Căng thẳng tại hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa

Thứ Năm, 21/09/2017, 08:13
Đã gần 3 tháng kể từ ngày Hãng phim truyện Việt Nam – “anh cả đỏ” một thời của điện ảnh Việt được cổ phần hóa, trở thành Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam.

Các nghệ sĩ đã, đang gắn bó với đơn vị này liên tục có những phản ứng gay gắt, trong khi nhà đầu tư chiến lược – Công ty Vận tải thủy Vivaso liên tục khẳng định chủ trương đầu tư vào hãng với mục đích tham gia sản xuất phim và các hoạt động khác liên quan đến điện ảnh. Lẽ ra, việc cả nhà đầu tư và nghệ sĩ đều cùng “nhìn về một hướng” như thế sẽ là một thuận lợi lớn, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Vì sao?

Nghệ sĩ tố bị o ép

Sau hàng loạt nghệ sĩ lên tiếng “đấu tố” việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam thiếu minh bạch, nghi ngờ nhà đầu tư chiến lược không mua hãng vì mục đích làm điện ảnh như hứa hẹn trước đó, thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ khác đã, đang gắn bó với hãng liên tục tố cáo ban lãnh đạo mới không thực hiện cam kết. 

Không những thế, lãnh đạo công ty còn có rất nhiều hành động bị cho là nhằm mục đích “xóa sổ” hãng như không trả lương cho cán bộ, công nhân viên; cố tình dồn phòng, vứt bỏ đạo cụ làm phim, bắt đi cửa sau như là cách hạ nhục nghệ sĩ… 

Đỉnh điểm của mâu thuẫn này, chiều 19-9, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vivaso, ông Nguyễn Thủy Nguyên đã có buổi đối thoại trực tiếp với các nghệ sĩ và báo chí, nhưng đã trở thành một cuộc tranh cãi gay gắt vì không bên nào chịu nhượng bộ.

Biên kịch, đạo  diễn Nguyễn Xuân Thành cho biết, vấn đề bị đẩy đến mức căng thẳng như hiện nay là chuyện chẳng đừng. Nhiều năm gắn bó với hãng, từng không quản ngại lặn lội, “gõ cửa” khắp nơi để đưa dự án về cho hãng rồi không được giao làm phim, từng nhiều năm tồn tại lay lắt với đồng lương ít ỏi được trả, anh thực sự chán ghét cơ chế cũ. Anh đã rất hy vọng, khi hãng phim được cổ phần hóa, công ty sẽ có những chính sách linh hoạt giúp nghệ sĩ có nhiều cơ hội làm nghề, sống được bằng nghề. Trước thời điểm chính thức cổ phần hóa, ông Nguyễn Thủy Nguyên từng hứa hẹn sẽ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm điện ảnh và các nghệ sĩ đều tin điều này. Thực tế lại không như thế. Các  nghệ sĩ vẫn không có việc làm.

Ông Lê Hồng Sơn, chuyên viên kinh tế và cũng là chủ nhiệm phim lâu năm tại Hãng phim truyện Việt Nam trước đây bức xúc cho biết, lãnh đạo công ty hứa sẽ trả lương, ít nhất là cũng giữ nguyên mức lương cho mọi người theo chế độ cũ nhưng chỉ được 1 tháng đầu. Từ tháng 8, hầu hết mọi người chỉ nhận được một số tiền ít ỏi, thậm chí có nhiều người không nhận được đồng lương nào. Những người làm chuyên môn, trước đây được dành cho 3 phòng làm việc, nay bị dồn vào 1 căn phòng chỉ rộng chừng 20m2, nếu cùng làm việc thì không đủ chỗ. Trong khi đó, các phòng còn lại bỏ trống.

Hàng loạt đạo diễn khác như Quốc Tuấn, NSND-đạo diễn Thanh Vân, Trần Chí Thành… cũng cho rằng lãnh đạo công ty đang cố tình làm khó các nghệ sĩ, khiến họ nản lòng mà bỏ đi. Đạo cụ làm phim, có rất nhiều thứ khó mua được trên thị trường cũng bị mang đi như đồ đồng nát. Ban lãnh đạo nói đây là thứ bỏ đi nhưng một số đồ “rơi rớt” lại, nghệ sĩ nhặt lại, mang đến buổi đối thoại còn rất mới và không hề mục nát như lãnh đạo công ty nói. 

Để chứng minh, có đạo diễn còn mang cả chiếc bình tông sắt, mũ sắt bóng loáng mà anh nhặt lại được trong quá trình vận chuyển, mang về phòng lau chùi giữ lại. Các nghệ sĩ này cũng khẳng định, các kho đạo cụ làm phim là tài sản chung. Mặc dù Vivaso là nhà đầu tư chiến lược, đang giữ 65% cổ phần của công ty nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang giữ 20% cổ phần. 

