xử bắn của Pháp.

Riêng tại Hóc Môn, thực dân Pháp dựng lên ba trường bắn để xử tử những người yêu nước cách mạng. Hai trường bắn đầu là ở cạnh rạp hát cũ tại thị trấn Hóc Môn và bên cạnh Nhà thương Giếng Nước, nay là Bệnh viện Đa khoa huyện Hóc Môn. Nơi đây, chúng đã sát hại đồng chí Hà Huy Tập, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; đồng chí Võ Văn Tần, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ; đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Bí thư Thành ủy Sài Gòn Chợ Lớn; đồng chí Phạm Văn Sáng, Bí thư Quận ủy Hóc Môn; đồng chí Đặng Công Bỉnh, Quận ủy viên; đồng chí Nguyễn Hữu Tiến…

Cụm Tượng đài Bất khuất.

Sau đó, thực dân Pháp tiếp tục lập ra trường bắn thứ ba - chính là trường bắn Ngã Ba Giồng. Đây là trường bắn Pháp dùng để xử kín, xử lén các chiến sĩ cách mạng. Tại trường bắn này, chúng đã sát hại đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cùng rất nhiều đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh tại mảnh đất Ngã Ba Giồng...

Những hàng tre xanh mát trong khu tưởng niệm.

79 năm đã trôi qua, tinh thần cảm tử cho dân tộc quyết sinh của các chiến sĩ Khởi nghĩa Nam Kỳ đã góp phần hun đúc lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường dũng cảm cho Đảng ta, cho dân tộc ta để giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng 8, trong cuộc kháng chiến liên tục 30 năm dưới mưa bom bão đạn để đánh bại hết giặc Pháp đến giặc Mỹ, làm cho Tổ quốc Việt Nam ta được hoàn toàn độc lập, thống nhất. Với những thành tích vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến, huyện Hóc Môn được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có ba xã là ba đơn vị anh hùng: xã Xuân Thới Thượng, Tân Xuân và Bà Điểm.

Hình ảnh 18 thôn vườn trầu được tái hiện.

Với tấm lòng tri ân, tưởng niệm các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương và đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong Khởi nghĩa Nam Kỳ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước của dân tộc ta cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay, Thường trực Thành ủy - UBND TP Hồ Chí Minh và Huyện ủy Hóc Môn đã quan tâm chỉ đạo xây dựng Khu tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng với tổng diện tích hơn 7ha - một dự án trọng điểm của thành phố. 

Đây là dự án mang ý nghĩa lớn về mặt văn hóa, lịch sử với các giá trị vật thể và phi vật thể, không chỉ ở cấp thành phố mà còn ở tầm cả phía Nam, với các công trình trang trọng như Đền tưởng niệm, Nhà trưng bày, Quảng trường với ba tượng đài, vườn Trầu cau, bằng lăng, ao sen, cây xanh, thảm cỏ và con đường tre, trúc ôm trọn đền thiêng.


Phú Lữ
.
.
.