Một cuốn tiểu thuyết lịch sử xuyên tạc lịch sử

Thứ Bảy, 09/04/2016, 21:46
Sách "Việt Lam Xuân Thu" là một cuốn tiểu thuyết lịch sử bằng chữ Hán, không rõ tác giả, do Lê Hoan biên soạn, hiệu đính và xuất bản vào những năm đầu thế kỷ XX. Thời gian vừa qua, dịch giả Lê Sơn đã dịch và đổi thành tên mới là "Khởi Nghĩa Lam Sơn" do NXB Từ Điển Bách Khoa ấn hành.


Một cuốn sách nhưng được chia làm 3 quyển với nội dung:

Quyển thứ nhất gồm 21 hồi, viết về giai đoạn lịch sử từ năm 1400 - 1407 với sự kiện Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần lập ra nhà Hồ; quân Minh sang xâm lược, cuộc kháng chiến thất bại, cha con Hồ Quý Ly bị giặc bắt giải về Trung Quốc; Lê Lợi tham gia với quân Minh để đánh Hồ Quy Ly trên danh nghĩa "phù Trần, diệt Hồ".

Quyển thứ hai gồm 19 hồi, viết về giai đoạn lịch sử từ 1407 - 1413 với sự kiện các quý tộc nhà Trần nổi dậy khởi nghĩa chống quân Minh như Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng với sự tham gia của các tướng tài như Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Suý… Lê Lợi đã tham gia cuộc khởi nghĩa do các quý tộc Trần lãnh đạo trên danh nghĩa "phù Trần, phản Minh".

Quyển thứ ba gồm 20 hồi, viết về giai đoạn lịch sử từ năm 1418 - 1427 với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đánh đuổi quân Minh, giải phóng đất nước, thành lập nhà Hậu Lê.

Đọc suốt quyển tiểu thuyết "Khởi Nghĩa Lam Sơn" dài 354 trang, tôi nhận thấy đây là một tác phẩm xuyên tạc lịch sử. Mặc dầu là viết tiểu thuyết thì tác giả có quyền hư cấu, sáng tạo nhưng đòi hỏi là phải dựa trên cơ sở sự thật lịch sử, chứ không thể đảo lộn sau trước, trắng đen được, nhưng ở trong cuốn sách này tác giả đã bịa đặt ra hàng trăm chi tiết phi lý, bôi nhọ, xúc phạm những danh nhân, anh hùng dân tộc. Xin nêu ra một số sai phạm trong cuốn sách này:

Mở đầu cuốn sách, tác giả đã tự ý đảo lộn lịch sử: "Dụ Tông làm vua được 28 năm thì truyền ngôi cho người em tên Nhật Suyền (Trần Phủ) tức vua Trần Nghệ Tông. Nghệ Tông làm vua được 3 năm thì băng, người em tên Nhật Vy (Trần Kính) lên nối ngôi, tức vua Trần Duệ Tông" (tr.17). Chi tiết này quá sai sự thật lịch sử: Thứ nhất, Trần Nghệ Tông là anh chứ không phải em Trần Dụ Tông; thứ hai là năm 1369 vua Trần Dụ Tông qua đời không có con nối dõi nên bị Trần (Dương) Nhật Lễ cơ hội chiếm đoạt ngôi vua; đến năm 1370, Trần Phủ mới lật đổ Dương Nhật Lễ và lên ngôi vua lấy hiệu Trần Nghệ Tông, sau đó ông nhường ngôi cho con và lên làm Thái Thượng hoàng, sống tới năm 1394 mới mất, thọ 74 tuổi.