Nếu muốn bỏ đi thì phải có quá trình triển khai minh bạch, có chỉ đạo rõ ràng, có kiểm tra, nghiệm thu, biên bản đàng hoàng nhưng công ty không làm. Đạo diễn, diễn viên Quốc Tuấn còn bày tỏ lo lắng khi trong số đạo cụ này còn có súng và nhiều vật dụng khác. Nếu quản lý không chặt, đạo cụ như thế lọt ra ngoài sẽ nguy hiểm.

Nghệ sĩ bức xúc chứng minh đạo cụ làm phim không phải đồ đồng nát như lãnh đạo công ty tuyên bố.

Chủ đầu tư tố nghệ sĩ vô trách nhiệm

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Thủy Nguyên phủ nhận hầu hết các cáo buộc của các nghệ sĩ. Ông Nguyên cho rằng công ty dồn phòng, chuyển đạo cụ nhằm dọn dẹp lại làm việc vì các nơi nhếch nhác quá. Khi dọn dẹp mặt bằng, đích thân ông “xắn tay” vào làm nhưng nghệ sĩ thì không. 

Các nghệ sĩ không hợp tác, có ý coi thường, “cứ chạy vòng quanh rồi thỉnh thoảng đá tôi một phát”. Những món đồ mà nghệ sĩ mang về rồi mang đến buổi đối thoại như thế là hành vi ăn cắp, trong khi, nếu có thiện chí, nghệ sĩ sẽ đến nói với lãnh đạo, đề xuất khác đi.

Ông Nguyên cũng đưa ra bản thống kê cho thấy, có những đạo diễn 3,4 năm không làm phim nào mà vẫn hưởng lương, vẫn được đóng bảo hiểm. Hãng phim truyện thua lỗ triền miên. 

Từ 6 tháng đầu năm 2017 trở lại đến năm 2016, năm 2015, hãng đều lỗ vài tỷ đồng đến hơn chục tỷ đồng. Khi cổ phần, hãng vẫn còn nợ hơn 21 tỷ đồng. Là doanh nghiệp, ông quyết không để tình trạng này tồn tại vì nếu để như thế, doanh nghiệp sẽ “chết”. 

Trong thời gian tới, công ty cũng quyết không để xảy ra tình trạng đầu tư hàng chục tỷ đồng làm phim nhưng phim không có khán giả mua vé vào rạp như nhiều phim trước đó của Hãng phim truyện Việt Nam… 

Việc nghệ sĩ lên báo tố cáo công ty cho thuê đất làm nhà hàng kinh doanh chân gà nướng là không có thật. Liên quan đến câu chuyện trả lương không như cam kết, ông Nguyên khẳng định, các nghệ sĩ hiểu nhầm vì đây mới là ứng lương tháng 8, không phải lương thực trả.

Ngay tại buổi đối thoại, ông Nguyên cũng khẳng định, ông hiểu nghệ sĩ rất rõ, rằng họ vốn thích tự do, không thể ngồi một chỗ mãi. Nếu buộc họ ngồi một chỗ, họ cũng không chịu được… Người tham gia buổi đối thoại, đặc biệt là các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam cũ đều cho rằng, như thế không khác nào lãnh đạo công ty mượn cơ chế để thanh lọc, loại bỏ nghệ sĩ khỏi đơn vị.

Bình tĩnh hợp tác tìm tiếng nói chung

Thực tế, việc cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam là chủ trương đúng nhằm xóa bỏ những trì trệ trong hoạt động của hãng nói riêng, của điện ảnh nói chung. Chủ đầu tư mới cũng cam kết phát triển sản xuất, kinh doanh điện ảnh nhưng phải theo mô hình mới, cách làm mới. 

Đây là hoạt động cần thiết. Tuy nhiên, Hãng phim truyện Việt Nam là đơn vị đặc biệt gắn liền với lịch sử điện ảnh cách mạng, là một trong những “ngôi đền thiêng” của người làm nghệ thuật. Dù thế nào, chủ đầu tư cũng không nên ứng xử với nghệ sĩ như với các đơn vị kinh doanh thông thường khác. 

Nếu cùng hướng về mục đích tốt đẹp là phát triển điện ảnh, cùng bình tĩnh hợp tác, chắc chắn chủ đầu tư và nghệ sĩ sẽ tìm được tiếng nói chung. Tất nhiên, để đạt được điều này, tất cả những nghi ngờ phải được làm sáng tỏ, kể cả quá trình cổ phần hóa hãng phim cho đến cơ chế điều hành của ban lãnh đạo mới. 

Để góp phần giải quyết các vấn đề gây tranh cãi tại hãng phim truyện Việt Nam, nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ có buổi làm việc với các nghệ sĩ vào ngày 21-9. Sáng 20-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đột xuất đến thị sát hoạt động tại hãng. Dự kiến, Phó Thủ tướng sẽ có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các vấn đề liên quan đến hãng phim này.
Hoa Nguyễn
.
.
.