Bảo tàng nỗ lực phục vụ người xem thời… COVID-19

Thứ Tư, 28/07/2021, 08:10
Sau 2 năm liên tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, nhiều bảo tàng dần thích ứng tốt hơn, đặc biệt là đa dạng hình thức hoạt động hơn trong phục vụ công chúng.


Ngay giữa thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, công chúng vẫn có dịp chiêm ngưỡng nét đặc trưng của thiên nhiên và phong cảnh tuyệt đẹp của hai đất nước Italia và Việt Nam qua góc nhìn của các nghệ sĩ bằng hình thức trực tuyến. Đây là triển lãm song hành “Italian Roustes – Phong cảnh núi, leo núi, biến đổi khí hậu” và “Phong cảnh Việt Nam – Đa dạng sinh thái, biến đổi khí hậu, khám phá mới” do Đại sứ quán Italia tại Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức. 

Triển lãm song hành dự kiến diễn ra đến ngày 23/8 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và trực tuyến trên trang mạng xã hội của Đại sứ quán Italia tại Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Trong đó, “Italian Roustes – Phong cảnh núi, leo núi, biến đổi khí hậu” là dự án của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia do nhiếp ảnh gia Fabiano Ventura phối hợp với Hiệp hội phi lợi nhuận Macromicro phụ trách.

Triển lãm gồm 3 phần: Giới thiệu chung, phong cảnh núi Italia và nhìn ra thế giới. Tuy nhiên, được quan tâm nhất có lẽ là  Montagne Italiane (Những dãy núi Italia). Ở đó, công chúng có dịp khám phá 9 dãy núi qua các bức ảnh khổ lớn, được sắp đặt, gợi sự liên tưởng, so sánh hình ảnh quá khứ và hiện tại, cho thấy sự thay đổi của các khối băng, nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu đối với cảnh quan núi. Cùng với đó là những minh họa các đặc điểm địa lý, lịch sử và địa-băng hà, các tài liệu và tư liệu lịch sử về những chuyến thám hiểm núi cao đầu tiên. 
Góc triển lãm song hành tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Triển lãm còn tạo ấn tượng bởi những bức ảnh triển lãm đi kèm với các đoạn video ghi lại chuyến thám hiểm “Trên đường mòn của sông băng - Alps 2020”, các trang thiết bị leo núi được sử dụng trong quá khứ và hiện đại…

Trong khi đó, triển lãm “Phong cảnh Việt Nam – Đa dạng sinh thái, biến đổi khí hậu, khám phá mới” giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật về cảnh quan núi rừng Việt Nam của ba nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong nước. Đó là nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm với bộ 5 ảnh được chụp tại Đồng Văn và Mèo Vạc từ năm 2008 đến 2012. 

Bộ ảnh ghi nhận sự đấu tranh sinh tồn trong thế giới tự nhiên thông qua hình ảnh tồn tại và lớn mạnh của 5 cây đại mộc trong môi trường chỉ có toàn đá tai mèo và khô hạn, mô tả điều kiện tự nhiên, môi trường sống tại cao nguyên đá Hà Giang rất khắc nghiệt vì vừa thiếu đất và thiếu nước. 

Bộ ảnh tuyết trắng trên dãy Hoàng Liên Sơn của tác giả Hoàng Giang Hải chụp năm 2016, tại Bản Sâu Chua, nằm trên cao cách Sa Pa khoảng 8km. Nhiếp ảnh gia Trần Đặng Đăng Khoa đến với công chúng bằng tác phẩm về Hang Sơn Đoòng - cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ của tạo hóa, đã và đang thu hút giới khoa học và các nhà thám hiểm trong và ngoài nước đến khám phá.

Thực tế ứng dụng công nghệ nói chung và triển lãm trực tuyến nói riêng đến nay đã không còn là hình thức quá mới mẻ với công chúng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, những triển lãm trực tuyến và nhiều sản phẩm tiếp cận công chúng của nhiều bảo tàng ngày càng được đầu tư hơn, đa dạng hơn. Nếu năm 2020, công chúng của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bước đầu có các triển lãm online trên trang web của bảo tàng thì năm 2021, Bảo tàng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng và vận hành ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. 

Như chia sẻ của ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì iMuseum vượt trội hơn một ứng dụng thuyết minh tự động thông thường, sở hữu nhiều tính năng hữu ích khác. Cùng với sự hỗ trợ của 8 ngôn ngữ, ứng dụng này không chỉ giúp khách tham quan trực tiếp bảo tàng mà còn giúp công chúng ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều có thể tiếp cận, trải nghiệm, xem và tìm hiểu những thông tin và câu chuyện xung quanh các tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ứng dụng này đã góp phần kết nối bảo tàng với đông đảo công chúng trong và ngoài nước, dù dịch bệnh do COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp.

Về vấn đề này, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bảo tàng sẽ tăng cường giới thiệu triển lãm online trên trang mạng xã hội với đa dạng hình thức. Công chúng có thể tìm hiểu, khám phá triển lãm ngay tại nhà. Đặc biệt, dịp này, Bảo tàng còn phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Việt Nam giới thiệu triển lãm qua 4 sự kiện trực tuyến với các chủ đề: Thám hiểm núi (dự kiến ngày 31/7), leo núi (dự kiến ngày 7/8), nhiếp ảnh (dự kiến ngày 14/8) và biến đổi khí hậu (dự kiến ngày 19/8).

Với Di tích Nhà tù Hỏa Lò, những ngày tháng 7 này, công chúng vẫn có dịp tham quan di tích qua trưng bày chuyên đề “Thắp lửa yêu thương”. Đây là chương trình trọng tâm và nhiều ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021), trưng bày giới thiệu trực tuyến qua kênh phát thanh – Podcast duy nhất của Di tích Nhà tù Hỏa Lò. 

Theo Ban quản lý di tích, chương trình hoàn toàn miễn phí, bao gồm nội dung trưng bày được cập nhật theo tuần và các câu chuyện lịch sử được chọn lọc nhưng không bao gồm các chương trình thuyết minh cố định trong di tích. Hiện tại, chương trình đang nhận được sự quan tâm của nhiều người trong nghề. Bởi lẽ, trưng bày trực tuyến qua kênh phát thanh là hình thức khá phổ biến ở nhiều bảo tàng trên thế giới nhưng còn rất mới mẻ ở Việt Nam. 

Việc tổ chức “Thắp lửa yêu thương” trực tuyến qua kênh phát thanh của Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã cho thấy sự thay đổi rất lớn và tích cực về cách tiếp cận công chúng, khả năng ứng dụng công nghệ và nhạy bén trong sử dụng các phương thức truyền thông trực tuyến thịnh hành hiện nay của ê – kíp thực hiện nói riêng, người làm bảo tàng nói chung.

N.Nguyễn
.
.
.