Hãng phim truyện Việt Nam thua lỗ suốt 20 năm

Thứ Năm, 21/09/2017, 13:50

Cuối giờ trưa ngày 21-9, trao đổi với báo chí về cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, hãng phim đã thua lỗ liên tiếp trong suốt 20 năm qua. Cổ phần hóa hãng phim là cần thiết và đúng quy trình nhưng thời gian tới cần có nhiều sự điều chỉnh từ cổ đông chiến lược và nghệ sĩ.



Liên quan đến những tranh cãi gay gắt tại hãng phim truyện Việt Nam, nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam, cuối giờ trưa ngày 21-9, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Huỳnh Vĩnh Ái và đại diện Ban đổi mới doanh nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi trao đổi với báo chí, giải đáp nhiều vấn đề còn khúc mắc quanh câu chuyện cổ phần hóa hãng phim này.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Huỳnh Vĩnh Ái trao đổi với báo chí ngày 21-9

Về các nghi ngờ rằng chủ đầu tư chiến lược mua hãng phim không vì mục đích sản xuất phim và làm dịch vụ điện ảnh mà là vì trụ sở của hãng đang nằm trên một vị trí đắc địa, được coi là “khu đất vàng” của Việt Nam, ông Ái khẳng định, thông tin này không có cơ sở. Lý do, các khu đất của hãng, trong đó có khu đất đang làm trụ sở chính của hãng (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội), là đất thuê của Nhà nước. 

Hãng phim truyện Việt Nam trở thành tâm điểm của truyền thông thời gian qua

Trong suốt 20 năm qua, hãng đều hoạt động thua lỗ, không có tiền trả phí thuê đất nên Bộ liên tục phải làm công văn, đề nghị Hà Nội cho hoãn nợ tiền thuê đất.

Khi cổ phần hóa, số tiền nợ của hãng lên đến trên 21 tỷ đồng. Tình trạng trì trệ của hãng kéo dài, Bộ biết hãng phải dùng tiền đầu tư sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng để trả lương cho cán bộ công nhân viên nhưng không xử lý vì biết rằng nếu xiết lại, hãng sẽ không tồn tại được. Thực tế, lương trả cho các cán bộ công nhân viên của hãng chỉ bằng một nửa lương cơ bản theo quy định.

Cổ phần hóa hãng phim là cần thiết nhưng cũng phải sau một thời gian rất dài, hãng mới cổ phần hóa được. 

Hiện tại, hãng phim cũng chưa hoàn tất các quy trình cổ phần hóa. Phải xác định được giá trị doanh nghiệp thì hãng mới chính thức trở thành công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam. 

Việc xác định giá trị doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật vẫn chưa được thực hiện. Hoạt động điều hành hiện nay mới chỉ là tạm thời.

Nghệ sĩ bức xúc tố bị chủ đầu tư mới chèn ép

Về việc chỉ có một mình Công ty vận tải thủy Vivaso có hồ sơ tham gia khi tiến hành cổ phần hóa hãng phim có phạm luật ? Liệu quy trình cổ phần hóa hãng phim có khuất tất hay không? 

Đại diện Ban đổi mới doanh nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, hoạt động cổ phần hóa hãng phim đúng quy trình, đúng theo quy định của pháp luật hiện hành còn làm rõ có khuất tất hay không thì Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên, chủ đầu tư chiến lược của hãng phim sau cổ phần hóa đối thoại với các nghệ sĩ quanh những bất cập trong điều hành thời gian qua

Về những mâu thuẫn trong hãng phim sau cổ phần hóa, ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với chủ đầu tư chiến lược và các nghệ sĩ.

Trong buổi gặp này, đại diện chủ đầu tư thừa nhận còn nhiều hạn chế trong thực hiện điều hành và sẽ rút kinh nghiệm. Bộ cũng yêu cầu chủ đầu tư trả lương cho cán bộ công nhân viên của hãng trong 3 tháng: 7,8,9 năm 2017. Sau 3 tháng này, điều chỉnh lương sẽ theo cơ chế mới. 

Cơ chế điều hành hoạt động của công ty cũng cần có quy trình, việc thay đổi phải có lộ trình, phải thông báo rõ ràng với mọi người. Chủ đầu tư đã cam kết sẽ thực hiện đúng các yêu cầu này. Việc thực hiện như thế nào, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giám sát chặt chẽ.

Cùng Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trả lời báo chí còn có đại diện Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ VH,TT&DL

Ông Huỳnh Vĩnh Ái cũng cho biết, theo cam kết của chủ đầu tư, 90% hoạt động của hãng phim sau cổ phần hóa là hoạt động sản xuất phim và các dịch vụ điện ảnh. 

Hiện tại, Bộ vẫn giữ trên 28% cổ phần của công ty. Theo quy định của pháp luật, cơ quan chủ quản là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giám sát hoạt động của công ty cổ phần trong 5 năm. 

Nếu chủ đầu tư không theo đúng cam kết thì việc cổ phần hãng phim sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Chủ đầu tư cũng không thể sử dụng khu đất của hãng vào mục đích khác vì nếu sử dụng sai so với mục đích thuê đất, các khu đất sẽ bị thu hồi, thậm chí bị phạt.

N.Hoa
.
.
.