Hào khí bất diệt trên quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa

Thứ Bảy, 24/11/2018, 07:06
Trở về Bà Điểm - Hóc Môn, thế hệ con cháu hôm nay vẫn không thể nào quên 18 thôn Vườn trầu một thời chở che và nuôi giấu quân dân cách mạng. 78 năm trước, đây là một trong những nơi nổ ra cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ oanh liệt, nơi những người con ưu tú đã ngã xuống để thắp lên hào khí bất diệt của lòng yêu nước, của ý chí bất phục trước kẻ thù ngoại xâm…


Tượng đài các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa trước khuôn viên Bảo tàng huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, nhiều năm qua vẫn luôn hiên ngang, sừng sững như một biểu tượng của một thời oanh liệt. Xưa kia, nơi đây là Dinh Quận ghi dấu cuộc chiến đấu ngoan cường trong biển lửa của quân và dân 18 thôn Vườn trầu. 

Dù tuổi cao sức yếu, ông Trương Thành Hỷ, 98 tuổi (ngụ ấp Tam Thới, xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn) vẫn nhớ mồn một tháng năm lịch sử mà mình là chứng nhân.

Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Ðông Dương, thực dân Pháp phát-xít hóa bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng diễn ra từ ngày 6 đến 8-11-1939 tại Bà Ðiểm (Hóc Môn - Gia Ðịnh), đồng chí Nguyễn Văn Cừ xác định: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Ðông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”. Nghị quyết của Hội nghị được phổ biến tới các địa phương, như một luồng gió mới tiếp thêm sinh khí cho phong trào cách mạng trên cả nước.

Tượng đài Nam Kỳ khởi nghĩa đặt trước Bảo tàng huyện Hóc Môn.

Năm ấy, Trương Thành Hỷ vẫn là một cậu thiếu niên. Hàng ngày nhìn quân giặc giày xéo quê hương, bắt bớ, áp bức dân lành bằng đủ thứ thuế má, đòn roi... ngọn lửa căm thù của Hỷ ngày càng ngùn ngụt. Mới 16 tuổi, cậu xung phong tham gia làm chiến sĩ nhỏ trong Ban liên lạc Ủy ban hành động chống sưu cao thuế nặng, chiến sĩ nhỏ Nam Kỳ... 

Gia đình ông cũng trở thành cơ sở cách mạng quen thuộc để lãnh đạo Đảng, Xứ ủy như Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai... hội họp.

Tháng 9-1940, Xứ ủy Nam Kỳ đã mở cuộc hội nghị tại nhà bà Nguyễn Thị Hương tại làng Xuân Thới Đông do đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, chủ trì. Đồng chí ra Nghị quyết ban hành lệnh khởi nghĩa Nam Kỳ trong toàn xứ.

Nam Kỳ rung chuyển dưới sức nổi dậy của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở 20 tỉnh, thành phố tại Nam Kỳ, kéo dài từ đêm 22 rạng sáng 23-11 đến ngày 31-12-1940, mạnh nhất là ở Hóc Môn - Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long...

Ông Trương Thành Hỷ vẫn nhớ rõ đêm 22-11, không khí ở chợ nhộn nhịp khác thường, gánh hát bội Tân Thành Bang diễn cách Dinh Quận 100 mét vẫn sáng đèn để phục vụ cho cánh thanh niên, trai tráng xem đến khuya.

Đúng 12 giờ, lệnh khởi nghĩa được ban ra, không khí sôi nổi của gánh hát thay bằng âm thanh náo động của tiếng phèng la, trống mõ, tù và... tiếng hò hét của nghĩa quân và nhân dân. Từ người già đến thanh niên, trong tay ai cũng trang bị vũ trang bằng tầm vông vạt nhọn, giáo mác đánh chiếm Dinh Quận. Đuốc thắp sáng rực một vùng.

Ủy ban khởi nghĩa Hóc Môn do đồng chí Phạm Văn Sáng, Bí thư Quận ủy lãnh đạo 4 cánh nghĩa quân ở 4 tổng gồm: tổng Long Tuy Thượng, Long Tuy Trung, Long Tuy Hạ và Bình Thạnh Trung ào ạt như nước vỡ bờ tiến thẳng vào Dinh Quận Hóc Môn khiến bọn lính trong đồn bỏ chạy tán loạn. Tên Quận trưởng Bùi Ngọc Thọ loay hoay tìm đường tháo thân.

