Giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt ra thế giới
- Hai nhà văn Việt Nam được nhận giải thưởng văn học sông Mê Kông lần thứ 6
- Tiểu thuyết hình sự kỳ bí "lược sử 7 vụ giết người" giành giải văn học Man Booker 2015
- Nhà văn Belarus đoạt giải Nobel Văn học
Giáo sư Harry Aveling của trường Đại học La Trobe, Melbourne, Australia, một học giả nổi tiếng, đã có nhiều công trình dịch thuật và từng được trao Giải thưởng Phát triển Văn học về dịch thuật. Ông cũng đã có nhiều thời gian giảng dạy ở Việt Nam, nên ông rất hiểu và yêu văn hóa Việt Nam. Từ tình yêu ấy, ông đã dịch sang tiếng Anh cuốn “Cổ tích An Nam” (Huyền thoại miền thanh lãng) từ tiếng Pháp, của tác giả Phạm Duy Khiêm, con trai nhà văn Phạm Duy Tốn.
Công trình này là một đóng góp quan trọng của giáo sư Harry Aveling cho nỗ lực quảng bá văn học Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung với bạn đọc quốc tế, thể hiện tình cảm sâu sắc, chân thành của ông dành cho xứ sở này. Nhân dịp giáo sư Harry Aveling có mặt ở Hà Nội dự lễ ra mắt cuốn “Huyền thoại miền thanh lãng” do Nhà Xuất bản Thế giới tổ chức, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông:
PV: Thưa giáo sư Harry Aveling, kho tàng cổ tích Việt Nam có rất nhiều tác phẩm, nhưng tại sao ông lại chọn dịch cuốn “Huyền thoại miền thanh lãng” mà không phải là cuốn khác?
Giáo sư Harry Aveling: Năm 2002, tôi làm luận văn thạc sĩ và những khóa học đó đã giới thiệu nhiều tác giả, trong đó có Phạm Duy Khiêm. Đọc những tác phẩm của ông, đều viết bằng tiếng Pháp, tôi rất thích. Cuốn sách có giá trị đặc biệt ở chỗ, là một trí thức am hiểu 2 nền văn hóa đông-tây và bằng thứ tiếng Pháp hết sức nhuần nhụy, tinh tế, tác giả đã trình bày lại các câu chuyện cổ tích quen thuộc của Việt Nam “Truyện trầu cau”, “Mỵ Châu –Trọng Thủy”, “Sự tích hòn vọng phu”, “Sự tích con muỗi” một cách gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp nhận với độc giả phương Tây biết tiếng Pháp, trong khi vẫn truyền tải được những nét đặc sắc của văn học dân gian Việt Nam, nói rộng ra, những tính cách, phẩm chất, lối suy nghĩ độc đáo, đậm đà bản sắc Việt.
Giáo sư Harry Aveling và cuốn Cổ tích An Nam do ông dịch. |
Cuốn sách có một vẻ đẹp độc đáo, khi không chỉ giới thiệu với thế giới bên ngoài những câu truyện cổ tích của Việt Nam, mà còn nói lên triết lý sống về tình yêu, về cái chết - một triết lý mang nặng khổ đau và cát bụi đời người ở những miền thanh lãng. Đọc cuốn sách, tôi thấy được những tinh hoa và bản sắc của văn hóa Việt Nam rất sâu sắc và nghĩ tại sao mình lại không dịch cuốn sách ra tiếng Anh, để tác phẩm được đến với công chúng nhiều hơn trên thế giới? Từ niềm yêu thích cũng như thấy được những giá trị của cuốn sách, tôi đã dành 3 năm để dịch và rất vui mừng khi Nhà Xuất bản Thế giới đã xuất bản.
PV: Là một nhà văn, một học giả người nước ngoài, ông có gặp nhiều khó khăn khi dịch cuốn “Huyền thoại miền thanh lãng”?
