Lễ hội Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Thứ Ba, 05/01/2016, 08:07
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa lỗi lạc, nhà thơ lớn, bậc hiền triết, nhà tiên tri đại tài, nhà giáo vĩ đại, bậc sư biểu được người đời tôn vinh, ngưỡng mộ. Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho hậu thế một di sản khá đồ sộ cả về chữ Hán và chữ Nôm, về văn thơ và bia ký. 


Đặc biệt, trong dân gian còn lưu hành nhiều câu sấm Trạng cũng như các tập sấm kí mang tên "Sấm Trạng Trình", phần lớn viết theo thể lục bát.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), thuở nhỏ tên là Nguyễn Văn Đạt, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Ông sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc. Thân phụ của ông là giám sinh Nguyễn Văn Định, đạo hiệu là Cù Xuyên, nổi tiếng hay chữ nhưng không hanh thông trong đường khoa cử. Thân mẫu của ông là bà Nhữ Thị Thục, con gái út của quan Tiến sĩ Thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan.

Tượng Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Từ nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm được hấp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương của gia đình. Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm tìm được thầy học có đạo cao đức cả là cụ bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Đến năm 1535, khi đã 45 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đi thi. Ba lần thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đỗ đầu và đỗ Trạng nguyên. Từ đấy, ông làm quan với tân triều, nhà Mạc phong chức Tả thị lang (chức đứng hàng thứ ba trong bộ Hình).

Triều đình nhà Mạc rất trân trọng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau 8 năm làm quan, được vua nhà Mạc trọng vọng nhưng trước cảnh triều đình nhiễu nhương, năm 1542 ông dâng sớ xin chém 18 kẻ nịnh thần nhưng vua Mạc Phúc Hải không đồng ý nên ông từ quan về quê. Về lại Trung Am, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân dạy học, lập quán Trung Tân bốc thuốc chữa bệnh, cứu giúp người cơ nhỡ.

Từ am Bạch Vân của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều nhân tài được bồi dưỡng trí tuệ và nhân cách, sau trở thành những trụ cột chính của triều Mạc, Lê - Trịnh như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện, Đinh Thì Trung, Trương Thì Cử…

Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như: Tập thơ Bạch Vân (gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán còn lưu lại) và hai tập: Trình quốc công Bạch Vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm).

Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm giàu chất liệu hiện thực, mang tính triết lý sâu xa của thời cuộc. Thơ ông còn truyền đạt đạo lý đối nhân xử thế, đạo vua tôi, cha con và quan hệ bầu bạn, hàng xóm láng giềng. Đọc thơ ông là thấy cả một tấm lòng lo cho nước, thương đời, thương dân, và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý: "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ)... 

Lễ hội đền Trạng Trình - kỷ niệm 430 năm ngày mất danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 2016 diễn ra sự kiện lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Lễ kỷ niệm 430 năm do UBND TP Hải Phòng chủ trì được tổ chức vào hồi 20h ngày 7-1-2016.

Đăng Hùng
.
.
.