Tiếp đến các hồi sau, tác giả bịa đặt những chi tiết bôi nhọ, xúc phạm người anh hùng Lê Lợi. Từ hồi thứ 12 đến hồi thứ 21 quyển thứ nhất, tác giả hư cấu câu chuyện Lê Lợi có âm mưu hợp tác với giặc Minh để đàn áp cuộc kháng chiến của Hồ Quý Ly với những chi tiết xuyên tạc như: "…

Nhà Minh lấy danh nghĩa đem quân đi dẹp giặc giúp dân. Việc cứu giúp kẻ suy yếu là hợp đạo lý… nên hợp tác với quân Minh đánh đổ cha con họ Hồ" (tr.72). Thật vô lý, vì thời gian này Lê Lợi chỉ là một hào trưởng ở vùng quê miền núi phía Tây Thanh Hóa, chăm chỉ nghề nông, không có bất cứ tài liệu lịch sử nào từ trước đến nay ghi lại là Lê Lợi đã "hợp tác" với ngoại bang để tiêu diệt nhà Hồ.

Có những chi tiết sai lệch nghiêm trọng, không biết là do tác giả thiếu hiểu biết về lịch sử hoặc cố tình xuyên tạc như: "Trần Giản Định thừa thắng dẫn quân chiếm đồn Sinh Quyết, còn mình thì tiến binh đến huyện Lộc Phước. Bỗng đâu viên tiểu quan vào tâu, Thừa tướng Đặng Tất đã qua đời. Trần Giản Định cất tiếng khóc oà, hạ lệnh trú quân, toàn quân đều chịu tang thừa tướng" (tr.153), "Trần Giản Định đắc ý, tiêu xài hoang phí, Nguyễn Cảnh Dị đón ý vua, phục vụ cho vua vui lòng, được Trần Giản Định tin tưởng…Từ đó Nguyễn Cảnh Dị nắm hết mọi việc sinh chuyên quyền, ngày càng thêm kiêu căng" (tr. 154-155)…

Sự thật là sau trận chiến thắng quân Minh vang dội ở trận Bô Cô (Ý Yên, Nam Định) do Đặng Tất chỉ huy, thì Giản Định Đế vì hẹp hòi, đa nghi đã nghe lời xúc xiểm của gian thần nên bày mưu giết chết hai tướng giỏi là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Con Đặng Tất là Đặng Dung, con Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị đã bất mãn rời bỏ Giản Định Đế, hai ông kéo quân vào Nghệ An lập cháu vua Trần Nghệ Tông là Trần Quý Khoáng lên ngôi vua, lấy hiệu là Trùng Quang Đế, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Minh. Không biết có dụng ý gì mà tác giả đã cố ý che lấp đi hành động xấu xa - giết oan tướng giỏi - của ông vua tầm thường là Giản Định Đế và bôi nhọ một danh tướng hết lòng vì đại nghĩa như Nguyễn Cảnh Dị?

Tiếp theo là những chi tiết tiếp tục xúc phạm đến vua Trùng Quang: "… Triều đình đều cho là phải, Trần Quý Khoáng đồng ý cho soạn biểu xin hàng, cử Hồ Ngạn Phong đi sứ… Minh Thành Tổ phái Phương Chính mang sắc phong đi Nam, phong cho Trần Quý Khoáng chức Hữu Bố chính sứ Giao Chỉ…" (tr. 182), Vua Trùng Quang cùng các tướng dưới quyền như Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Suý… một lòng kiên quyết kháng chiến cho đến lúc thế cùng lực kiệt, bị giặc bắt vào năm 1413, và khi trên đường giải về Trung Quốc, nhà vua đã nhảy xuống biển tự vẫn để bảo toàn khí tiết, chứ làm gì có chuyện vua tôi dâng biểu đầu hàng nhà Minh như trong sách bôi nhọ; và nếu đầu hàng thì đã được nhà Minh cho làm vua bù nhìn tại nước Nam chứ làm gì có chuyện bị bắt giải về Trung Quốc?

