Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - góc nhìn từ tranh cổ động

Thứ Bảy, 11/05/2019, 06:28
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Người, ngày 10-5, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn từ tranh cổ động (1969 – 2011)” tại 19 Ngọc Hà, Hà Nội.


Với gần 60 bức tranh, chủ yếu là các tác phẩm gốc, trưng bày chuyên đề đã giới thiệu về sưu tập tranh cổ động được sáng tác và phát hành sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.Với 4 phần gồm: Hồ Chí Minh – Linh hồn dân tộc Việt Nam; Hồ Chí Minh – Nhà quân sự, nhà thơ; Bác Hồ - Một tình yêu bao la và Chủ tịch Hồ Chí Minh; các tác phẩm trong sưu tập với bút pháp đồ họa phong phú cùng ngôn ngữ khúc chiết đã khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị lãnh tụ vĩ đại nhưng vô cùng giản dị, gần gũi, là tấm gương sáng đối với các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Ngoài ra, trưng bày (kéo dài đến hết ngày 10-10) cũng là dịp để các nghệ sĩ có dịp nhìn lại quá trình hình thành, phát triển của tranh cổ động, đặc biệt là về đề tài chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo lời kể của họa sĩ Thục Phi, nguyên Giám đốc xưởng tranh cổ động Trung ương, hình tượng Bác trong tranh cổ động được nhiều họa sĩ say mê thể hiện và cống hiến tác phẩm khắc họa Hồ Chủ tịch dưới nhiều góc độ…

Các đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn từ tranh cổ động (1969 – 2011)”.

Họa sĩ Trần Tử Thành, tác giả của bức tranh nổi tiếng “Độc lập – Thống nhất – Hòa bình – Hạnh phúc” kể, năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông hào hứng tìm đề tài cho bức tranh tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên được tổ chức vào đầu năm 1976 tại khu triển lãm Vân Hồ (Hà Nội). Đối với ông, những câu chuyện về Bác Hồ luôn mang đến những xúc cảm thiêng liêng. “Tôi vô cùng tâm huyết lựa chọn hình ảnh Bác với trẻ thơ làm đề tài cho mạch cảm xúc của mình” - họa sĩ Trần Tử Thành chia sẻ.

Họa sĩ Trần Tử Thành cho biết thêm: “Ấp ủ về một tình cảm lớn cho ngày hội thống nhất non sông, thôi thúc tôi thể hiện tác phẩm trong thời gian ngắn. Lựa chọn, cân nhắc, cuối cùng tôi quyết định chọn hình thức tranh cổ động, một thể loại dễ hiểu, phổ biến trong cuộc sống.

Ban đầu, tác phẩm có tên là “Bác Hồ với thiếu nhi” và đã đoạt giải cao tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc trong năm 1976. Nhưng để chào mừng Tổng tuyển cử bầu Quốc hội cùng năm, tôi đã đề nghị đưa khẩu hiệu “Độc lập – Thống nhất – Hòa bình – Hạnh phúc” vào tranh. Đặc biệt tác phẩm trên còn được treo ở Bảo tàng Lenin (Nga), LaHabana (Cuba)… bằng phiên bản các chất liệu, kích cỡ khác nhau. Đã có nhiều nhà sưu tập trong nước và quốc tế “dạm mua” bản gốc của bức tranh nhưng tôi đều từ chối. Với tôi đó là kỷ vật vô giá của đời mình”.

Còn với họa sĩ Phạm Lung (sinh năm 1937) thì ngay từ khi còn là một cậu bé 8 tuổi, ông đã rất say mê với nghệ thuật hội họa. Đặc biệt, những bức tranh về Bác Hồ luôn có một sức cuốn hút kỳ lạ đối với ông. Họa sĩ Phạm Lung không thể quên được cảm giác về một cuộc sống khổ cực cơ hàn trước cách mạng, tuy ngày đó ông mới chỉ là một cậu bé 8 tuổi. Có lẽ vì thế, ấn tượng ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đến với ông quá mạnh mẽ, hình ảnh Bác Hồ, hình ảnh cách mạng, hình ảnh các anh bộ đội luôn ở trong tâm trí của ông, nuôi dưỡng tình cảm cách mạng trong con người ông.

“Ngày đó, cả bầu trời như bừng sáng, ở khắp nơi, khắp xóm, đi đến đâu tôi cũng nghe được tên của Người - Hồ Chí Minh. Ngay từ lúc đó, tôi đã muốn vẽ tranh về Bác Hồ. Bác Hồ đã ở trong tôi ngay từ thuở ấu thơ, gần gũi như lời ru, như cánh đồng, như dòng sông mỗi ngày tắm mát… Và vì lẽ đó, trên mỗi nẻo đường cuộc đời, tôi luôn thấy Bác…” - Họa sĩ Phạm Lung chia sẻ.

Với 28 bức tranh họa sĩ Phạm Lung vẽ về Bác Hồ là 28 câu chuyện về Người. Mỗi tác phẩm của họa sĩ có một màu chủ đạo riêng, với nét vẽ giản dị nhưng chứa đầy tình cảm mến yêu, kính trọng đối với vị Cha già của dân tộc Việt Nam. Trong hầu hết các bức tranh của ông, hình ảnh Bác Hồ luôn giản dị, gương mặt Người, nụ cười hiền hậu của Người luôn hòa chung với nụ cười của quần chúng nhân dân.

TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, trong  trưng bày lần này còn ra mắt ấn phẩm “Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn từ tranh cổ động (1969 – 2011)” giới thiệu về trưng bày, các tác phẩm tranh cổ động trong trưng bày và một số bài viết của các nhà nghiên cứu mỹ thuật, các họa sĩ.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ sự kiện triển lãm, lần đầu tiên, công chúng còn có dịp tham gia hoạt động khám phá, trải nghiệm thú vị như in tranh khắc gỗ về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ một số bức tranh mẫu được lựa chọn trong trưng bày. Kỹ thuật và thao tác in tranh được thực hiện trên chất liệu giấy điệp, mực in từ tranh Đông Hồ truyền thống sẽ mang đến trải nghiệm đặc biệt cho khách tham quan, nhất là với đối tượng công chúng trẻ tuổi.

Cũng nhân dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ tiếp nhận nhiều bức tranh của các họa sĩ Trần Tử Thành, Đỗ Mạnh Cương, Nguyễn Trọng Hiệp, Lê Nhường… trao tặng. Mỗi tác phẩm là một biểu trưng cho tình yêu, sự kính trọng, tình cảm sâu sắc của các hoạ sĩ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vũ Cảnh
.
.
.