Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nhà thông thái, nhà thơ lớn

Chủ Nhật, 03/01/2016, 17:12
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa lỗi lạc, nhà thơ lớn, bậc hiền triết, nhà tiên tri đại tài, nhà giáo vĩ đại, bậc sư biểu được người đời tôn vinh, ngưỡng mộ.

Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho hậu thế một di sản khá đồ sộ cả về chữ Hán và chữ Nôm, về văn thơ và bia ký. Đặc biệt, trong dân gian còn lưu hành nhiều câu sấm Trạng cũng như các tập sấm kí mang tên "Sấm Trạng Trình", phần lớn viết theo thể lục bát.

Bậc trí thức lớn của dân tộc

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), thuở nhỏ tên là Nguyễn Văn Đạt,  người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Ông sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc. Thân phụ của ông là giám sinh Nguyễn Văn Định, đạo hiệu là Cù Xuyên, nổi tiếng hay chữ nhưng không hanh thông trong đường khoa cử. Thân mẫu của ông là bà Nhữ Thị Thục, con gái út của quan Tiến sĩ Thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan. Từ nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm được hấp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương của gia đình. Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm tìm được thầy học có đạo cao đức cả là cụ bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Ba lần thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đỗ đầu và đỗ Trạng nguyên. Từ đấy, ông làm quan với tân triều, nhà Mạc phong chức Tả thị lang (chức đứng hàng thứ ba trong bộ Hình). Triều đình nhà Mạc rất trân trọng Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Sau 8 năm làm quan, được vua nhà Mạc trọng vọng nhưng trước cảnh triều đình nhiễu nhương, năm 1542 ông dâng sớ xin chém 18 kẻ nịnh thần nhưng vua Mạc Phúc Hải không đồng ý nên ông từ quan về quê. Về lại Trung Am, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân dạy học, lập quán Trung Tân bốc thuốc chữa bệnh, cứu giúp người cơ nhỡ. Từ am Bạch Vân của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều nhân tài được bồi dưỡng trí tuệ và nhân cách, sau trở thành những trụ cột chính của triều Mạc, Lê - Trịnh như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện, Đinh Thì Trung, Trương Thì Cử…

Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như: Tập thơ Bạch Vân (gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán còn lưu lại) và hai tập: Trình quốc công Bạch vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm giàu chất liệu hiện thực, mang tính triết lý sâu xa của thời cuộc. Thơ ông còn truyền đạt đạo lý đối nhân xử thế, đạo vua tôi, cha con và quan hệ bầu bạn, hàng xóm láng giềng. Đọc thơ ông là thấy cả một tấm lòng lo cho nước, thương đời, thương dân, và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý: "Tiên thiên hạ chi ưu phi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).

Có thể nói ở thế kỷ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà triết học lớn của Việt Nam. Với sự uyên thâm, ông được triều đình nhà Mạc và sĩ phu đương thời phong là Trình tuyền hầu, tức là một vị Hầu tước khơi nguồn dòng suối triết học của họ Trình (tức Trình Di, Trình Hiện - hai nhà triết học khai phá ra phái Lạc Dương của Tống Nho), nhân dân gọi ông là Trạng Trình. Tuy vậy, triết học của ông là triết học đã được  biểu hiện trong thơ như sự gợi ý mách bảo của cuộc sống thực tiễn. Ông chắt lọc từ trong nhận thức triết học thu lượm được, phép biện chứng nhìn bên ngoài có vẻ như thô sơ để giải đáp nhiều hiện tượng tự nhiên và xã hội nảy sinh ở quanh mình. Trong thơ ông, ngoài mặt triết lý nhân sinh, nổi bật lên những suy ngẫm chiêm nghiệm, đúc kết như muốn vươn lên khái quát "luật" đời bằng những phạm trù triết học.

Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Phát huy tinh thần hiếu học, đào tào nhân tài

Với việc sống gần gũi, gắn bó với nhân dân Vĩnh Bảo, Nguyễn Bỉnh Khiêm đem cả tâm huyết của mình cho việc sáng tác thơ văn và dạy học. Bằng những việc làm của mình, ông giáo dục cho nhân dân và học trò về đạo làm người, đạo lý ở đời, sự học, cách học… Nguyễn Bỉnh Khiêm coi “Việc giáo dục phải thực hiện được vai trò định hướng ý chí và hành động cho người học, nhất là việc gắn ý chí học hành với lý tưởng cống hiến hết mình cho đất nước”. Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng “Tác dụng của giáo dục chính là việc thực hiện mục đích cao nhất là “cứu nhân độ thế” và hướng con người trở về tính “thiện” bởi “thiện là dòng dõi của giáo dục”. Ông chủ trương thúc đẩy con người nâng cao sự hiểu biết về thế giới xung quanh (tự nhiên), có cách hành xử trong đời sống có chừng mực, biết điểm dừng, biết giới hạn. Ông coi “Việc học phải nhằm vào mục đích hành đạo”. Ông yêu cầu học trò nêu gương các bậc thánh hiền đề cao vai trò của sự tìm tòi, học hỏi. Trong bài Khuyến sĩ thi (thơ khuyên học trò) ông viết: Khi học phải tìm hiểu, suy xét nghĩa lý thật sâu sắc và tinh tường, không chỉ căn cứ vào quy cách, phương pháp nhất định mà khi vận dụng phải cần mẫn ngày đêm học đạo, vừa khuyến khích học trò bằng việc hướng tới tương lai tốt đẹp…. Nguyễn Bỉnh Khiêm đào tạo nhiều tri thức lớn cho đất nước, ông là một bậc sư biểu được tôn vinh, kính trọng.

Theo ông Nguyễn Văn Quyn, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, từ lâu, huyện Vĩnh Bảo được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, mảnh đất đã sinh ra nhiều người con học hành đỗ đạt cao. Theo thống kê, trong số 86 nhà đại khoa ở Hải Phòng thời phong kiến, huyện Vĩnh Bảo có số đại khoa nhiều nhất với 24 vị. Tiêu biểu trong số những người đỗ đạt cao, học vấn uyên thâm, có nhiều cống hiến cho quốc gia có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Mỗi người dân huyện Vĩnh Bảo thế hệ này nối tiếp thế hệ khác luôn tâm niệm, phấn đấu cho việc học để duy trì và phát huy truyền thống hiếu học tốt đẹp của quê hương.

Hiện nay, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng có trên 200 người có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư, học vị Tiến sĩ và nhiều Nhà giáo nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân, một số người giữ các chức vụ trọng yếu của Đảng, nhà nước, các giáo sư đầu ngành của nền khoa học Việt Nam. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm huyện Vĩnh Bảo có trên 300 học sinh giỏi cấp thành phố. Trong 10 năm trở lại đây, huyện Vĩnh Bảo có trên 30 học sinh đỗ thủ khoa, á khoa đầu vào của các trường đại học. Trường THPT Vĩnh Bảo liên tục có học sinh đỗ thủ khoa, á khoa đầu vào các trường đại học; được xếp vào 200 trường THPT có điểm thi đại học cao nhất cả nước. Trung tâm xác lập kỷ lục quốc gia Việt Nam công nhận là trường THPT vùng nông thôn liên tục có nhiều thủ khoa nhất cả nước.

Lễ hội đền Trạng Trình - kỷ niệm 430 năm Ngày mất danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 2016 diễn ra sự kiện Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Lễ kỷ niệm 430 năm Ngày mất danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm do UBND TP Hải Phòng chủ trì được tổ chức vào hồi 20h, ngày 7- 1- 2016 (tức ngày 28- 11 Ất Mùi) với nội dung: lễ dâng hương của đại biểu trung ương, thành phố và huyện; đọc chúc văn tưởng niệm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm của Giáo sư Vũ Khiêu; diễn văn kỷ niệm của Trưởng Ban tổ chức lễ hội; lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, chương trình nghệ thuật đặc sắc và bắn pháo hoa kết thúc buổi lễ là phần được người dân háo hức.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Nguyễn Bỉnh Khiêm, bậc sư biểu bên bờ Tuyết Giang”, bao gồm 5 trường đoạn: Linh khí của trời, Lời ru của đất; Sự nghiệp quan trường; Am Bạch Vân và quán Trung Tân; Nguyễn Bỉnh Khiêm, những giai thoại để đời; Lưu danh muôn thuở và Chí khí con người từ vùng đất Trạng.

Đăng Hùng
.
.
.