Khi viết về giai đoạn khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, tác giả lại tiếp tục hư cấu, bịa đặt những chi tiết cực kỳ phi lý, ví dụ như: "Từ đó, Nguyễn Trãi đi tìm địa điểm dựng trường học rồi chọn được nơi dựng trên một ngọn đồi, trở về báo cho Lê Lợi. Lê Lợi cho người lên núi phát dọn chỗ ấy, sau đó cho thông báo rộng rãi trong quân đội và nhân dân biết việc mở trường do Nguyễn Trãi giảng dạy" (tr. 225), "Mấy ngày sau, Lê Lợi đến thăm trường thấy tướng sĩ chuyên cần đọc sách, luyện tập quân sự giống như quang cảnh nơi đất Lỗ của thầy Khổng, đất Trâu của thầy Mạnh ngày xưa" (tr. 227).

Một sự bịa đặt vô lý. Qua các sách lịch sử từ trước đến nay, chúng ta đều biết Nguyễn Trãi đã tìm đến Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hoá) để tham gia cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo. Ông là một trong những người sát cánh cùng chủ tướng, giúp Bình Định Vương soạn thảo công văn, thư từ ngoại giao và đóng góp ý kiến vào kế hoạch đánh giặc. Công việc kháng chiến bận rộn và gian khổ nên chủ tướng Lê Lợi không thể nào có đủ thời gian, điều kiện để xây dựng trường cho Nguyễn Trãi dạy học. Câu chuyện Nguyễn Trãi dạy học là vào thuở còn ẩn dật chờ thời, trước khi vào Lam Sơn tham gia khởi nghĩa.

Ở phần tiếp theo, tác giả lại bịa đặt những chi tiết không bao giờ có trong sử sách, xúc phạm anh hùng Lê Lợi: "Vua Lê Thái Tổ thất bại trở về Đông Quan, lo việc đào hào, tu bổ thành trì, binh thế dần dần mạnh trở lại. Vương Thông đắc thắng, tướng sĩ khuyên nên thừa thế tiến đánh Đông Quan, nhưng Vương Thông do dự chưa quyết" (tr. 318).

Sự thật lịch sử: Năm 1426, cuộc kháng chiến lớn mạnh, Lê Lợi dẫn đại quân từ Thanh Hoá tiến ra bao vây Đông Quan. Lê Lợi đóng đại bản doanh ở Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội ngày nay) để tiện theo dõi mọi động tĩnh của quân thù. Vương Thông bị vây hãm trong thành Đông Quan, tình thế nguy ngập nên phải bí mật cho người chạy về Trung Quốc cầu cứu viện binh. Và sau khi hai đạo viện binh do Liễu Thăng, Mộc Thạnh kéo sang bị quân ta đánh cho đại bại thì Vương Thông đành phải chấp nhận xin giảng hoà, rồi rút quân về nước vào năm 1427.

Cuốn sách có quá nhiều sai sót, vô số tình tiết phi lý, xuyên tạc sự thật lịch sử. Do khuôn khổ bài viết có giới hạn nên chúng tôi chỉ trích dẫn một phần rất nhỏ. Có lẽ tác giả Lê Hoan - một Việt gian theo thực dân Pháp đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân ta - ở đầu thế kỷ XX biên soạn cuốn sách này với một động cơ chính trị thiếu trong sáng, đảo lộn sự thật lịch sử để nhằm biện minh cho hành động theo Tây của mình.

Ngày nay, dịch giả Lê Sơn trong quá trình dịch và xuất bản đã không có bất cứ một sự chú thích nào, ngược lại còn tán tụng: "… qua sách này, người đọc tiếp cận tinh thần cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vẫn là bài học đáng giá không hề cũ, mà tác giả Lê Hoan đã gửi gắm vào cuốn tiểu thuyết này một cách thành công". Như vậy, "tinh thần cuộc khởi nghĩa" và "bài học đáng giá" là gì? Phải chăng là sự xuyên tạc, xúc phạm các vị anh hùng, những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho nước nhà.

Phú Trường
.
.
.