Giáo sư Harry Aveling: Khó khăn lớn nhất là sự khác biệt về văn hóa. Ví như trong truyện, Phạm Duy Khiêm nói về chi tiết người đàn ông chết và sau 3 năm thì cải táng, nhưng ông không muốn độc giả Pháp biết về tục lệ này do có tính đến sự khác biệt về văn hóa, nên đã viết đơn giản nó đi, không nói kỹ về các thủ tục cải táng của người Việt. Vì thế, tôi phải tìm hiểu để chuyển nghĩa cho đúng. Hoặc có các điển tích, thành ngữ phải chú thích mới hiểu được như câu Kiều “khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” tôi chỉ có thể dịch ý. Việc dịch yêu cầu rất cao, là tái sáng tạo nên không dễ dàng, hơn nữa, chuyển ngữ một kiệt tác văn chương càng rất khó, mất rất nhiều thời gian mà nhuận bút lại thấp, trong khi bạn đọc luôn kỳ vọng vào bản dịch. Nếu dịch sát nghĩa, sẽ bị chê là khô khan, còn dịch “chệch” đi thì bị coi là sai và tôi chú ý đến tinh thần của bản dịch. Bởi dịch được cái hồn của tác phẩm thì sẽ bất tử.
Tôi có người bạn thơ quen biết đã nhiều năm là nữ thi sĩ Nguyễn Bảo Chân, một người hiểu sâu sắc văn hóa Việt và chúng tôi đã làm việc nhiều lần từ trước đây, giúp tôi rất nhiều. Bảo Chân kết nối tôi với nhà thơ Ý Nhi, người quen biết gia đình nhà văn Phạm Duy Khiêm, giúp tôi gặp được nhạc sĩ Phạm Duy và gia đình ông để tìm hiểu thêm về tác giả cũng như về cuốn sách. Từ đó, tôi biết bản quyền của cuốn sách thuộc về một nhà xuất bản bên Pháp để xin phép. Sau khi được nhà xuất bản và gia đình Phạm Duy đồng ý, tôi mới dịch sang tiếng Anh. Bảo Chân chính là người đã khích lệ và truyền cảm hứng cho tôi trong việc dịch cuốn sách này, nên tôi muốn ghi dành tặng cuốn sách cho cô ấy.
PV: Trong gần 30 câu chuyện cổ tích mà Phạm Duy Khiêm viết và đã được ông dịch, tác phẩm nào để lại cho ông ấn tượng nhất?
Giáo sư Harry Aveling: Đó là tác phẩm đầu tiên, câu chuyện về Trương Chi và Mỵ Nương. Một câu chuyện giản dị, bình thường về tình yêu của một chàng trai nghèo có giọng hát tuyệt hay. Khi Trương Chi mất, hồn hóa thành gỗ tàn hương, rồi được làm thành chiếc chén. Mỗi khi cô gái uống nước ở chiếc chén thì hình ảnh anh ấy lại hiện ra và khi giọt nước mắt của cô gái rơi vào, hình ảnh đó tan đi. Một câu huyện hết sức lãng mạn và u hoài. Còn những chuyện khác không có chất hoài cổ như vậy.
PV: Ông yêu mến văn hóa Việt Nam và đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về văn hóa Việt. Nhưng có nét văn hóa nào mà ông chưa biết hết?
Giáo sư Harry Aveling: Văn hóa Việt Nam tinh tế và tế nhị. Những xúc cảm trong những câu chuyện rất sâu lắng, tinh tế và đầy tính nhân bản. Tôi phải học và nhận ra những cảm xúc đó trong từng câu chuyện.
PV: Cám ơn ông!
Tác giả Phạm Duy Khiêm chọn tiếng Pháp làm ngôn ngữ văn chương là bởi, ông mong muốn giới thiệu văn hóa Việt Nam trên văn đàn thế giới. Những câu truyện cổ tích như cái cớ cho ông sáng tạo và đưa ra những thông điệp ý nghĩa với độc giả. Với văn phong đậm chất thi ca, ông mang đến cho bạn đọc những vấn đề nổi bật trong tâm hồn Việt, văn hóa Việt, xuyên qua ý nghĩa các huyền thoại. Đặc biệt, các tác phẩm của ông luôn đầy ắp tinh thần tự hào dân tộc và đất nước quê hương. |