Với cậu thiếu niên Trương Thành Hỷ, Quận ủy viên Đỗ Văn Dậy - Chỉ huy trưởng cánh quân tổng Long Tuy Trung, là người anh hùng mà cậu nể phục.

“Người chỉ huy ấy dũng cảm bám ống máng xối leo lên đồn để tiêu diệt tên Quận trưởng Bùi Ngọc Thọ trong khi súng đạn bên trên xả xuống tua tủa. Khi leo lên đến lưng chừng thì ông bị địch bắn trúng và hy sinh. Nghĩa quân chồng thân người lên nhau làm thang cho người khác leo lên tiêu diệt địch. Người này ngã xuống có người khác thế vào. Cuộc chiến giằng co như thế đến 4 giờ sáng 23-11, quân Pháp đưa quân tiếp viện từ Sài Gòn vào Thủ Dầu Một để giải vây cho tên Bùi Ngọc Thọ. Quân ta rút về các làng để bảo toàn lực lượng”, ông Hỷ kể.

Cùng đêm 22-11, nhiều tỉnh, thành toàn Nam Kỳ đã nổi lên khởi nghĩa làm chủ tình hình một số nơi. Lực lượng vũ trang và quần chúng đã tập kích nhiều đồn bốt, phá hỏng nhiều cầu, đường, cắt dây điện thoại... Tuy nhiên, do thời cơ chưa chín muồi, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ không đạt mục đích như mong muốn. Nhiều đồng chí và nhân dân tham gia khởi nghĩa bị địch bắt, giam cầm và tra tấn dã man.

Tại Hóc Môn, giặc Pháp điên cuồng khủng bố chiến sĩ cách mạng và những người dân tham gia khởi nghĩa. Năm 1941, chúng dựng lên ba trường bắn, trong đó có trường bắn nhà thương Giếng Nước (nay là Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn) xử bắn đồng chí Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai...; và trường bắn Ngã Ba Giồng (nay là Khu tưởng niệm lịch sử Ngã Ba Giồng, xã Xuân Thới Thượng) xử bắn đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư, Phan Đăng Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng và nhiều đồng chí khác cùng người dân tham gia kháng chiến. Từ năm 1941 - 1942, tại đây chúng đã sát hại và xử bắn hơn 900 người.

Sau đêm khởi nghĩa, Trương Thành Hỷ tạm lánh xuống Sài Gòn nhưng vẫn đảm nhận nhiệm vụ liên lạc, nắm bắt tình hình. Cậu thiếu niên đau xót khi chứng kiến máu những người anh, người chú kiên trung lần lượt thấm đỏ quê hương mình.

“Đau thương vậy nhưng tôi tin sự đàn áp, khủng bố khốc liệt của địch không dập tắt nổi lòng căm hờn và khí thế ngút trời của những người yêu nước. Những tấm gương hy sinh càng thôi thúc sự bùng lên mạnh mẽ phong trào cách mạng trong nhân dân”, ông khẳng khái.

Cùng với chiều dài lịch sử, khởi nghĩa Nam Kỳ đã khẳng định được vai trò nền tảng của mình cho các cuộc khởi nghĩa, kháng chiến cứu nước tiếp theo của nhân dân ta. Đó mãi mãi là niềm tự hào, là bài học cách mạng vô giá để giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau học tập noi theo để bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước, xứng đáng với truyền thống hào hùng của cha anh.

Kỷ niệm 78 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và 96 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ngày 23-11, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp mặt kỷ niệm 78 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2018) và 96 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2018).

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang; cán bộ lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Long qua các thời kỳ và gia đình Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tham dự họp mặt kỷ niệm.

Trước đó, các đại biểu dự họp mặt đã đến dâng hoa, dâng hương tại Bia Nam Kỳ khởi nghĩa, Tượng đài Đốc binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao, Di tích hồ Vũng Linh và Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. (Minh Tuấn)

Quỳnh Nga
.
.
.