Liên hoan phim Việt Nam tìm đường quảng bá thương hiệu sau 21 kỳ tổ chức

Thứ Năm, 30/07/2020, 08:25
Sau 21 kỳ tổ chức, Liên hoan phim Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Cục Điện ảnh xây dựng đề án “Quảng bá thương hiệu quốc gia – Liên hoan phim Việt Nam”.


Sự kiện này thu hút sự quan tâm thảo luận của đông đảo các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, người làm điện ảnh trên cả nước.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo chuyên đề “Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia – Liên hoan phim Việt Nam” do Cục Điện ảnh tổ chức vào ngày 29/7 tại Hà Nội, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, khẳng định: Sau 21 lần tổ chức thành công, Liên hoan phim Việt Nam đã trở thành sự kiện điện ảnh mang tầm quốc gia được nghệ sỹ, những người làm công tác điện ảnh và khán giả khắp mọi miền mong đợi. 

Nhưng, trước nhu cầu và xu hướng phát triển của điện ảnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế đã đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi cần phải có thương hiệu mang tầm quốc gia của Liên hoan Phim Việt Nam và phải được xây dựng một cách bài bản, khoa học và mang tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng được yêu cầu thời kỳ mới của đất nước và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. 

Đề án “Quảng bá thương hiệu quốc gia - Liên hoan Phim Việt Nam” với mục tiêu xây dựng, quảng bá, nâng tầm và phát triển Liên hoan Phim Việt Nam chính thức trở thành thương hiệu Quốc gia, qua đó thu hút công chúng trong nước và bạn bè quốc tế về nghệ thuật điện ảnh và Liên hoan Phim Việt Nam nói riêng và đất nước, con người Việt Nam nói chung.

Hội thảo xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam tại Hà Nội.

Trao đổi tại hội thảo, NSND Như Quỳnh cho rằng, liên hoan phim cũng như tác phẩm điện ảnh, cần được truyền thông, quảng bá bài bản từ khi triển khai, trong quá trình chuẩn bị, tổ chức cho đến khi diễn ra chứ không phải chỉ đến gần ngày tổ chức mới tiến hành quảng bá, truyền thông.

Ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì nhận định: Các liên hoan phim quốc tế nổi tiếng đều gắn với một địa danh, một thành phố cụ thể còn liên hoan phim Việt Nam lại tổ chức luân phiên ở các tỉnh, thành. Liên hoan phim quốc tế tổ chức hàng năm còn liên hoan phim tổ chức 2 năm/lần nên khó quảng bá, thu hút công chúng hơn.

Đại diện UNESCO Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Hường thì gợi ý, Ban tổ chức nên chọn một vài thành phố có đủ tiêu chí tổ chức Liên hoan và tổ chức luân phiên. Tuy nhiên, các địa phương này phải có cam kết đồng thời tổ chức các sự kiện, chương trình quảng bá, tạo sức lan tỏa cho Liên hoan trước, trong và sau Liên hoan.

Nhà sản xuất, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, để xây dựng, quảng bá Liên hoan phim Việt Nam thì nhất thiết phải có bộ máy ổn định. Ở liên hoan phim quốc tế nổi tiếng đều có Ban giám đốc riêng, có người gắn bó cả cuộc đời cho liên hoan, gắn trách nhiệm lâu dài với thương hiệu của liên hoan phim. Mặt khác, liên hoan phim phải có nhiều phim hay, mời gọi được các nhà làm phim uy tín của thế giới làm giám khảo và nên có quỹ để kết nối, hỗ trợ người làm điện ảnh…

Khá nhiều ý kiến khác nhằm đưa ra các giải pháp tuyên truyền, quảng bá thương hiệu quốc gia và xây dựng cơ chế, chính sách trong quảng bá thương hiệu quốc gia - Liên hoan Phim Việt Nam đã được những người hoạt động điện ảnh kiến nghị lên Cục Điện ảnh.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh đã thay mặt Ban tổ chức tiếp thu các ý kiến và cho biết, Cục sẽ tổng hợp, chọn lọc ý kiến phù hợp, khả thi để đưa vào đề án và phục vụ công tác xây dựng thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam.

Ngọc Nguyễn
.
.
.