Giữ lại các di tích cổ trong khu du lịch sinh thái biển Nam Ô

Thứ Bảy, 17/11/2018, 07:24
Trong phần đất quy hoạch dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có nhiều di tích, như các giếng Chăm cổ, Miếu Bà Liễu Hạnh, Lăng Ông Ngư, Dinh Cô Hồn… Các công trình này gắn liền với đời sống của người dân miền biển này hàng mấy trăm năm nay và đang được UBND TP Đà Nẵng có kế hoạch trùng tu, tôn tạo...


Ông Phạm Trưng, cán bộ phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, cho biết, làng Nam Ô phía Đông giáp biển, phía Tây cận sông Nam Ô, phía Bắc cận cửa sông Cu Đê, phía Nam giáp với một số làng biển khác... Làng có diện tích chưa đầy 1,5km2, nhưng người dân nơi đây sinh sống lâu đời nên có một đời sống tinh thần, tâm linh khá phong phú và đã làm nên hệ thống di tích lịch sử, tâm linh có giá trị.
Lăng Ông Ngư gắn liền với văn hóa miền biển của người dân Nam Ô.

Trong số đó có các di tích thờ phụng mà nhân dân và các chư phái tộc làng Nam Ô đang gìn giữ, như Dinh Cô Hồn (còn gọi là Miếu Âm Linh) được xây dựng từ thời vua Tự Đức. Di tích này là một trong các di tích có giá trị văn hóa lịch sử, gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm và thể hiện tính nhân văn, tinh thần nhân đạo của người dân nước Việt.

“Sát bên Dinh Cô Hồn là Lăng Ông Ngư được xây dựng từ thời vua Gia Long (năm 1802). Lúc đầu lăng có kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trác vôi vữa, mái lợp lá kè. Đến nay lăng được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, tôn nghiêm, nằm trên khuôn viên rộng chừng 360m2, cách biển khoảng 50m”, ông Trưng chia sẻ.

Chúng tôi về làng Nam Ô ghi nhận thực tế nhận thấy, khoảng giữa Dinh Cô Hồn và Lăng Ông Ngư còn có các giếng cổ Chăm được xây dựng từ xa xưa. Các di tích này đều nằm sát biển, trong khuôn đất được bao bọc để làm dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô. Ông Trưng nói rằng, phía gành Nam Ô, cách Miếu Âm Linh chừng 1km còn có Miếu Bà Liễu Hạnh.

Miếu Bà Liễu Hạnh gắn với tục thờ mẫu của cư dân Đại Việt trên vùng đất mới, được nhân dân làng Nam Ô lưu truyền nhiều đời qua sự tích mà các nhà nghiên cứu thời nay đã xác nhận. Bà Chúa Liễu Hạnh nằm trong tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc là tục thờ “tứ bất tử” gồm Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh. “Tất cả những điều này chứng tỏ rằng người dân làng biển Nam Ô chứa đựng một đời sống tinh thần và tâm linh khá phong phú.

Tuy nhiên, khi xuất hiện dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô, đơn vị chủ đầu tư ban đầu có ý định đề xuất cho quy hoạch thành cụm sinh hoạt tâm linh. Điều này đã không được người dân địa phương đồng ý. Họ mong muốn giữ lại các di tích nguyên trạng như hiện nay để có nơi sinh hoạt, thờ tự”, ông Trưng chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý giữ lại các di tích ở làng Nam Ô và đưa ra khỏi vùng quy hoạch dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô.

“Tôi được biết hiện các cơ quan chức năng của thành phố đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận các di tích theo quy định. Sau khi có thông báo cụ thể, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, phân loại di tích để phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân làng biển Nam Ô”, ông Hưng nói.

Còn ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng, cho biết thêm, ngành Văn hóa đã đề xuất thành phố yêu cầu chủ đầu tư khu du lịch sinh thái Nam Ô đưa ra ngoài dự án 5 di tích, gồm Miếu Âm Linh (Dinh Cô Hồn), Miếu Bà Liễu Hạnh, giếng Chăm cổ, Nghĩa trủng Nam Ô, Mộ cổ tiền hiền làng Nam Ô. Hiện Bảo tàng Đà Nẵng đang làm thủ tục để công nhận đó là Cụm di tích văn hóa lịch sử cấp thành phố.

UBND TP Đà Nẵng cho biết, đã có tờ trình đề nghị Bộ VH,TT&DL xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho hiện vật “Đài thờ Đồng Dương 22.24” của Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Được khai quật năm 1902, những hiện vật liên quan đến di tích Đồng Dương đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho thấy giá trị đặc biệt của nền văn hóa Champa, trong đó có những đài thờ hoành tráng, đặc biệt là đài thờ Đồng Dương 22.24. Đây là đài thờ có kích thước lớn nhất, hoàn chỉnh nhất được tìm thấy.

Đài thờ làm bằng đá sa thạch và có hình thức tiêu biểu cho một đài thờ tại một Phật viện Champa. Những nội dung, đường nét điêu khắc và hoa văn chạm khắc trên hiện vật được đặc tả độc đáo với bố cục sáng tạo, đặc trưng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Đồng Dương…

Theo ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, đài thờ Đồng Dương 22.24 tuy đã bị sứt vỡ cục bộ một số bộ phận, chi tiết, nhưng xét về tổng thể, đài thờ này vẫn giữ được toàn vẹn các yếu tố tạo nên giá trị tiêu biểu của hiện vật.

Chính vì giá trị văn hóa đặc biệt của đài thờ Đồng Dương, UBND TP Đà Nẵng đã có tờ trình đề nghị Bộ VH,TT&DL xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho hiện vật này dựa trên 3 tiêu chí, bao gồm: Hiện vật gốc độc bản; hiện vật có hình thức độc đáo; hiện vật có giá trị đặc biệt tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại.

Ngọc Thi

.
.
.