Cần quy hoạch thận trọng để nghệ thuật công cộng phát triển bền vững

Chủ Nhật, 27/12/2020, 10:51
Việc quan tâm đầu tư cho các không gian công cộng, nghệ thuật công cộng (NTCC) ngày càng quan trọng. Bên cạnh giá trị văn hóa, nghệ thuật, NTCC tạo thành các điểm đến hấp dẫn, tạo ra lợi ích kinh tế. Nhưng, cùng với sự phát triển, NTCC cũng đang nảy sinh nhiều bất cập khiến nhiều người lo lắng.

NTCC đang góp phần tạo nên những điểm đến, tạo không gian hấp dẫn hơn tại nhiều địa phương. Ở Hà Nội, nhắc đến NTCC thời gian gần đây, không thể không nói đến con đường gốm sứ ven sông Hồng, đặc biệt là phố bích họa Phùng Hưng hay phố đi bộ Hà Nội với các hoạt động sôi động, nhộn nhịp mỗi dịp lễ, Tết, cuối tuần…

Ngay cả với cố đô Huế, như PGS.TS Phan Thanh Bình chia sẻ tại hội thảo “NTCC kiến tạo điểm đến du lịch” thì NTCC đã tạo nên những thuộc tính thẩm mỹ mạnh mẽ, nhưng cũng có cả những xung đột văn hóa ở vùng đất mà xưa kia vốn lặng lẽ, hoài cổ, nặng về gia phong, lễ nghĩa. 

Phố bích họa Phùng Hưng, Hà Nội.

Có lúc NTCC như một hiện tượng mang lại hơi thở mới mẻ của thời đại và tạo nên những thay đổi tích cực trong nhận thức về nghệ thuật của công chúng. Đời sống mỹ thuật Huế trong những năm 1998 – 2000 đã nổi lên phong trào làm NTCC một cách sôi nổi, đa dạng ở nhiều không gian tương tác khác nhau và nhiều hình thức tổ chức hội đoàn văn hóa khác nhau.

Người Huế ngỡ ngàng khi xuất hiện nhiều cuộc trưng bày sắp đặt mang tính NTCC của các nghệ sĩ quốc tế, nhưng đáng chú ý là việc trưng bày những chú ngựa khổng lồ, đắp mô hình rồng - phụng khổ lớn ở bờ sông Hương, vô số nhân tượng được đặt tạo hình giữa không gian ngay ngã tư cầu Tràng Tiền, góc thành Đại Nội.

Tuy nhiên, không phải tất cả tác phẩm NTCC đều hoàn mỹ. Bên cạnh những tác phẩm có chiều sâu nhân văn, ý tưởng nghệ thuật tốt, thậm chí có giá trị quốc tế thì vẫn có những tác phẩm còn hời hợt, cá biệt và gây ra sự phản ứng của công chúng bởi sự khác biệt và xung đột đối với văn hóa Việt Nam một cách quá lớn.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, NTCC là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm gần đây. Một phần bởi vì nghệ thuật ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội đáng sống, hình thành nên những công dân biết yêu cái đẹp, hướng đến tính thiện và biết chia sẻ yêu thương. Một phần là vì các không gian công cộng chính là những điểm nhấn của một đô thị.

Bàn về thực trạng của NTCC hiện nay, TS Huỳnh Minh Của nhận định: Các loại hình NTCC ở nước ta rất đa dạng, với nhiều hình thức, điêu khắc, hội họa, một công trình kiến trúc độc đáo... đặt trong không gian công cộng, được sử dụng chất liệu bền vững hoặc không bền vững như nghệ thuật điêu khắc băng, trình diễn sân khấu, nghệ thuật ánh sáng, nghệ thuật bắn pháo hoa...

Tuy nhiên, cũng theo TS Huỳnh Minh Của, NTCC trước tiên phải là vẻ đẹp nghệ thuật, đảm bảo đáp ứng tính chất công cộng (chung). NTCC cần đáp ứng các yếu tố sáng tạo nghệ thuật, tính khác biệt, nhưng phải đảm bảo công năng, tâm lý thưởng thức về nhu cầu nghệ thuật…

Để không gian NTCC bền vững, việc qui hoạch là rất cần thiết và thận trọng, nhằm tạo ra lợi thế về sự khác biệt với sắc thái riêng cho không gian thưởng thức, cùng với khai thác giá trị tiềm năng riêng ở từng khu vực công cộng, tạo thu nhập cho người dân và doanh nghiệp. Như thế, cần có những giải pháp, hướng đầu tư phù hợp cho NTCC.

Cụ thể, quy hoạch không gian công cộng được kết nối thuận lợi cùng với điểm nhấn nghệ thuật. Đầu tư nghệ thuật phải chắt lọc, mang tính biểu tượng, đại diện, tạo điểm nhấn, có tính độc đáo, kỷ lục. Cần kết hợp nghệ thuật với xây dựng thương hiệu và dịch vụ phụ trợ như mua sắm, nghệ thuật biểu diễn…

N.H
.
.
.