Luật điện ảnh sẽ phải sửa đổi rất nhiều

Thứ Năm, 01/12/2016, 18:28
Nhiều điều khoản quy định trong Luật điện ảnh và văn bản dưới luật liên quan đã không còn phù hợp với đời sống thực tiễn hoặc có quy định nhưng không được thực hiện. Đó là chia sẻ của hầu hết các nhà quản lý, sản xuất, hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh trong ngày 1-12 tại Hà Nội.

Ngày 1-12, Hội thảo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật điện ảnh đã diễn ra tại Trung tâm chiếu phim quốc gia, Hà Nội với sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý văn hóa, người làm phim thuộc 20 tỉnh thành phía Bắc. 

Luật Điện ảnh đã tạo hành lang pháp lý góp phần phát triển điện ảnh Việt

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, năm 2015 đã có 41 phim truyện Việt Nam được sản xuất. Năm 2016, tính đến tháng 11 đã có 35 phim truyện và con số này sẽ còn cao hơn nhiều khi mùa phim Noel, phim chiếu Tết hoàn thiện.

Tính đến tháng 11-2016, cả nước đã có 450 doanh nghiệp tư nhân có chức năng, được phép sản xuất phim. 2 năm trở lại đây, sản xuất phim trung bình mỗi năm đã tăng khoảng 50% đến 60%. Về phát hành phim, hiện tại, trên cả nước có 145 rạp/cụm rạp với 520 phòng chiếu 83.500 ghế ngồi, vượt chỉ tiêu trong chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khoảng 35%. Số lượng phim nhập khẩu về khá cao: Năm 2015 là 199 phim, năm 2016, tính đến tháng 11 là 177 phim. Cả nước còn có  270 đội chiếu phim lưu động với tần suất phục vụ trung bình là 50.000 buổi chiếu với 11.530.000 lượt người xem mỗi năm…

Ông Nguyễn Danh Dương, giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia cho rằng Luật Điện ảnh đang bó hẹp hoạt động của đơn vị sự nghiệp có thu trong ngành điện ảnh

10 năm qua, điện ảnh Việt Nam đã nhiều phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Luật điện ảnh và không ít văn bản dưới Luật đang có nhiều quy định không hợp lý. Ông Nguyễn Danh Dương, giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia Việt Nam cho biết, Luật điện ảnh quy định đơn vị sự nghiệp được nhập khẩu phim, lưu hành nội bộ. Với các đơn vị sự nghiệp có thu như Trung tâm chiếu phim Quốc gia Việt Nam, có hệ thống rạp, có khả năng nhập khẩu phim nhưng theo quy định này lại chỉ được lưu hành nội bộ thì sẽ rất khó có doanh thu.

Bà Lương Minh Phương, đại diện hãng phim hoạt hình Việt Nam cho rằng nhiều quy định có trong Luật nhưng không phát huy trong đời sống

Bà Lương Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng phim hoạt hình Việt Nam chỉ rõ, khoản 6, điều 5 của Luật Điện ảnh quy định trong quy hoạch đô thị phải dành quỹ đất để xây rạp chiếu phim nhưng sau 10 năm vẫn rất ít địa phương thực hiện quy định  này và không thực hiện cũng… không sao. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, cả Luật và Nghị định hướng dẫn thi hành đều có điều khoản rõ ràng nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng quỹ.

Vụ trưởng Vụ pháp chế, TS Hoàng Minh Thái

Việc nhập khẩu phim với số lượng nhiều, phong phú đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân nhưng theo Chủ tịch Hội đồng duyệt phim, đạo diễn Vũ Xuân Hưng cho rằng hoạt động duyệt phim đang quá tải. Thành viên trong hội đồng chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ, quan điểm không đều, quy định chi tiết về điện ảnh còn có nhiều điểm chưa rõ ràng nên có khi cùng một chi tiết, một bộ phim nhưng thành viên này cho rằng không ổn, thành viên khác lại cho là không có vấn đề gì.Khi duyệt phim sẽ duyệt cả phân loại phim theo độ tuổi nhưng hiện nay Việt Nam chỉ có rạp chiếu phim nói chung, không có các cụm rạp chiếu phim phân loại theo độ tuổi nên quy định phân loại khi chiếu khó phát huy trong đời sống.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cũng chia sẻ duyệt phim có nhiều bất cập khi phim chiếu rạp bị kiểm duyệt nhưng hiện nay có những gói dịch vụ cung cấp cho người xem tất cả các loại phim, không qua cơ chế duyệt phim hiện nay…

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Tiến sĩ Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho rằng ông chỉ lướt qua Luật Điện ảnh và nhiều văn bản dưới luật liên quan cũng đã thấy hàng chục điểm bất cập, chồng chéo với các Luật khác. Trong tương lai, Luật Điện ảnh và quy định liên quan sẽ còn phải bổ sung, sửa đổi rất nhiều, thậm chí có những chương trong Luật Điện ảnh sẽ phải bỏ đi toàn bộ..


N.Hoa
.
.
.